Trong đại dịch COVID -19, Việt nam có nguy cơ gia tăng lao động trẻ em

Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến tình trạng tiếp trẻ em phải tham gia lao động do giảm sút thu nhập và sinh kế của gia đình.

Sáng 7-6, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the Children, gọi tắt SC) tổ chức Tập huấn báo chí về bảo vệ trẻ em trên các kênh truyền thông, đây là hoạt động thuộc Dự án: Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Lớp tập huấn nhằm trang bị kỹ năng, nâng cao nhận thức cho phóng viên báo chí và người làm truyền thông về bảo vệ trẻ em. Qua đó, phóng viên, nhà báo sẽ tham gia góp ý xây dựng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhà báo với trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em chia sẻ về tình trạng gia tăng lao động trẻ em trước tác động đại dịch COVID-19. Ảnh: MINH HOÀNG

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em chia sẻ về tình trạng gia tăng lao động trẻ em trước tác động đại dịch COVID-19. Ảnh: MINH HOÀNG

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em, kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, thời gian qua, đại dịch COVID-19 làm suy giảm sự tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình. Vì vậy tiếp tục có tình trạng một số trẻ em phải tham gia lao động như một phương án để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế của gia đình.

“Hiện nay, lao động trẻ em trên toàn cầu là 160 triệu, tăng thêm 8,4 triệu so với giai đoạn 2000 – 2016 và hàng triệu trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em do tác động của đại dịch”, bà Hoa cho biết.

Theo số liệu điều tra và các nghiên cứu về lao động trẻ em gần đây tại Việt Nam, có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lao động trẻ em. Trước hết, là do hộ gia đình nghèo và gia đình dễ bị tổn thương. Nhận thức còn hạn chế của một bộ phận cha mẹ, gia đình và của chính trẻ em về giá trị của học tập để có công việc phù hợp và thu nhập bền vững trong tương lai.

“Tình trạng lao động trẻ em tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, ở hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, khu vực phi chính thức, đây là những khu vực khó can thiệp, khó thanh tra, kiểm tra”, ông Hoa nói tiếp.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em phổ biến những nội dung chính của Luật trẻ em, thông tin, truyền thông về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Ảnh: MINH HOÀNG

Chủ trì buổi tập huấn, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em phổ biến những nội dung chính của Luật trẻ em, thông tin, truyền thông về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Ông Nam đánh giá về công tác xây dựng pháp luật về bảo vệ trẻ em khá đồng bộ và tiếp cận pháp luật quốc tế. Vấn đề bảo vệ trẻ em được quy định xuyên suốt trong BLDS, Luật Trẻ em, BLHS, Bộ luật Lao động…

Hiện nay, Việt Nam cũng đạt được bước đi đầu tiên trong công tác tư pháp thân thiện với trẻ em, đặc biệt trong hoạt động tố tụng tư pháp như hoạt động điều tra, xét xử… mà bị báo, bị hại hoặc nhân chứng là trẻ em. Đồng thời, nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập tòa người chưa thành niên và gia đình để xét xử các vụ việc liên quan đến trẻ em.

Nhà báo Trần Bá Dũng chia sẻ những kỹ năng viết bài về trẻ em. Ảnh: MINH HOÀNG

Cũng trong buổi tập huấn, nhà báo Trần Bá Dũng, Nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam đã có những chia sẻ về kỹ năng nghiệp vụ cho phóng viên, người làm công tác truyền thông khi viết bài, đưa tin các vấn đề liên quan đến trẻ em.

TRÚC PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/trong-dai-dich-covid-19-viet-nam-co-nguy-co-gia-tang-lao-dong-tre-em-post683497.html