Trọn nghĩa, vẹn tình với người có công

Phát huy truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn', những năm qua, TP Tuyên Quang luôn thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Các cấp, các ngành luôn đẩy mạnh phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa', huy động xã hội hóa các hoạt động chăm sóc gia đình chính sách, người có công trên địa bàn.

Thanh niên xã An Tường, TP Tuyên Quang thăm hỏi bà Đồng Thị Hoa, mẹ liệt sỹ Nguyễn Xuân Trường, thôn Phú Túc, xã An Tường (TP Tuyên Quang).

Thanh niên xã An Tường, TP Tuyên Quang thăm hỏi bà Đồng Thị Hoa, mẹ liệt sỹ Nguyễn Xuân Trường, thôn Phú Túc, xã An Tường (TP Tuyên Quang).

Thành phố hiện có 1.921 đối tượng thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, người nhiễm chất độc da cam, mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống… được hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Cùng với việc thực hiện công tác chi trả trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng chính sách với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng/tháng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng rà soát, cấp đổi thẻ BHYT cho các đối tượng người có công; lập hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục và đào tạo cho 22 con em gia đình chính sách; lập danh sách đề nghị thực hiện chế độ điều dưỡng cho 31 đối tượng người có công theo quy định của Nhà nước được điều dưỡng tập trung tại Trung tâm phục hồi sức khỏe người có công Sầm Sơn (Thanh Hóa); 812 đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng tại gia đình. Hàng năm, các cấp chính quyền, đoàn thể tổ chức thăm hỏi, tặng quà trên 2.000 lượt hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng nhân dịp lễ, Tết; thực hiện tôn tạo, nâng cấp công trình nghĩa trang liệt sỹ; 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc.

Công tác xã hội hóa phong trào chăm sóc người có công với cách mạng được thành phố đẩy mạnh với nhiều hình thức cụ thể. Từ năm 2018 đến nay, thành phố đã huy động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt gần 500 triệu đồng từ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị... Từ nguồn quỹ, đã có 1 hộ được hỗ trợ xây mới nhà ở và sửa chữa 14 nhà cho người có công với số tiền 108 triệu đồng, hàng trăm lượt người có công được trao quà nhân ngày lễ, Tết...

Ông Nguyễn Đức Đông, thôn 3, xã Lưỡng Vượng, là thương binh hạng 2/4 chia sẻ, ông bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, thường xuyên đau ốm, giờ con cháu ông cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam. Cuộc sống khó khăn khiến ông chưa từng nghĩ đến việc sửa chữa hay xây mới nhà ở. Năm 2017, gia đình ông được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ 70 triệu đồng xây nhà, cùng với số tiền các con hỗ trợ ông đã có được căn nhà xây kiên cố. Đây là niềm vui, nguồn động viên rất lớn đối với ông trong cuộc sống.

Được sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của bản thân, đời sống của thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố không ngừng được cải thiện. TP hiện có trên 70% đối tượng người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở nơi cư trú. Ông Phạm Văn Vượng, Chủ tịch UBND xã An Tường cho biết, hiện xã có 232 đối tượng chính sách, trong đó 181 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. 3 năm qua, xã đã kêu gọi doanh nghiệp trên địa bàn trao 63 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 2 triệu đồng cho các đối tượng chính sách.

Trên địa bàn xã có 1 mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nhớn, 100 tuổi, thôn 12, thời gian qua, các cấp, các ngành đã thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên mẹ trong cuộc sống. Hiện có 4 đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Nhớn suốt đời: Trung đoàn 148, Đoàn Thanh niên Bộ Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Nhà máy Z129. Các cấp hội, đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức đóng góp trên 100 ngày công lao động dọn dẹp vệ sinh nhà ở cho các đối tượng chính sách, tổ chức thắp nến tri ân tại nhà truyền thống của xã...

Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung làm tốt việc tìm kiếm, quy tập xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để người có công được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động toàn xã hội cùng chung tay chăm sóc tốt hơn đời sống gia đình người có công. Từ đó, làm tốt công tác “Đến ơn đáp nghĩa” trên địa bàn.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/tron-nghia-ven-tinh-voi-nguoi-co-cong-119423.html