Trỗi dậy miền đất bazan

Tây Nguyên đang như thỏi nam châm hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và chế biến, xuất khẩu. Nhờ đó, nền nông nghiệp hiện đại với sức cạnh tranh cao đang hình thành và trỗi dậy mạnh mẽ trên miền đất đỏ bazan này.

Từ Kortemark, West-Vladeren (Bỉ), chị Phương Hiếu cho biết, hàng ngày, chị và gia đình vẫn dùng cà phê do quê nhà Việt Nam sản xuất. Loại chị ưa thích là cà phê rang xay ở Tây Nguyên. Ngoài đặt mua từ Việt Nam, chị còn tìm mua ở các siêu thị tại Bỉ. Anh Kenny Van Moerbeke (người Bỉ) cũng say mê loại thức uống này từ quê hương của vợ. “Nhiều người ở Bỉ rất thích cà phê Việt Nam bởi sự thơm ngon, nhưng không phải lúc nào cũng dễ mua. Riêng chồng tôi thì rất vui khi được vợ pha cà phê đen nóng mỗi sáng cuối tuần rồi cùng nhâm nhi với trái cây và vài loại bánh nhập từ Việt Nam”-chị Phương Hiếu chia sẻ. Vì vậy, hồi đầu năm 2021, khi hay tin lô cà phê đầu tiên của Việt Nam với gần 300 tấn sản phẩm các loại xuất sang Bỉ và Đức theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), nhiều người Bỉ rất mừng, riêng những người gốc Việt và gia đình còn cảm thấy rất tự hào.

Tăng trưởng

Chủ nhân của lô sản phẩm kể trên là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, một trong những nhà sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam. Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty-cho biết, hàng năm, Công ty xuất sang EU khoảng 50-70 ngàn tấn sản phẩm cà phê các loại với thương hiệu Lamant. Để vào được thị trường này, sản phẩm tuyệt đối không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và đáp ứng tất cả các quy định khắt khe khác. “Sản xuất, xuất khẩu của chúng tôi đang đà tăng sau dịch”-ông Hiệp báo tin vui. Đồng thời cho biết, hiện mỗi tháng, Vĩnh Hiệp xuất chừng 10.000 tấn cà phê thành phẩm các loại đến khoảng 50 nước, chủ yếu vào thị trường EU, Mỹ và Trung Quốc.

Công ty TNHH Vĩnh Hiệp khởi hành lô hàng xuất khẩu gần 300 tấn cà phê sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Ảnh: Đức Thụy

Công ty DOVECO chuyên chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản như chanh dây, chuối, đậu, bơ, xoài, dứa… đóng hộp. Ông Đinh Gia Nghĩa-Phó Tổng Giám đốc Công ty, kiêm Giám đốc Chi nhánh DOVECO tại Gia Lai-cho hay, mặc dù dịch bệnh nhưng sản lượng xuất khẩu năm 2021 của Công ty tăng khoảng 125%, riêng mặt hàng chanh dây tăng 160% và giá trị xuất khẩu tăng gấp đôi năm trước nhờ giá cả tăng. “Nhu cầu thị trường tăng cao, đồng thời nhờ tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP nên xuất khẩu nông sản đang tăng mạnh”-ông Nghĩa lý giải.

Gia Lai hiện có trên 80 cơ sở sản xuất, chế biến cà phê với tổng công suất 11.800 tấn/năm cùng hàng chục cơ sở chế biến nông-lâm sản khác và trên 30 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó, 50-60% xuất sang thị trường châu Âu và 30% ở thị trường châu Á. Các nhà sản xuất, xuất khẩu tại Gia Lai cho hay, điều khiến họ tự tin cạnh tranh là đã hội nhập sâu vào thị trường thế giới và có sự liên kết, cân bằng trong chuỗi sản xuất. Nhờ kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, thông tin từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm đều minh bạch nên tạo được độ tin cậy cao của khách hàng.

Sức hút

Vĩnh Hiệp ra đời tại Gia Lai từ trên 2 thập niên trước và đã đầu tư phát triển vùng nguyên liệu với diện tích 25.000 ha cùng 4 trạm thu mua. Ngoài nhà máy lớn tại Bình Dương, Công ty đầu tư 210 tỷ đồng xây dựng 1 nhà máy công nghệ cao sản xuất, chế biến cà phê-hồ tiêu tại Gia Lai với công suất gần 80.000 tấn sản phẩm/năm.

Đến với Tây Nguyên muộn hơn, song Công ty DOVECO cũng đã tận dụng được tiềm năng, lợi thế của mảnh đất này. Nhà máy chế biến rau quả của DOVECO tại huyện Mang Yang với công suất 50 ngàn tấn/năm đi vào hoạt động từ 2 năm trước và trở thành cơ sở sản xuất, xuất khẩu trái cây thuộc hàng lớn nhất ở Tây Nguyên. Hiện đơn vị đã đầu tư và liên kết phát triển vùng nguyên liệu với 20.000 ha thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp của các địa phương theo mô hình khép kín từ cung cấp cây giống, hỗ trợ nông dân sản xuất đến thu mua, chế biến, xuất khẩu. Ngoài ra, Công ty còn thu mua sản phẩm trong phạm vi diện tích khoảng 7.000 ha của nông dân địa phương.

Chị Phương Hiếu (Bỉ): “Mỗi cuối tuần, nhà tôi thường quây quần bên ly cà phê pha phin của Việt Nam, do chính tay tôi pha, nóng hổi. Chồng và mẹ chồng tôi đều “chết mê chết mệt” với món này. Tôi giới thiệu sản phẩm cà phê Việt Nam cho những người bạn Bỉ, ai cũng thích bởi chất lượng thơm ngon. Người Bỉ thích uống cà phê rang xay nhưng họ lại không có thời gian để ngồi chờ từng giọt cà phê nhỏ xuống nên rất cần loại rang xay sẵn đóng gói trong túi lọc cho tiện lợi. Không riêng Bỉ, có lẽ người dân các nước công nghiệp đều cần như thế, nhưng tiếc là Việt Nam chưa có nhiều loại sản phẩm này để cung cấp cho họ”.

Vợ chồng Phương Hiếu-Kenny Van Moerbeke bên ly cà phê sản xuất tại Tây Nguyên. Ảnh: Đại Dương

Gia Lai cũng như Tây Nguyên đang chứng kiến cuộc “đổ bộ” của hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực chăn nuôi, trong có không ít “ông lớn” như Tập đoàn Hùng Nhơn (TP. Hồ Chí Minh) và Tập đoàn De Heus (Hà Lan). Giữa năm 2019, hai tập đoàn bắt tay xây dựng Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đak Lak với quy mô 200 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Một dự án tương tự với quy mô 100 ha, tổng vốn đầu tư 16,5 triệu USD (tương đương 380 tỷ đồng) cũng đang được 2 tập đoàn hợp tác triển khai tại Gia Lai. Ông Vũ Mạnh Hùng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hùng Nhơn-cho biết, toàn bộ quy trình chăn nuôi tại dự án được ứng dụng công nghệ cao, hướng đến xây dựng thí điểm “Vùng an toàn dịch bệnh” trong nuôi heo tại Gia Lai.
Ngoài dự án kể trên còn có hàng chục dự án chăn nuôi khác đã đầu tư vào Gia Lai với tổng vốn đầu tư trên 10.500 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến dự án chăn nuôi heo rộng 195 ha của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam với vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Dự kiến mỗi năm, dự án cung ứng cho thị trường khoảng 30.000 con heo nái.

Mảnh đất màu mỡ

“Trước khi quyết định đầu tư tại Gia Lai, chúng tôi đã có nhiều năm nghiên cứu và nhận thấy nơi đây có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp cũng như công nghiệp chế biến”-ông Đinh Gia Nghĩa cho hay. Cũng theo ông Nghĩa, DOVECO đang nghiên cứu để phát triển thêm các cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm tại Gia Lai.

Công nhân Chi nhánh DOVECO tại Gia Lai lựa chọn sản phẩm chanh dây xuất khẩu. Ảnh: Đức Thụy

Người đứng đầu Tập đoàn Hùng Nhơn cũng cho hay, để đi đến quyết định rót cả triệu đô la vào dự án tại Gia Lai, ông đã khảo sát nhiều nơi và nhận thấy nơi này rất phù hợp phát triển chăn nuôi quy mô lớn. “Với Dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần đưa tỉnh nhà trở thành thủ phủ chăn nuôi của khu vực Tây Nguyên”-ông Vũ Mạnh Hùng bày tỏ. Ông cũng nói rằng, việc đầu tư chăn nuôi công nghệ cao theo chuỗi liên kết là mô hình đang đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với phương thức sản xuất truyền thống, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường.
Với diện tích đất nông nghiệp gần 1,4 triệu ha và những đồng cỏ rộng lớn, Gia Lai được đánh giá là địa phương có lợi thế phát triển chăn nuôi bậc nhất ở Tây Nguyên. Nhiều doanh nghiệp nhận thấy đây chính là mảnh đất màu mỡ để chăn nuôi đại gia súc, nhất là nuôi heo áp dụng công nghệ cao theo chuỗi khép kín. Ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Công thương) cho biết, trong năm 2021 có gần 200 nhà đầu tư đến Gia Lai tìm hiểu cơ hội và đề xuất đầu tư. Tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 54 dự án với tổng vốn đăng ký 21.645 tỷ đồng. Các dự án sản xuất nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong số đó.

Sự hội tụ của các nhà đầu tư là đòn bẩy để Gia Lai và cả Tây Nguyên trỗi dậy.

ĐẠI DƯƠNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12525/202202/troi-day-mien-dat-bazan-5765098/