Trong 12,6 tỷ USD vốn đầu tư ra nước ngoài PVN chiếm hơn một nửa

12,6 tỷ USD là vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước trong đó, PVN có vốn đăng ký lớn nhất, tập đoàn này cũng là doanh nghiệp giải ngân vốn đầu tư nhiều nhất.

7 tỷ USD đã giải ngân, PVN giải ngân 3,4 tỷ USD

Theo báo cáo tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2011-2016 của Chính phủ, tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư nước ngoài của các dự án lên tới 12,6 tỷ USD. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN có số vốn đăng ký lớn nhất, chiếm hơn một nửa nguồn vốn.

Trong tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 12,6 tỷ USD thì các doanh nghiệp đã giải ngân hơn một nửa. Cụ thể, đến hết 2016, các doanh nghiệp nhà nước đã mang 7 tỷ USD đi đầu tư ở nước ngoài. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí nhiều nhất với hơn 3,4 tỷ USD.

Đáng lưu ý, với hơn 7 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài thì hết năm 2016 mới chỉ có 4/18 doanh nghiệp nhà nước có phát sinh số tiền thu hồi vốn đầu tư từ các dự án đầu tư tại nước ngoài. Số tiền thu hồi vốn là trên 1,5 tỷ USD, bằng 22% vốn đầu tư thực hiện.

Theo đánh giá tại báo cáo, hiệu quả kinh tế của hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn thấp. Theo đó, có tới 25,5% dự án báo lỗ năm 2016; có tới 29% dự án lỗ lũy kế tính đến hết 2016; đáng lưu ý là có gần một nửa dự án không có báo cáo về doanh thu - lợi nhuận.

Ngoài ra, theo báo cáo, lợi nhuận được chia cho phía Việt Nam “không đáng kể”. Năm 2016 chỉ được chia 145 triệu USD - tương đương 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Đến hết 2016, có trên 7 tỷ USD đầu tư cho dự án ở nước ngoài nhưng còn hơn 5,5 tỷ USD chưa thu hồi.

“Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (giá đầu ra giảm mạnh), ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án. Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án”, báo cáo của Chính phủ nêu.

"Trái đắng" nhận về

Trong số những dự án đầu tư ra nước ngoài thua lỗ, đối mặt với khả năng mất vốn có thể kể đến như dự án Junin 2 tại Venezuela do Tổng Công ty Thăm dò và khai thác dầu khí PVEP (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) làm chủ đầu tư (40% vốn) cùng với Tổng công ty dầu khí Venezuela triển khai. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,8 tỷ USD cho giai đoạn 1 từ 2010-2015, bao gồm cả phần hơn 500 triệu USD phí hoa hồng tham gia dự án.

PVEP đã rót hơn 400 triệu USD vào dự án nhưng dự án đã tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo ngày 2/12/2013.

Liên quan đến dự án này, mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã có văn bản đề nghị PVN cung cấp toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến việc thực hiện dự án Junin 2 của Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Junin 2 là một trong số 13 dự án PVN đầu tư ra nước ngoài và trong số 13 dự án này mới có 2 dự án có tiền chuyển về nước, có doanh thu, lợi nhuận.

Một dự án đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào tổng vốn đầu tư đội lên 522 triệu USD cũng tạm dừng triển khai vì nhiều vấn đề phát sinh.

Khi thẩm định dự án vào năm 2012, Bộ Tài chính đã đề nghị “đánh giá về giá sản phẩm của dự án nhập về Việt Nam so với giá sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại từ nguồn khác”. Nhưng Tập đoàn Hóa chất không thực hiện mà chỉ sử dụng đúng kết quả của tư vấn lập dự án để trình Bộ Công Thương phê duyệt dự án.

Giai đoạn ký hợp đồng EPC và khởi công, mặc dù Bộ Tài chính chưa bảo lãnh để giải ngân vốn vay nhưng Vinachem đã thực hiện ký hợp đồng mà chưa đảm bảo chắc chắn khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng xây dựng.

Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng có dự án đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả như TKV đầu tư vào Công ty Southern Mining Co., Ltd số tiền khoảng 4,39 triệu USD. Thế nhưng, đến thời điểm thanh tra không có hiệu quả, có khả năng mất toàn bộ vốn đầu tư.

Góp vốn 111,45 tỷ đồng vào Công ty liên doanh Stung Treng để khai khoáng tại Campuchia; góp 184,784 tỷ đồng vào liên doanh Alumina Campuchia; góp 37,9 tỷ đồng vào Công ty TNHH Vinacomin Lào để khai thác mỏ muối; góp 69 tỷ đồng vào khai thác mỏ sắt Phu Nhuom, Lào.

Với hơn 300 tỷ đồng đầu tư ra nước ngoài nhưng không phát huy hiệu quả, đối mặt với nguy cơ mất vốn, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ Công an vào cuộc.

NGUYỄN THẢO

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/trong-126-ty-usd-von-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-pvn-chiem-hon-mot-nua-3498651.html