Trong cuộc chiến smartphone, ai là người được lợi?

Ai cũng nghĩ rằng, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và không có điểm dừng này, người dùng được hưởng lợi. Nhưng đó có phải là tất cả? Và họ được lợi những gì?

Android vs iOS. Samsung vs Apple. Play Store vs App Store. Những cặp đối thủ lớn trong ngành công nghiệp smartphone tạo ra nhiều tình huống bi hài, khơi mào tranh cãi giữa các fan, kích thích công nghệ phát triển.

Ngày qua ngày, năm qua năm, chúng thúc đẩy sự cạnh tranh, đem lại cho người dùng nhiều sự lựa chọn và nhiều niềm vui, đặc biệt là khi bạn được cầm những thiết bị mới trong tay. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi trong những cuộc cạnh tranh lớn giữa các đối thủ trong làng smartphone, ai mới thực sự là người được lợi?

“Khách hàng được lợi” là câu trả lời kinh điển nhất cho câu hỏi trên, và thường được xem là đáp án duy nhất, nhưng thực ra điều đó không đúng hoàn toàn. Bản thân các hãng sản xuất smartphone và các công ty sản xuất linh kiện cho họ cũng có được nhiều lợi ích từ sự cạnh tranh trên thị trường Smartphone.

Ngày nay, những thiết bị thông minh đã trở nên quá đa năng và phức tạp, đến mức gần như không hãng nào - dù lớn đến đâu – có thể sản xuất một smartphone từ A đến Z.

Samsung có thể đang mua cảm biến vân tay từ Synaptics. Apple chỉ thiết kế chip A12, còn việc sản xuất là của TSMC. Qualcomm cùng Broadcom bán chip xử lý cho gần như tất cả các smartphone Android tầm flagship trên thế giới. Ngay cả Apple cũng phải “ngậm đắng nuốt cay” mua màn hình OLED từ đối thủ Samsung. Thật ra, hai công ty này dù kiện nhau như cơm bữa nhưng vẫn phải làm ăn với nhau bởi dù họ đóng góp nhiều vào doanh thu của đối thủ, khoản đóng góp đó sẽ tạo ra doanh thu còn lớn hơn cho bản thân mình. Khi iPhone X của Apple đánh bại Galaxy S9, nó cũng đem lại cho Samsung một khoản thu nhập khủng vì lượng màn hình OLED mà Apple phải mua từ Samsung.

Mối quan hệ giữa các nhà sản xuất smartphone và các công ty sản xuất linh kiện chồng chéo và phức tạp đến mức họ không thể sống thiếu nhau, bất kỳ điều gì xảy đến với hãng này đều sẽ có ảnh hưởng dây chuyền lên hãng khác. Khi các nhà máy của TSMC bị virus tấn công khiến họ phải tạm ngừng hoạt động, Apple lo sốt vó vì sợ thiếu chip A12 cho thế hệ iPhone 2018 của mình. Ngược lại, khi có tin đồn rằng Apple cắt giảm đơn đặt hàng linh kiện cho iPhone X, cổ phiếu một loạt công ty từ Đài Loan đã rớt giá – tất cả đều là những công ty sản xuất linh kiện cho Apple.

Sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ cũng khiến các công ty không thể ngừng việc nghiên cứu, phát triển các tính năng mới, từ đó giúp sản phẩm của họ hấp dẫn hơn trong mắt người dùng. Đến lượt mình, các tính năng đó tạo ra sự khác biệt, đem lại những khách hàng trung thành với sản phẩm và hệ sinh thái của công ty.

Trong khi đó, sự cạnh tranh đem lại cho người dùng sự sáng tạo và những mức giá hợp lý. Điện thoại đã chuyển từ một mặt hàng xa xỉ trở thành sản phẩm đại chúng, với mức giá phù hợp cho mọi tầng lớp. Tính năng của chúng cũng ngày càng đa dạng hơn, từ những sản phẩm cơ bản nghe – gọi bình thường cho đến các smartphone mà bạn có thể dùng cho mọi tác vụ trong cuộc sống hàng ngày.

Có thể bạn sẽ nói rằng “giá hợp lý” không còn đúng, bởi trong hai năm trở lại đây, giá smartphone tầm flagship đã tăng vọt từ 600 USD lên đến hơn 1.000 USD. Thật vậy, giá cả của những smartphone “đỉnh” đến từ các công ty lớn như Samsung, Apple đã bị đẩy lên cao ngất, nhưng điều đó thật ra cũng đem lại cho người tiêu dùng những lợi ích nhất định, dù bạn có mua chiếc điện thoại đắt giá đó hay không.

Những smartphone đắt giá đó đem lại lợi ích gì cho chúng ta? Với những người sẵn lòng chi tiền mua chúng, nó đem lại biểu tượng của sự giàu sang, và những tính năng thời thượng dù bạn có cần dùng chúng hay không. Còn với những người không mua, lợi ích đến một cách gián tiếp, nhưng cũng không hề kém hấp dẫn.

Đầu tiên, cần phải nói rằng dù ai cũng biết một chiếc iPhone X có giá bán lên đến 1.000 USD trong khi giá linh kiện của nó chỉ là 370 USD, con số lợi nhuận không phải là 630 USD như một phép trừ đơn giản. Ngoài chi phí vận hành, lương nhân viên, quảng cáo… Apple còn phải bù đắp chi phí nghiên cứu, phát triển những công nghệ mới được sử dụng trong chiếc điện thoại của mình.

Không hãng smartphone nào có thể tiết kiệm khoản tiền chi cho nghiên cứu và phát triển này, bởi nó tạo ra những “ách chủ bài” giúp smartphone của họ khác biệt, có thể là vượt trội hơn so với đối thủ. Từ đó, các smartphone flagship đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự sáng tạo của công nghệ.

Ngay cả những người tầm trung không mua smartphone flagship cũng sẽ được lợi từ cuộc đua này. Bản thân sự tồn tại của các công nghệ mới trong những sản phẩm flagship sẽ khiến chúng dần trở nên phổ biến, được tích hợp vào đời sống hàng ngày, từ đó đẩy giá cả xuống thấp và làm nó phổ biến ở khắp mọi phân khúc. Một ví dụ đơn giản: chiếc điện thoại đầu tiên có cảm biến vân tay được đưa ra thị trường là Motorola Atrix hồi năm 2011 có mức giá 600 USD, nhưng ngày nay ngay cả những điện thoại có giá chưa đầy 100 USD cũng đã được trang bị cảm biến vân tay.

Không chỉ được lợi ở phần cứng, người tiêu dùng còn được lợi ở những dịch vụ giá trị gia tăng như phần mềm, ứng dụng hay các hệ sinh thái. Khi các smartphone đã quá giống nhau và đạt đến đỉnh cao của công nghệ hiện tại, thứ mà các nhà sản xuất dùng để hấp dẫn khách hàng là dịch vụ của mình. Khi camera, dung lượng RAM, kích cỡ màn hình “đụng nóc,” người tiêu dùng bắt đầu đặt ra câu hỏi mới: smartphone nào có thể giúp cuộc sống của mình tiện nghi hơn?

Những tính năng đáp ứng được nhu cầu mới của người dùng rất đa dạng. Chúng bao gồm khả năng hoạt động với nhiều dịch vụ khác nhau, từ âm nhạc, video, phim ảnh, lưu trữ, thanh toán không cần tiền mặt, kết nối với những sản phẩm khác từ cùng nhà sản xuất. Họ cũng muốn camera của máy giúp họ selfie "ảo tung chảo" mà không cần bật Photoshop, biết được bức hình mình chụp đẹp hay xấu mà không cần phải kiểm tra,...

Để đáp ứng cho các nhu cầu đó, các hãng sản xuất phải mở rộng “tầm phủ sóng” của mình. Ngày nay, bất kỳ một hãng nào muốn thành công trong thị trường smartphone đều phải vượt ra ngoài khuôn khổ phần cứng, và đem đến cho người dùng những dịch vụ họ muốn.

Những cái tên phổ biến nhất trên thị trường như Samsung, Apple, Xiaomi, Huawei,… đều không phải là một hãng bán smartphone đơn thuần, mà họ còn bán cả dịch vụ đi kèm. Điều đó tạo ra một lượng lớn những khách hàng trung thành với sản phẩm và dịch vụ của họ. Ngược lại, các hãng luôn phải tìm cách “o bế” những khách hàng này, cải thiện chất lượng dịch vụ của mình nếu không muốn mất họ vào tay những đối thủ xung quanh.

Vì thế, sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất smartphone thực sự đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Các nhà sản xuất linh kiện được lợi từ một thị trường ngày càng lớn mạnh và đa dạng hơn. Người dùng được hưởng những tính năng mới, những sản phẩm chất lượng hơn, mức giá tốt hơn, các dịch vụ phù hợp với mình hơn. Nó tốt cho tất cả mọi người, vì thế nên hãy cứ để sự cạnh tranh tiếp diễn.

Emoji - Tưởng đơn giản, mà rối rắm vô cùng

Phạm Lê

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/cong-nghe/trong-cuoc-chien-smartphone-ai-la-nguoi-duoc-loi-57577.html