Trời lạnh 20 độ, người dân Chương Mỹ vẫn 'ngụp lặn' trong nước lũ sau sự cố vỡ đê

Sau 6 ngày đê sông Bùi 2 bị vỡ, người dân một số xã ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn phải chèo thuyền, lội nước đi lại dưới tiết trời trở lạnh 20 độ.

Vỡ đê Chương Mỹ: Người Hà Nội rửa bát, tắm giặt bằng nước lũ. Ảnh: Toàn Vũ

Sau sự cố vỡ đê Hữu Bùi, cuộc sống của người dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bị đảo lộn hoàn toàn. Ngoài mất điện, mất nước người dân các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến còn bị cô lập bởi nước lụt. Ảnh: Toàn Vũ

Ghi nhận của Lao Động Điện tử tại xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội), nhà của các hộ dân tại thôn Nhân Lý, Nam Hài bị cô lập hoàn toàn, đường vào nhà có chỗ sâu hơn 1,5m, người đang sống trong cảnh thiếu thốn lương thực trầm trọng. Ảnh: Toàn Vũ

Nhiều nhà ở gần đê Hữu Bùi, nước ngập gần đến nóc nhà. Người dân phải bỏ nhà cửa để tìm chỗ nương náu. Ảnh: Toàn Vũ

Xã Nam Phương Tiến bước sang ngày thứ 5 ngập sâu, nhìn từ trên cao, toàn bộ nhà dân chìm trong "biển nước". Ảnh: Toàn Vũ

Sau 6 ngày đê sông Bùi 2 bị vỡ, người dân một số xã ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn phải chèo thuyền đi lại do nước rút chậm. Ảnh: Cường Ngô

Từ người già đến trẻ nhỏ, tất cả đều phải sử dụng thuyền để vào nhà. Ảnh: Cường Ngô

Mấy ngày nay, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với rìa phía Tây của hoàn lưu cơn bão số 11, từ đêm 16.10 cho đến ngày 17.10 ở Bắc Bộ có mưa. Khu vực Hà Nội nhiệt độ giảm sâu xuống ngưỡng 19 - 21 độ kèm theo mưa nhỏ. Thời tiết lạnh cùng với việc dầm mình dưới dòng nước lũ, khiến cuộc sống của người dân thêm phần lao đao. Ảnh: Cường Ngô

Ở trong nhà, nước ngập sâu nửa người. Dù trời lạnh nhưng người dân Chương Mỹ vẫn phải “đánh vật” với dòng nước lũ. Ảnh: Cường Ngô

Thời tiết thay đổi cùng với phải sống chung với dòng nước bẩn nên nhiều người mắc bệnh ngoài da. Ảnh: Cường Ngô

Ông Nguyễn Huy Tắc phải rửa bát đĩa bằng nước lũ trước sân nhà. Ông chia sẻ: “Nước sạch phải tiết kiệm từng giọt. Tôi rửa bát ở đây rồi mới tráng lại bằng nước sạch”. Ảnh: Cường Ngô

Mọi di chuyển của người dân đều dựa vào những chiếc thuyền nhỏ. Nhiều người vận chuyển đồ đạc, phương tiện cũng bằng chiếc thuyền này. Ảnh: Cường Ngô

Bà Nguyễn Thị Hồng (thôn Nhân Lý) chia sẻ, từ hôm vỡ đê đến giờ, làng Nhân Lý trở thành làng chài bất đắc dĩ, người dân đều phải lội nước, hoặc di chuyển bằng thuyền. Ảnh: Cường Ngô

Nhiều người vẫn tiếp tục sơ tán đến nhà người thân khi nước chưa có dấu hiệu rút. Ảnh: Cường Ngô

Nước ngập vào sâu trong nhà. Ảnh: Cường Ngô

Do chuồng trại bị ngập nặng, một số hộ gia đình chăn nuôi gia súc vào mang lợn, gà lên nhà "tránh nạn". "Mùi phân lợn bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhưng không còn cách nào khác", chị Hương chia sẻ. Ảnh: Cường Ngô

Cường Ngô

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/troi-lanh-20-do-nguoi-dan-chuong-my-van-ngup-lan-trong-nuoc-lu-sau-su-co-vo-de-570498.ldo