Trong đầu tư, dù ràng buộc vẫn có khe hở

Để có thêm một góc nhìn cho câu chuyện các thương hiệu của Huy Việt Nam đang trên đường phá sản, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Đức (ảnh), Tổng giám đốc CTCP quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ICM (Innovation Capital Management), đơn vị chính thức đầu tiên của Việt Nam được cấp phép đầu tư và quản lý quỹ đầu tư (QĐT) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

PHÓNG VIÊN: - Trong mối quan hệ giữa QĐT – doanh nghiệp (DN) gọi vốn thì QĐT thường được nắm đằng “chuôi” khi đưa ra các tiêu chí rót vốn cũng như quy định “luật chơi” để giảm rủi ro. Nhưng sự việc của Huy Việt Nam dường như ngược lại, QĐT lại phải nuốt trái đắng? Ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này?

Ông NGUYỄN VIỆT ĐỨC: - Để có thể có một thương vụ đầu tư thành công, toàn bộ các bước đi trong quá trình đầu tư đều đóng vai trò rất quan trọng. Từ bước rà soát thương vụ ban đầu, tới bước rà soát kỹ lưỡng (hai bên cùng nhau thống nhất toàn bộ các nội dung về chiến lược, kinh doanh, vận hành, tài chính, quản trị, các điều kiện báo cáo, các điều kiện ràng buộc...), giám sát khoản đầu tư đều đóng vai trò mắt xích, bất kể mắt xích nào bị bỏ qua hoặc buông lỏng đều có thể dẫn tới rủi ro lớn cho thương vụ đầu tư.

Về tính chuyên môn, tôi cho rằng một nhóm nhà đầu tư (NĐT) không có nghĩa đó là QĐT-nơi được tổ chức bài bản cho tất cả các bước. Song tôi cũng rất bất ngờ khi có nhiều tên tuổi các quỹ cùng đầu tư nhưng lại để xảy ra việc này. NĐT là người có tiền nhưng không có nghĩa có đầy đủ nguồn lực (thời gian, công nghệ, nhân sự, phương thức) để quản trị tốt khoản đầu tư theo những giao kèo ban đầu.

Các thương vụ được Công ty quản lý QĐT khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM) đầu tư được soát xét hàng tháng và gần gũi với chủ DN (founder) theo cách trợ giúp họ trong vận hành, quản trị, kinh doanh, cũng là cách để chúng tôi có phương án phản ứng kịp thời trước các diễn biến bất lợi cho khoản đầu tư.

Yếu tố con người luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu trong việc lựa chọn đầu tư, vì thực tế mọi ràng buộc hay điều kiện chỉ là những câu chữ, việc tuân thủ và tôn trọng, cam kết thuộc về tâm thái và đạo đức của người chủ khởi nghiệp, dù có ràng buộc thế nào thì vẫn có những khe hở để lách qua.

Cũng không thể phủ nhận, rủi ro kinh doanh của dự án với NĐT. Dù có quản trị tiên tiến theo cách nào, nếu rủi ro nằm ở chính mô hình kinh doanh thì dù có quản trị vẫn không thể đạt được kết quả đầu tư như mong đợi, và khi đó rõ ràng mọi thứ bắt đầu bung bét cho tất cả các bên.

- Có ý kiến cho rằng các QĐT đã lỏng lẻo trong kiểm soát hoạt động của Huy Việt Nam, ông có đồng tình với nhận định này hay không?

Dù có quản trị tiên tiến theo cách nào, nếu rủi ro nằm ở chính mô hình kinh doanh thì dù có quản trị vẫn không thể đạt được kết quả đầu tư như mong đợi.

- Tôi không có ý kiến về việc này, vì thực tế tôi không có thông tin về cách kiểm soát hoạt động của các NĐT trong thương vụ này. Tuy nhiên, nếu như những gì thông tin đại chúng đưa ra là đúng (thí dụ: việc đóng cửa hàng loạt không có phê duyệt, cuối năm 2018 nợ phải trả bao trùm bảng cân đối kế toán… trong khi bắt đầu từ 2007 với món Huế và đầu tư khoảng năm 2013), thì tôi cho rằng việc cử người tham gia điều hành, cơ cấu phù hợp với số vốn đầu tư lớn đã không như thông thường cần phải làm.

Việc đầu tư vào công ty mẹ - Huy Việt Nam, thay vì trực tiếp vào Công ty nhà hàng món Huế, cũng có thể đã làm cho tầm nhìn của NĐT trực tiếp vào thương vụ hạn chế, phương án tham gia quản trị bị hạn chế.

- Việc mất vốn với Huy Việt Nam có thể xem như một thương vụ đầu tư thất bại với các QĐT mạo hiểm. Vậy kiện tụng liệu có giải quyết được gì hay không, thưa ông?

- Việc này không dễ dàng để trả lời, thông thường nghĩa vụ của founder với NĐT được thể hiện dưới 2 tài liệu: hợp đồng đầu tư (ta còn gọi là termsheet) và điều lệ, việc kiện tụng chỉ có kết quả khi người điều hành vi phạm những nội dung trong đó.

Chúng ta cũng không rõ ràng việc đầu tư được thực hiện dưới hình thức nào (cổ phần/ cổ phần đặc biệt/ trái phiếu) nên không thể trả lời sẽ bị chi phối bởi hình thức và căn cứ pháp lý nào.

Mặt khác, NĐT đầu tư vào công ty mẹ, như vậy chỉ phát sinh quyền với các thành viên quản lý thuộc công ty mẹ hoặc người đại diện vốn/ điều hành tại công ty con, nên không thể khẳng định việc thất bại của công ty con có liên quan trực tiếp sự thất bại hay căn cứ kiện tụng của NĐT trong khoản đầu tư tại công ty mẹ.

Những thương hiệu này một thời liên tục mở rộng chuỗi nay đã phải đóng cửa toàn bộ. Ảnh: H.HÙNG

Những thương hiệu này một thời liên tục mở rộng chuỗi nay đã phải đóng cửa toàn bộ. Ảnh: H.HÙNG

- Sau vụ việc của Huy Việt Nam, liệu các QĐT có dè dặt hơn trong việc rót vốn vào các DN gọi vốn ở Việt Nam hay không? Ông có lời khuyên nào cho DN gọi vốn sau thương vụ này?

- Trước hết về ảnh hưởng của dòng vốn, tôi tin là việc đó có ảnh hưởng tới việc ra quyết định đầu tư của các NĐT/QĐT nước ngoài vào Việt Nam, nhưng ảnh hưởng đó không quá lớn. Thị trường có nhiều đối tượng để đầu tư, nhiều phương châm đầu tư khác nhau, nhiều hình thái đầu tư khác nhau, nhiều giai đoạn đầu tư khác nhau.

Với cá nhân tôi, lựa chọn đầu tư cho đổi mới sáng tạo thì tôi không coi Món Huế hoặc mô hình lặp lại và mở rộng đặc sản F&B là một mô hình kinh doanh phù hợp.

Với DN khởi nghiệp đi gọi vốn, thì tôi vẫn luôn nói với các founder nên: Trung thực với bản thân và NĐT. Nhìn xa và có phương án quản trị rủi ro tốt. Tập trung phân bổ nguồn vốn sau gọi vốn vào những điểm nóng nhất của mô hình kinh doanh và đánh giá vị thế cạnh tranh của mô hình kinh doanh hàng quý để có phương án phù hợp, mọi thứ đều có thể bị thay thế.

- Xin cảm ơn ông.

Thanh Dung (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/trong-dau-tu-du-rang-buoc-van-co-khe-ho-73776.html