Trở về cội nguồn cải lương với Thầy Ba Đợi

Lần đầu tiên, các nghệ sĩ cải lương hai miền Nam - Bắc cùng kết hợp trong vở diễn Thầy Ba Đợi. Đây là vở cải lương nhân kỷ niệm một thế kỷ sân khấu cải lương ra đời.

Các nghệ sĩ luyện tập vở cải lương “Thầy Ba Đợi”

Hai miền Nam - Bắc cùng về cội nguồn

Thầy Ba Đợi là câu chuyện về nhạc sư Nguyễn Quang Đại (thường gọi là Thầy Ba Đợi). Ông là người đã có công đúc kết, sáng tạo nên những “bản tổ”, được xem như những tác phẩm kinh điển cho nghệ thuật Đờn ca tài tử, sau này là sân khấu cải lương. Nội dung vở diễn nói về giai đoạn ông từ miền Trung vào Nam kỳ và bị giặc Pháp truy đuổi do ủng hộ phong trào Cần Vương chống Pháp. Tại đây, ông đã được con gái quan Tổng đốc che giấu và có mối tình dang dở với nàng. Thông qua số phận nhân vật, khán giả sẽ thấy được những công trạng của ông đối với sự hình thành nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và sau này là sân khấu cải lương.

Vở diễn được lên kế hoạch cách đây một năm, do PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ viết kịch bản. Đạo diễn Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ, do là lần đầu tiên hợp tác hai miền nên anh có chút bỡ ngỡ, vì phương pháp nghệ thuật và thực trạng hoạt động ở hai miền có những đặc điểm riêng. Các nghệ sĩ cùng dàn tập và có vấn đề gì sẽ giải quyết ngay lập tức. Một trong những khó khăn là việc lên lịch tập luyện vì người ngoài Bắc, người trong Nam. Các nghệ sĩ miền Bắc phải chia nhỏ thành từng nhóm để vào tập luyện. Trong quá trình dàn tập, các nghệ sĩ miền Nam hoàn thành vai diễn rất nhanh. Nghệ sĩ miền Bắc thì chưa quen như vậy.

Không chỉ khác nhau về phương thức hoạt động, thủ pháp dàn dựng cũng là điều phải cân nhắc đối với ê-kíp. Theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, sân khấu miền Bắc trang trí mỹ thuật mang tính gợi tả, ước lệ. Nhạc nền thường dùng là nhạc giao hưởng, phục trang thiết kế gần với nguyên bản… Có thể khán giả miền Nam chưa thích lắm những điều này. “Tất cả các ngôn ngữ nghệ thuật phối hợp là để đạt đến mục đích truyền tải được thông điệp và lay động trái tim người xem. Anh em nghệ sỹ hai miền đã hòa vào nhau một cách ngọt ngào, không có khoảng cách”, đạo diễn chia sẻ.

Một nhân vật cần bốn diễn viên

Nhân vật Thầy Ba Đợi trải qua nhiều giai đoạn khi từ miền Trung vào miền Nam. Các giai đoạn được thể hiện bởi 4 nghệ sĩ. Hai nghệ sĩ miền Bắc là NSƯT Xuân Vinh, nghệ sĩ Quang Khải và 2 nghệ sĩ miền Nam gồm NSƯT Thanh Tuấn và NSƯT Lê Tứ. Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho hay, có hai quan điểm khi xây dựng hình tượng nhân vật ông Ba Đợi. Một là theo nguyên tắc thông thường, bốn nghệ sỹ phải tạo nên một hình tượng chung. Hai là, bốn nghệ sỹ là bốn sắc thái khác nhau, như đưa người xem tới nhiều cách mường tượng khác nhau về nhân vật. Bởi, tư liệu về thân thế, sự nghiệp của ông để lại rất ít. Giai đoạn trẻ, ông từ miền Trung vào, nói thổ ngữ của miền Trung. Sau 10 năm sinh sống ở miền Nam, ông dần trở thành cư dân Nam bộ. Di sản âm nhạc ông mang theo ban đầu là Nhã nhạc cung đình Huế, sau chuyển hóa dần để thành Đờn ca tài tử Nam bộ. Đó là sự phản ánh tất yếu tâm hồn ông lúc ấy đã thấm đẫm phong thái của con người phương Nam.

Với nghệ sĩ Quang Khải, được đứng trên sân khấu và thể hiện nhân vật Thầy Ba Đợi trong giai đoạn kỷ niệm một thế kỷ sân khấu cải lương là điều mơ ước của nhiều nghệ sĩ. “Không ai sống được một thế kỷ nữa để tham gia sự kiện này. Chúng tôi sẽ cống hiến hết sức và khả năng của mình để có thể cho khán giả thưởng thức một vở diễn hoàn chỉnh. Để khán giả thấy được sự phát triển của nghệ thuật và sự khao khát của các nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu”, nghệ sĩ Quang Khải nói.

Bốn nghệ sĩ có những lối diễn riêng theo từng giai đoạn, về mặt nghề nghiệp là có thể chấp nhận được và sẽ mang nét thú vị riêng. Nhiệm vụ của họ là phải mang đến cho khán giả hình ảnh chân thực của thế đất, con người phương Nam kiên cường, trung dũng qua những biến cố thăng trầm của lịch sử.

Đảm nhận vai Thầy Ba Đợi thời trẻ, khi từ miền Trung vào miền Nam, nghệ sĩ Quang Khải tâm sự, đây không phải lần đầu anh diễn bằng thổ ngữ miền Trung. Hơn nữa, anh quê gốc ở Nghệ An nên việc nói tiếng miền Trung không phải điều khó khăn. “Đứng chung sân khấu với các nghệ sĩ phía Nam là một trải nghiệm đáng nhớ trong sự nghiệp của tôi, cũng là áp lực không nhỏ. Ba nghệ sĩ còn lại đều là những danh ca nên tôi phải cố gắng thông qua thần thái, giọng ca của mình, có thể cân đối với các anh ấy”, nghệ sĩ Quang Khải bộc bạch.

Để làm được điều ấy, nghệ sĩ Quang Khải phải tranh thủ mọi lúc để tập luyện và luôn nghĩ tới nhân vật. Anh cũng dành tối đa, chắt chiu thời gian khi luyện tập ở trong Nam vì phải di chuyển giữa hai miền để lo công việc ở nhà hát ngoài Bắc.

Thầy Ba Đợi là vở diễn kết hợp hai miền, kinh phí vở diễn 100% xã hội hóa. Đặc biệt, vở diễn sẽ không bán vé bởi nó mang hai trọng trách: Kỷ niệm một thế kỷ sân khấu cải lương; Sự hợp lực Nam - Bắc trong trình bày quan điểm về sân khấu cải lương hiện đại.

Theo dự kiến, vở sẽ diễn ra tại TP HCM trong 2 ngày 28/4 và 1/5. Ngoài ra, ngày 29/4 diễn tại Long An và có ý định mang vở ra phục vụ khán giả Thủ đô Hà Nội cùng một số tỉnh, thành phía Bắc. “Cũng khó khăn vì chi phí cho một buổi diễn không nhỏ. Tuy nhiên, nếu khả thi thì cũng là tiền đề cho sự hợp tác lần sau”, đạo diễn Triệu Trung Kiên bộc bạch.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tro-ve-coi-nguon-cai-luong-voi-thay-ba-doi-d251117.html