Trọn một lời thề

Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2019), đảng viên Diệp Tú Anh (trong ảnh), người Việt gốc Hoa, hiện cư ngụ tại quận 11, là một trong số 153 đảng viên của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Trong cộng đồng Hoa - Việt ở địa phương, rất nhiều người biết và luôn dành sự kính trọng đối với bà.

Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 11 Nguyễn Trần Bình kể: “Chồng bà Diệp Tú Anh là nhà báo, liệt sĩ có bút danh Hùng Anh nhưng tên thật của ông là Trần Huân Phương. Hai người sớm giác ngộ cách mạng và gặp nhau, yêu nhau trong… tù. Mỗi khi đến thăm bà, thế hệ trẻ chúng tôi vẫn thường nghe bà kể về mối tình của mình bằng thơ do ông Hùng Anh viết khi ở trong cảnh tù ngục. Tình yêu chân thành của hai người bạn tù cùng tuổi đã giúp họ chiến thắng sự tàn bạo của kẻ thù, hun đúc thành cuộc hôn nhân sau này...”.

Bà Tú Anh kể: “Tôi ra tù trước ông ấy, sau đó mất liên lạc. Mãi đến năm 1964 chúng tôi may mắn gặp lại nhau ở cơ quan Hoa vận. Đám cưới giữa chiến khu Củ Chi đơn sơ, chỉ có trà, bánh kẹo và nhiều cán bộ Hoa vận T4 cùng sự chứng kiến của nhiều bạn tù của tôi và ông ấy. Sau đám cưới, anh Hùng Anh về làm việc tại Báo Giải phóng, tôi cũng theo chồng về đó phụ trách Chi hội Phụ nữ của báo này.

Chính những ngày tháng gian khổ, thiếu thốn đó, tôi đã sinh cháu Trần Diệp Tuấn (hiện là PGS, TS, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) trên chiếc bàn sanh do cơ quan đóng bằng ván xẻ từ cây rừng và Trần Diệp Tuấn chính là đứa bé đầu tiên chào đời trên chiếc bàn sanh ấy…”.

Trong ghi chép của nhà báo Nguyễn Thế Thanh có nhắc: “Trần Diệp Tuấn chưa đầy tuổi đã phải làm quen với cảnh thỉnh thoảng phải ở một mình trong cái lán để cha mẹ đi làm công việc của cơ quan. Có lần, bà Diệp Tú Anh vừa chạy sang lán cơ quan làm việc thì máy bay địch thả bom căn cứ. Lúc ấy bé Diệp Tuấn đang ở một mình. Tan trận bom, bà hớt hải chạy về lán không thấy con thì khóc òa vì ngỡ con đã bị...

May sao, lúc bom giội, nhà báo Đinh Phong đi ngang qua lán đã kịp ẵm thằng bé xuống hầm an toàn”.

Cũng theo ghi chép của nhà báo Nguyễn Thế Thanh, những lúc đầm ấm hiếm hoi bên vợ và đứa con trai đầu lòng giữa thời mưa bom, bão đạn, nhà báo Hùng Anh luôn dặn dò: “Chiến tranh còn dài và ác liệt, nếu anh chết trước, em ráng bớt đau buồn để có sức làm việc và nuôi dạy con nên người. Con của chúng ta phải được sống để trở thành những con người có ích cho xã hội và đi con đường mà cha mẹ chúng đã đi”. Tú Anh đã hứa với chồng sẽ sống xứng đáng với cách mạng, với tình yêu của chồng dành cho mình.

Dự cảm của nhà báo Hùng Anh đã thành sự thật. Mậu Thân 1968, lúc Tú Anh đang mang thai đứa con thứ hai và đang tham gia hoạt động bí mật ở nội thành Sài Gòn thì Hùng Anh hy sinh cùng người em trai trong một trận pháo kích của địch, khi mới 37 tuổi. Anh hy sinh khi chưa biết mặt đứa con trai thứ hai của mình là Diệp Dũng (hiện là Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh ); không được biết mẹ anh được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Liệt sĩ nhà báo Trần Huân Phương (Hùng Anh) cũng không được chứng kiến sự trưởng thành đáng tự hào của các con như anh từng mong mỏi “sống tử tế và nuôi dạy các con thành người tử tế”. Hơn nửa thế kỷ, đảng viên Diệp Tú Anh luôn sống xứng đáng với hương linh người chồng; những người con luôn biết cha mình là chỗ dựa tinh thần lớn lao cho cuộc đời họ…

Bà Tú Anh nhớ lại: “Khi giặc Pháp tái chiếm Hội An, các gia đình đều tản cư, riêng hai cha con tôi kẹt lại. Từ khe cửa nhà nhìn ra, tôi thấy từng anh bộ đội nối hàng dài theo hướng từ chùa Cầu (Hội An) đi về phía sông. Không đắn đo, tôi mở toang cánh cửa, ra hiệu cho bộ đội vào nhà tránh đạn rồi ra bờ sông gọi đò, đưa bộ đội qua sông an toàn. Từ đó, tôi theo cách mạng, gian khổ và vinh quang. Tròn 18 tuổi, tôi được kết nạp Đảng rồi vào miền nam hoạt động. Tôi vẫn nhớ như in lời thề trước cờ Đảng cách đây 70 năm”.

Ông Hà Tăng, nguyên Trưởng Ban Hoa vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh kể: “Chị Tú Anh bắt đầu tổ chức cho cán bộ Hoa vận xâm nhập, hoạt động nội thành trong đường dây liên lạc giữa vùng căn cứ cách mạng và nội thành Sài Gòn. Từ năm 1955 đến 1960, chị Tú Anh bị địch bắt, trải qua nhiều nhà giam, mang vết thương trên đầu do địch đánh đập, tra khảo. Ra tù, chị Tú Anh lập gia đình nhưng hạnh phúc rất ngắn ngủi, anh Hùng Anh hy sinh, chị một mình ở vậy nuôi con, phụng sự cách mạng cho đến bây giờ vẫn tiếp tục tham gia công tác mặt trận, khu phố ở quận 11”…

Cả một đời son sắt theo Đảng, bà Diệp Tú Anh hiện đang rất thanh thản với tuổi già. Trong đôi mắt bà luôn ngời lên vẻ hạnh phúc, viên mãn vì đã giữ trọn lời thề với Đảng, với Tổ quốc và với người chồng, người đồng chí, đồng đội thương yêu của mình.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/40211902-tron-mot-loi-the.html