Trồng cao su ở Tây Bắc: Nông dân kêu khó, doanh nghiệp bảo không

Sau 10 năm góp đất trồng cao su, nhiều nông dân vùng Tây Bắc chỉ nhận được số tiền cổ tức vài trăm nghìn đồng và đối diện với nguy cơ thiếu đất sản xuất. Trong khi đó, các doanh nghiệp cao su khẳng định những tác động tích cực về mặt kinh tế - xã hội đối với những vùng trồng cao su đang được thể hiện rõ.

Nghèo dần vì… góp đất trồng cao su

Theo thống kê, có trên 30.000ha đất, chủ yếu là đất canh tác của các hộ đồng bào dân tộc, đã được góp cùng với các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để phát triển cây cao su ở vùng Tây Bắc từ năm 2007-2008. Với bình quân mỗi hộ góp 1ha, tổng số hộ tham gia mô hình là trên dưới 30.000 hộ.

Sau 10 năm, cây cao su trên vùng Tây Bắc phát triển được như thế này. Ảnh: A.T

Sau 10 năm, cây cao su trên vùng Tây Bắc phát triển được như thế này. Ảnh: A.T

Theo TS Võ Đình Tuyên (Vụ Kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ), các doanh nghiệp trồng cao su cần rà soát lại diện tích đất trồng cao su, chỗ nào không phù hợp thì có thể chuyển đổi. Đồng thời, cần có đánh giá sâu sát từ hai phía người dân và doanh nghiệp về dự án này, từ đó có điều chỉnh phù hợp.

Nhằm chính thức hóa mô hình người dân góp đất trồng cao su tại Tây Bắc, tháng 6.2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 990 cho phép thí điểm mô hình hộ dân góp đất để hợp tác với công ty của Tập đoàn Cao su để phát triển cao su tại Sơn La.

Việc phát triển cao su tại Tây Bắc thông qua mô hình người dân góp đất dựa trên nhiều kỳ vọng, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Theo dự kiến, các lợi ích này sẽ trở thành hiện thực sau 7-8 năm kể từ khi trồng, khi cây cao su bắt đầu cho thu mủ.

Tuy nhiên, kết quả sau 10 năm không như kỳ vọng bởi nhiều diện tích cao su chưa cho mủ, hoặc cho mủ nhưng năng suất thấp, tiền cổ tức cũng không thấy đâu, trong khi bà con đang không có đất sản xuất để tạo sinh kế.

Khảo sát nhanh tại 6 cộng đồng tại Sơn La của nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) và tổ chức Forest Trends trong tháng 2-3.2019 cho thấy, mô hình góp đất trồng cao su đã thay đổi quỹ đất canh tác hàng năm của hộ rất lớn. Cụ thể, trong 399 hộ phản hồi khảo sát, có 15% số hộ góp trên 80% diện tích đất canh tác của mình vào mô hình, 17% số hộ góp 60-80% diện tích đất canh tác, 44% góp 40-60% diện tích.

Lợi ích mà hộ thu được thực tế từ cao su đến nay thấp hơn nhiều so với lợi ích mà bà con thu được từ các loại cây hàng năm như lúa, ngô, sắn mà trước đây họ đã trồng trên cùng diện tích. Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy, bình quân mỗi hộ tham gia mô hình nhận được trên dưới 500.000 đồng. Khoảng 75% số hộ tham gia khảo sát cho rằng thu nhập của hộ giảm so với trước khi tham gia góp đất trồng cao su. Cụ thể, 9% số hộ cho rằng thu nhập của mình giảm trên 80%, 38% số hộ cho rằng thu nhập giảm 40-80%.

Chia sẻ tại tọa đàm về mô hình góp đất trồng cao su ở Tây Bắc do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 3.5, anh Lù Văn Hải - Trưởng bản Ta Mo, xã Mường Bú (Mường La, Sơn La) cho biết, những năm đầu khi đi làm công nhân cho công ty cao su, thu nhập của bà con đạt 1,5 – 1,8 triệu đồng/người/tháng, nhưng sau đó thì không có thu nhập, người dân phải đi làm ăn xa.

Anh Lò Văn Hùng ở bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La) cũng khẳng định, gia đình anh góp đất 11 năm mà chưa được hưởng lợi gì từ cây cao su.

Doanh nghiệp muốn có cái nhìn toàn diện

Đó là ý kiến của đại diện nhiều doanh nghiệp trồng cao su vùng Tây Bắc. Theo ông Hồ Anh Đức - Giám đốc Công ty Cao su Sơn La, những đánh giá của nhóm khảo sát chưa thực sự sâu sát bởi những đóng góp cho an sinh xã hội của doanh nghiệp trồng cao su là tương đối lớn.

Hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La có 7.200 hộ góp đất trồng cao su với diện tích 6.039ha. Từ khi đứng chân ở địa phương, công ty đã đầu tư tới 1.200 tỷ đồng, riêng trả lương cho công nhân là 470 tỷ đồng; đã có 2.500 người dân được tuyển vào làm công nhân, có đóng bảo hiểm với thu nhập bình quân 2,9 triệu đồng/tháng.

Công ty Cao su Sơn La còn đầu tư xây dựng 13 nhà mẫu giáo cho con em công nhân trên địa bàn có vùng trồng cao su, trẻ đi học được hỗ trợ tiền ăn, công ty cũng cho 1.200 hộ vay vốn mua bò không tính lãi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Lai Châu cho rằng khảo sát của nhóm nghiên cứu đã đánh giá không toàn diện về những gì các doanh nghiệp cao su đã làm được ở Tây Bắc. Ông Thắng cho biết, đã có 8.700ha đất của gần 6.000 hộ dân được góp với công ty để trồng cao su, từ năm 2017 công ty bắt đầu khai thác mủ.

Ngay trong năm đầu tiên khai thác, công ty đã chi trả 10% tiền góp đất cho nông dân với tổng số tiền 2,8 tỷ đồng, năm 2018 là 5,3 tỷ đồng; lương bình quân của cán bộ, công nhân đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng, các chế độ phúc lợi xã hội được đảm bảo đầy đủ.

“Đất góp trồng cao su chủ yếu là đất rừng nghèo kiệt, vả lại do mới ở chu kỳ khai thác nên năng suất mủ chưa cao, chúng tôi phấn đấu năng suất mủ đạt 1,4 tấn/ha cho chu kỳ 20 năm, khi năng suất được cải thiện chắc chắn lợi tức của bà con sẽ tăng” – ông Thắng nói.

Từ những ý kiến trái chiều của doanh nghiệp và người dân, ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam cho rằng, các bộ ngành chức năng, chính quyền địa phương cần sớm tổng kết dự án, đánh giá lại mô hình để có hướng đi phù hợp cho tương lai, cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.

Anh Thơ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/trong-cao-su-o-tay-bac-nong-dan-keu-kho-doanh-nghiep-bao-khong-978628.html