Trong khó khăn, càng thấy vai trò quan trọng của ngành Tài chính nước nhà

Nhìn lại chặng đường gần 5 năm vừa qua, dù tình hình kinh tế đất nước trải qua nhiều biến động, nhưng lĩnh vực tài chính - ngân sách đã từng bước vượt qua và đạt được những bước tiến lớn trong đảm bảo cân đối ngân sách, an ninh tài chính quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức hòa mạng các chi cục thuế khu vực vào hệ thống quản lý thuế chung cả nước (ngày 26/2/2020) Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức hòa mạng các chi cục thuế khu vực vào hệ thống quản lý thuế chung cả nước (ngày 26/2/2020) Ảnh: TTXVN

Trong chặng đường đó, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa là áp lực, vừa là động lực lớn để ngành Tài chính quyết tâm phấn đấu, nỗ lực hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Triển khai quyết liệt, quản lý chặt chẽ Năm 2016

Chính phủ mới bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh đầy thách thức, khó khăn chồng chất cả về thiên tai và nhân tai. Sau một năm chèo lái, nỗ lực, điểm lại thành tựu và kết quả đạt được của đất nước năm 2016, Thủ tướng nhấn mạnh sự đóng góp trực tiếp và rất lớn của ngành Tài chính. Với những thắng lợi toàn diện trên các lĩnh vực, thu ngân sách vượt 7,8% so với dự toán, dù trước đó dự kiến khó khăn. Tiềm lực tài chính quốc gia được nâng lên đáng kể. Đến năm 2016, tổng mức dự trữ quốc gia đã tăng gấp đôi so với năm 2006. Tài chính luôn là một trong những ngành tiên phong, triển khai quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần các Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Thủ tướng cũng rất hiểu và chia sẻ với những khó khăn của ngành Tài chính. "Hai năm nay, thu ngân sách, kiểm soát bội chi làm rất tốt, Tôi biết các đồng chí rất vất vả, nhiều lúc phê bình nhau gắt gao, thúc đẩy từng cơ quan, đơn vị, nếu không khó đạt được con số này", Thủ tướng nói tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016.

Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc

Những năm tiếp theo, thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 25 của Quốc hội, với sự chỉ đạo điều hành kịp thời, sâu sát của Thủ tướng, cùng với sự nỗ lực không ngơi nghỉ của Chính phủ, ngành Tài chính đã từng bước kéo giảm tỷ lệ nợ công, bội chi, tình hình tài chính quốc gia được đảm bảo lành mạnh, bền vững hơn. Bội chi năm 2019 chỉ còn 3,36% GDP, giảm sâu so với tỷ lệ 5,52% GDP của năm 2016. Tỷ lệ nợ công năm 2019 còn 54,7% GDP, giảm đến 10 điểm phần trăm so với năm đầu nhiệm kỳ. Thu ngân sách các năm hầu hết vượt 8 - 10% dự toán. Chi ngân sách được điều hành chặt chẽ, đảm bảo kịp thời các nhiệm vụ chi thường xuyên và cấp bách. Cơ cấu NSNN được chuyển biến theo hướng tích cực, cơ cấu thu bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng, đạt trên 82% vào năm 2019. Tỷ trọng chi đầu tư tăng, chi thường xuyên giảm nhanh...

Tăng trưởng GDP mà mất cân đối ngân sách thì cũng không có ý nghĩa

Thường xuyên đến dự và phát biểu chỉ đạo tại các dịp hội nghị quan trọng của ngành Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn ghi nhận và động viên kịp thời nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức viên chức và người lao động ngành Tài chính. Tại hội nghị tổng kết công tác của ngành năm 2018, Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng và biểu dương ngành đã hoàn thành toàn diện, vượt mức mọi mặt công tác Đảng, Nhà nước giao. Thủ tướng đề cao tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính đã đoàn kết, quyết tâm triển khai nhiệm vụ nặng nề. “Đặc biệt tôi đánh giá cao đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính với kinh nghiệm, bản lĩnh của mình đã lăn lộn cùng tập thể lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu tăng trưởng GDP mà hụt thu, mất cân đối ngân sách thì cũng không có ý nghĩa” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với từng lĩnh vực như thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, chứng khoán, dự trữ… Thủ tướng Chính phủ cũng luôn quan tâm, động viên kịp thời những kết quả và nhắc nhở về những tồn tại, hạn chế. Với lĩnh vực thuế, hải quan, Thủ tướng đánh giá dù đã đạt được bước tiến rất dài nhưng "không được say sưa với thành công này" mà phải đẩy nhanh hơn nữa việc điện tử hóa, tiến đến tiêu chuẩn OECD… Trong lĩnh vực dự trữ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “không để người dân thiếu cơm, lạt muối, đứt bữa trong thiên tai, lũ lụt. Muốn thế phải xử lý hỗ trợ kịp thời, mà trong đó ngành Tài chính, dự trữ quốc gia đã thể hiện vai trò rất tốt”.

Đặc biệt, để ghi nhận và động viên quyết tâm của ngành Tài chính trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Thủ tướng đã đến dự hội nghị công bố thành lập chi cục thuế khu vực đầu năm nay và nhận xét: “Một việc làm rất khó, nhưng các đồng chí đã làm tốt. Đây là tấm gương, tạo động lực để các bộ, ngành khác thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy”.

Bên cạnh những thành tích trên nhiều mặt, Thủ tướng cũng luôn lưu ý trách nhiệm của ngành Tài chính rất nặng nề. Chính sách tài chính phải theo kịp xu hướng phát triển của đất nước, có tuổi thọ dài hơn, bắt kịp những xu hướng mới như công nghệ 4.0, để mở rộng cơ sở thuế. Bài toán cân đối NSNN còn chưa vững chắc. Việc hoàn thiện thể chế pháp luật cần được đẩy nhanh hơn. Việc vi phạm chính sách, chế độ thu chi ngân sách vẫn xảy ra, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu. Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn chậm. Đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử của một bộ phận công chức còn hạn chế… Đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu cao nhưng Thủ tướng cũng cho rằng, "không thể một mình ngành Tài chính hoàn thành được những nhiệm vụ nặng nề đặt ra" và yêu cầu rõ "các cơ quan liên quan hỗ trợ cho ngành Tài chính phát triển, các tỉnh ủy, thành ủy phải tạo điều kiện cho ngành Tài chính hoàn thành nhiệm vụ".

Ngành Tài chính đã đề xuất kịp thời các chính sách rất hợp lòng dân

Năm 2020, ngang tầm với thảm họa Thế chiến II, đại dịch Covid-19 phủ bóng đen toàn cầu, Việt Nam không ngoại lệ. Nhưng thảm họa, lại tựa như thời khắc đủ nắng thì hoa nở, làm rõ hơn bao giờ hết một Chính phủ vững vàng trong điều hành, tỉnh táo để đưa ra những quyết sách phù hợp, bản lĩnh vượt qua sóng gió.

Trong việc ứng phó với dịch bệnh xảy ra bất ngờ, Thủ tướng biểu dương ngành Tài chính đã xử lý kịp thời mọi khoản kinh phí cho phòng chống dịch, đề xuất kịp thời các chính sách giảm thuế, phí,… rất hợp lòng dân. Ngành cũng đã có nhiều biện pháp rất ấn tượng để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời cho người dân, DN. Bộ Tài chính cũng đóng góp quan trọng trong ứng dụng công nghệ mới để làm việc từ xa, học tập từ xa, triển khai cổng dịch vụ công quốc gia… Ứng dụng công nghệ chưa bao giờ có sự chuyển biến nhanh mạnh mẽ như vậy, trong đó ngành Tài chính có nền tảng tốt nhờ đi trước một bước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ vui mừng khi thấy ngành Tài chính có quyết tâm rất cao giữ chính sách tài khóa rộng mở hơn để thúc đẩy phát triển. Các địa phương cũng đều thể hiện quyết tâm này, với khẳng định không điều chỉnh các chỉ tiêu ngân sách, hoặc chỉ điều chỉnh rất ít. “Trong khó khăn, chúng ta càng thấy vai trò quan trọng của ngành Tài chính nước nhà", Thủ tướng đánh giá.

Thanh Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-08-27/trong-kho-khan-cang-thay-vai-tro-quan-trong-cua-nganh-tai-chinh-nuoc-nha-91549.aspx