Trong hoạn nạn mới thấu hiểu lòng nhau

Ngày 30/3/2020, với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của Nhân dân là trên hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Hữu Nghị lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 ngày 26/7. Ảnh: Minh Khánh

Bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Hữu Nghị lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 ngày 26/7. Ảnh: Minh Khánh

Lời hiệu triệu để muôn người như một

Ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Việc trong một thời gian ngắn người đứng đầu Đảng, nhà nước đã 2 lần có Lời kêu gọi, chứng tỏ quan điểm, hành động của Đảng và Nhà nước đồng thời cũng cho thấy công cuộc chống dịch đang hết sức gay go, cần sự “muôn người như một”, đoàn kết, hỗ trợ nhau vượt qua thử thách. Nếu như ngày 27/7 chúng ta chạm mốc 100.000 ca nhiễm Covid-19 thì chưa đầy 1 tuần sau Việt Nam đã chính thức vượt mốc 150.000 ca vào ngày 1/8. Điều này cho thấy cả dân tộc đang đứng trước một thử thách lớn (kể từ sau 1975) để đối phó với một đại dịch đã cướp đi sinh mạng 1.306 đồng bào (tính hết ngày 31/7). Để tồn tại, không còn cách nào khác, cả đất nước phải sát cánh bên nhau, cùng chung mục tiêu chống lại sát thủ Covid1-9.
Đầu tiên là chúng ta có thể tự tin mục tiêu huy động 9.000 tỷ đồng cho Quỹ Vaccine đã sắp hoàn thành. Theo số liệu của Quỹ phòng chống Covid-19 Việt Nam tính đến hết ngày 31/7 sau gần 2 tháng phát động có hơn 4.500 cá nhân, tập thể, đơn vị trong và ngoài nước đã đóng góp 8.421 tỷ đồng vì mục tiêu 150 triệu liều vaccine cho người dân. Là một dân tộc có truyền thống đoàn kết, thương yêu nhau qua hoạn nạn khó khăn, đạo lý làm người “Thương người như thể thương thân” nhưng biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt, ngay cả trao gửi tình thương cũng phải tốc độ. Chậm chân là không kịp!
Những nghĩa cử cao đẹp
Với năng lực của mình TP Hồ Chí Minh chỉ đảm nhận được năng lực điều trị khoảng 30.000 ca lây nhiễm. Ngay lập tức hàng nghìn y, bác sĩ từ các bệnh viện T.Ư và các địa phương đã xung phong tình nguyện lên đường vào Nam. Theo số liệu cập nhật mới nhất, hiện có 24 đoàn với hơn 4.400 nhân viên y tế cả nước hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch. Trong đó có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên. Ngoài ra còn có hơn 30 lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được điều động trực tiếp hỗ trợ tất cả các quận, huyện triển khai các hoạt động chống dịch.
Từ Hà Nội gần 200 y, bác sĩ, kỹ thuật viên 6 viện gồm: E, Nội tiết Trung ương, Nhi Trung ương, Da liễu Trung ương, Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Hữu Nghị, trong hai ngày 26 - 27/7 lên đường vào TP Hồ Chí Minh tiếp sức. TP Hồ Chí Minh đề xuất T.Ư chi viện 12.000 nhân sự y tế để tham gia chống dịch. Ngoài Hà Nội, đoàn công tác các tỉnh, thành khác đã và đang sẵn sàng lên đường. Những ngày này đi khắp 63 tỉnh thành, đâu đâu người ta cũng có thể bắt gặp những nghĩa cử yêu thương, hình ảnh chính quyền giúp người dân, người dân tự tìm đến giúp nhau theo tinh thần “lá lành, đùm lá rách”. Khi nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội thì vấn đề mưu sinh cho người nghèo tránh đứt bữa lại trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Đã có kinh nghiệm trải qua 3 làn sóng dịch Covid-19, TP Hà Nội đã đưa thêm đối tượng thứ 4 “số hộ khó khăn đột xuất” vào diện trợ cấp ngoài hộ nghèo, cận nghèo; hộ hưởng bảo trợ xã hội (diện hàng tháng vẫn được chế độ chính sách); hộ khó khăn (bị ảnh hưởng do giãn cách). Hơn ai hết, TP Hồ Chí Minh hiểu ngoài 8,5 triệu dân nằm trong con số thống kê thì còn hàng triệu người dân vãng lai làm đủ ngành nghề, trong số đó khá nhiều người làm nghề bán hàng thuê, xe ôm, bốc vác, buôn bán nhỏ không có nguồn thu nhập khi giãn cách. Ngay tại phố cổ, gia đình bà Nguyễn Thị Hương 60 tuổi ở 20B Hàng Mành (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) có 4 miệng ăn, chỉ trông chờ vào hàng nước chè. Ngay tại phường Hàng Gai, trung tâm của TP Hồ Chí Minh cũng có tới 215 hộ nghèo (860 nhân khẩu), nếu chính quyền địa phương, bà con láng giềng không quan tâm thì cũng không biết bấu víu vào đâu để sống qua ngày. Đến nay, quận Hoàn Kiếm đã chủ động kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ 4.000 phần quà (trị giá từ 300.000 - 500.000 đồng) cho người nghèo.
Dường như 30 quận, huyện của TP Hà Nội đều xem việc chăm lo đời sống người nghèo làm nhiệm vụ chính của chính quyền trong làn sóng dịch thứ 4. Trong hơn 100 ngày qua, lãnh đạo Hà Nội đã có hơn 400 chuyến kiểm tra cơ sở và lần nào vấn đề mưu sinh của người dân đều là một phần quan trọng của các buổi làm việc. Những ngày này, chúng ta được chứng kiến hàng trăm hình ảnh đẹp tại mỗi xóm phố của Thủ đô văn hiến về tình người, san sẻ nhường nhau từng bó rau muống, chai nước mắm, thùng mỳ tôm.
Vạn dặm, không xa
Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 820.000 gia đình, với khoảng 2,5 triệu người dân TP Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng do giãn cách dài ngày. Đã có một cuộc hồi hương lớn về quê bằng máy bay, tàu hỏa, xe ô tô, xe máy, xe đạp thậm chí cả đi bộ, xa nhất về tận Lào Cai khoảng hơn 2.000km, già nhất là 80 tuổi, nhỏ nhất là chỉ 5 ngày tuổi. Bao nhiêu gia đình là bấy nhiêu hoàn cảnh khó khăn, gian khổ khác nhau mà người dân phải vật lộn để sinh tồn.
Trong hơn 100 ngày qua, có hàng nghìn nghĩa cử cao đẹp đồng bào giúp nhau vượt qua đại dịch Covid-19 trên giải đất hình chữ S này. Đơn cử Hội DN Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh đã quyên góp 2 tỷ đồng sẽ trích ra trao 2.000 phần quà (tiền mặt) để hỗ trợ tới 2.000 những bà con, người lao động Nghệ An - Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh; Tổng Công ty đường sắt Việt Nam 6 tháng đầu năm đã thua lỗ hơn 400 tỷ đồng (năm ngoái lỗ hơn 1.300 tỷ đồng) nhưng vẫn chủ động tổ chức thành công vận chuyển hơn 1.000 người dân từ các tỉnh phía Nam về Hà Tĩnh, Quảng Trị và đang chuẩn bị tổ chức thêm một số chuyến tàu. Bà con Thanh Hóa đã quyên góp được gần 68 tấn lương thực, thực phẩm bao gồm gạo, miến, cá khô, mì tôm, đậu phộng… chuyển đến trụ sở Công an TP Hồ Chí Minh trong chiều 30/7 để hỗ trợ các chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. CSGT các tỉnh dọc quốc lộ đã tổ chức hàng trăm điểm phát miễn phí nước uống, đồ ăn cho đồng bào về quê…
Biết bao nhiêu hình ảnh đẹp trên một trang báo nhỏ khó có thể liệt kê hết. Công cuộc chống dịch chắc chắn sẽ còn kéo dài và đầy thử thách, nhưng nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch, bởi hơn 100 ngày qua, hơn lúc nào hết, cả dân tộc đã đứng sát cánh bên nhau, nhìn về một hướng.

Nguyễn An Thanh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/trong-hoan-nan-moi-thau-hieu-long-nhau-429544.html