Trộn hóa chất vào mật ong nổi tiếng bán giá cao chót vót

Nhu cầu sử dụng mật từ loài hoa Manuka chỉ có ở New Zealand và Australia tăng mạnh trên thị trường thế giới bởi các lợi ích về sức khỏe và giá trị trong ngành mỹ phẩm của loại mật ong này.

Hôm 17-4, Evergreen Life Ltd – hãng chế tạo mật ong hàng đầu của New Zealand – chính thức thừa nhận việc thêm các hóa chất nhân tạo vào loại mật ong Manuka nổi tiếng để bán với giá cao ngất ngưởng. Các phán quyết đối với Evergreen sẽ được tuyên trong một phiên tòa vào tháng 5 năm nay.

Cơ quan an toàn thực phẩm New Zealand (NZFS) đã kiện công ty Evergreen Life ra tòa từ năm 2016. Sau đó, Bộ Công nghiệp nước này đã ra lệnh thu hồi tất cả các sản phẩm mật ong của Evergeen bởi chúng có thể chứa “các chất chưa được chấp thuận”.

Có nhiều loại cây hay hoa được trồng ở nhiều nơi trên thế giới nhưng không cung cấp được loại mật ong chất lượng như Manuka. Vì thế, giá mật ong Manuka rất đắt, một lọ nhỏ có thể lên đến vài trăm USD. Mật ong Munuka tự nhiên có chứa các chất kháng khuẩn mạnh hơn các loại mật khác do có chứa omega acid DHA và antacid MGO.

Các chuyên gia y tế dự báo tình trạng lờn kháng sinh ở con người có thể làm 10 triệu người chết vào năm 2050. Mật ong Manuka đem lại giải pháp chống tình trạng lờn kháng sinh ở con người.

Nhu cầu đối với mật từ loài hoa Manuka chỉ có ở New Zealand và Australia tăng mạnh trên thị trường thế giới

Nhu cầu đối với mật từ loài hoa Manuka chỉ có ở New Zealand và Australia tăng mạnh trên thị trường thế giới

Đài phát thanh Radio New Zealand nói Evergreen bị cáo buộc là đã thêm các hóa chất tổng hợp để tăng độ kháng khuẩn, nhằm giúp công ty bán sản phẩm với giá cao hơn.

New Zealand hiện đứng thứ 14 trên thế giới về sản lượng mật ong xuất khẩu nhưng đứng thứ hai về lượng kim ngạch xuất khẩu mật ong. Năm 2017, New Zealand xuất khẩu khoảng 270 triệu USD mật ong, gần gấp đôi so với con số của năm 2013, trong đó mật Manuka chiếm tỷ trọng lớn.

Mật ong Manuka còn là nguồn cơn tranh chấp giữa New Zealand và Australia khi New Zealand nói mật ong Manuka từ đất nước của thổ dân Maori mới là chính gốc. Loại mật này cũng bị Trung Quốc làm giả, đưa sang New Zealand và xuất khẩu đi các nước khác.

SONG HẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/tai-chinh-ngan-hang/tron-hoa-chat-vao-mat-ong-noi-tieng-ban-gia-cao-chot-vot-829028.html