'Trợ thủ' của bác sĩ phẫu thuật

Lần đầu tiên, hệ thống phòng mổ Hybrid được xây dựng và đưa vào sử dụng tại một bệnh viện tuyến tỉnh của Việt Nam. Đây được đánh giá là phòng mổ hiện đại bậc nhất, với nhiều trang thiết bị y tế hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ phẫu thuật, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Có gì trong phòng mổ trị giá hàng trăm tỷ đồng?

Ngày 6/10, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) chính thức đưa vào hoạt động 3 phòng mổ mới, gồm 1 phòng mổ Hybrid, 1 phòng mổ nội soi tiêu hóa, 1 phòng mổ nội soi khớp chẩn thương chỉnh hình. Chỉ sau 3 ngày, đã có 20 bệnh nhân được phẫu thuật, điều trị tại các phòng mổ hiện đại này.

Bác sĩ Phan Minh Trung và nhóm bác sĩ tại phòng mổ Hybrid mới.

Trong đó, phòng mổ Hybrid (còn gọi là phòng mổ OR1) dành được sự chú ý của nhiều bệnh nhân bởi thiết kế hiện đại, sử dụng các thiết bị y tế công nghệ cao, giúp tạo ra môi trường vô trùng, kết hợp với các thiết bị phẫu thuật, dụng cụ, bàn phẫu thuật, hệ thống quản lý, như máy chụp mạch robot Artis Pheno và cánh tay robot tiên tiến nhất của Đức – những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực can thiệp mạch.

Phòng mổ cũng tích hợp hệ thống điều khiển trung tâm, kết nối với hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS), được trang bị các thiết bị phẫu thuật nội soi thế hệ mới với hình ảnh 3D và 4K, hệ thống ánh sáng hiện đại hỗ trợ đắc lực cho ca mổ.

Bác sĩ chuẩn bị cho bệnh nhân trước phẫu thuật.

So với phòng mổ truyền thống, phòng mổ Hybrid có diện tích lớn hơn, cho phép đặt nhiều thiết bị y tế hiện đại, có đủ không gian cho ê kíp bác sĩ hoạt động, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ ca mổ. Trong đó, bàn mổ là trung tâm của căn phòng, còn các thiết bị vây quanh, nhằm tạo sự linh hoạt khi có nhu cầu sử dụng, hoặc chuyển đổi thiết bị, kỹ thuật trong quá trình ca mổ diễn ra.

Hiện nay, phòng mổ Hybrid tại Bệnh viện Thanh Nhàn được sử dụng phục vụ cho các ca phẫu thuật can thiệp mạch.

Bác sĩ Phan Minh Trung – Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn - ví von việc đưa căn phòng mổ hiện đại vào hoạt động như "một giấc mơ ngày".

“Đặc biệt nhất trong phòng mổ là 2 robot hiện đại. Đó là Artis Pheno lần đầu tiên được đưa vào sử dụng tại Việt Nam, cả châu Á chỉ có 4 chiếc, có thế mạnh vượt trội về can thiệp tim mạch cũng như phẫu thuật thần kinh cột sống, chấn thương chỉnh hình; và Robot Mazor của Mỹ chuyên về sọ não cột sống, ở Việt Nam mới có 2 chiếc. Các thiết bị hiện đại chỉ thấy qua màn hình tivi nay được thực hiện ngay trước mắt, cứ như là mơ!” – Bác sĩ Phan Minh Trung chia sẻ.

Trợ thủ đắc lực trong phẫu thuật mạch

“Trợ thủ” đắc lực nhất cho các bác sĩ trong phòng mổ Hybrid đó là Artis Pheno kết hợp với cánh tay robot có 7 khớp nối của Đức. Chiếc máy này cho phép chụp CT 360 độ với tốc độ nhanh, chất lượng hình ảnh tốt song vẫn tiết kiệm được lượng thuốc cản quang; cho phép tái tạo hình ảnh chất lượng cao với liều tia thấp, giảm thiểu ảnh hưởng của bức xạ tia X đối với bệnh nhân và ê kíp phẫu thuật. Đồng thời, Artis Pheno được trang bị chức năng giúp tối ưu hóa các thông số hình ảnh với các bộ phận cần chụp. Còn cánh tay robot có 7 khớp nối linh hoạt, chính xác, thuận tiện, phối hợp với các thiết bị khác và cả ê kíp trong quá trình phẫu thuật.

Quang cảnh phòng mổ Hybrid trước một ca phẫu thuật can thiệp mạch.

Trước đây, khi chưa có phòng mổ Hybrid, các kỹ thuật can thiệp mạch có độ khó cao, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề rất giỏi và cực kỳ khéo léo mới có thể phẫu thuật thành công. Hiện nay, với sự hỗ trợ của phòng mổ và các công nghệ hiện đại, hình ảnh vị trí thương tổn được thể hiện rõ nét, giúp công việc của các bác sĩ được giảm bớt nhiều lần và tăng độ chính xác trong phẫu thuật, giúp tiết kiệm thời gian của bác sĩ và bệnh nhân.

Bên cạnh đó, nhờ phòng mổ trang bị hiện đại, các bác sĩ có thể thực hiện được rất nhiều các kỹ thuật can thiệp mạch khác, ví dụ: can thiệp nút mạch trong các chấn thương vỡ gan, chấn thương phế quản, nút điều trị u xơ tử cung và u phì đại tiền liệt tuyến...

Đảm bảo an toàn phẫu thuật

Cận cảnh chiếc máy Artis Pheno đầu tiên tại Việt Nam.

“Tất cả mọi thứ đều có thể thực hiện ở trong phòng mổ này” – Bác sĩ Phan Minh Trung chia sẻ. Theo ông, phòng mổ hybrid là một phòng mổ tích hợp, không chỉ có mục đích phẫu thuật đơn thuần mà còn tích hợp nhiều trang thiết bị khác về chẩn đoán hình ảnh, như MRI, CT, cộng hưởng từ, robot… Vì vậy, giúp các bác sĩ có ngay kết quả chẩn đoán hình ảnh khi cần thiết. Đặc biệt, trong quá trình can thiệp mạch, nếu xảy ra biến cố, các bác sĩ có thể linh hoạt chuyển sang phẫu thuật ngoại khoa mà không cần di chuyển bệnh nhân.

Bên cạnh đó, khi các bác sĩ can thiệp chính xác vào khu vực thương tổn với sự trợ giúp của thiết bị y tế hiện đại, bệnh nhân sẽ ít phải chịu xâm lấn, thời gian phục hồi ngắn hơn, mà bệnh viện không cần nhiều tài nguyên để quản lý bệnh nhân.

Một ca phẫu thuật can thiệp mạch được thực hiện tại Phòng mổ Hybrid, Bệnh viện Thanh Nhàn.

Đặc biệt, hệ thống chụp mạch Artis Pheno được phát triển dựa trên khái niệm kiểm soát nhiễm khuẩn, phù hợp để sử dụng trong phòng mổ ở điều kiện vô trùng, các bề mặt được thiết kế phủ kháng khuẩn. Toàn bộ không khí trong phòng mổ cũng được lọc sạch, tiệt trùng, không còn bụi bẩn, vi khuẩn. Bệnh viện cũng sử dụng một máy áp lực dương đẩy không khí di chuyển theo chiều từ trong phòng ra bên ngoài. Các yếu tố này làm giảm tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện.

Như vậy, phòng mổ Hybrid giúp bác sĩ đảm bảo an toàn phẫu thuật cho bệnh nhân ở mức tối đa, không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh mà còn giúp các bác sĩ hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

Chi Lê

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/tro-thu-cua-bac-si-phau-thuat-369125.html