Trong lịch sử, chứng khoán Việt Nam thường phản ứng ra sao những lần Tổng thống Hoa Kỳ tới thăm?

Thống kê cho thấy, những lần Tổng thống Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam, thị trường chứng khoán thường có diễn biến khởi sắc, bật tăng mạnh. Lịch sử liệu có lặp lại với lần thăm chính thức này của Tổng thống Joe Biden vào ngày 10/9 tới đây?...

Ảnh minh họa.

Trong lịch sử từ năm 1966 đến nay, đã có 6 lần Tổng thống Hoa kỳ thăm chính thức Việt Nam. Thống kê những lần gần đây nhất, trước mỗi chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ, thị trường chứng khoán Việt Nam thường bật tăng mạnh nhờ tâm lý, kỳ vọng của nhà đầu tư vào mối quan hệ song phương giữa hai nước. Hoa Kỳ là một trong những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam.

Gần đây nhất là chuyến thăm chính thức tại Hà Nội, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ năm 2019 của Donald John Trump từ ngày 26/2-28/2/2019. VN-Index đã bật tăng từ giữa tháng 1/2019- đến tháng 3/2019. Giai đoạn này, chỉ số tăng từ 889 lên 1.005 điểm, tương ứng tăng 13%.

Trong lần thăm trước đó tham dự Hội nghị APEC năm 2017 của Tổng thống Trump ngày 10/11-12/11, VN-Index cũng bật tăng mạnh. Tính chỉ trong tháng 11, chỉ số tăng từ 838 - 960 điểm, tăng 122 điểm tương ứng tăng 14,5%.

Trong thời điểm 23-25/5/2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng thăm chính thức Việt Nam. Trong tháng 5/2016, VN-Index tăng từ 595 điểm lên 621 điểm, tương ứng tăng 4,3%.

Trước đó, ngày 20/11/2006, Tổng thống Hoa Kỳ G.W.Bush đã đến thăm Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), gặp gỡ quan chức của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và đích thân gõ cồng mở cửa phiên giao dịch.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sắp thăm Việt Nam

Dự kiến, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Chúng tôi tin rằng các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết trong thông cáo ngày 29/8.

Đây sẽ là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Biden kể từ khi ông nhậm chức đầu năm 2021. Sự kiện diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Trước thời điểm này một tháng, VN-Index đã tăng 11,4% (từ 524,59 điểm lên 584,26 điểm), sau thời điểm Tổng thống Hoa Kỳ G.W.Bush đến Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng tới 38,6% từ 584,26 điểm lên thành 809,86 điểm. Tính trong khoảng thời gian một vào tháng sau đó, chỉ số VN-Index liên tục bứt phá. Đỉnh điểm là tại ngày 12/3/2007, chỉ số VN-Index đã lập đỉnh cao nhất mọi thời đại ở mức 1.170,67 điểm.

Tháng 11 năm 2000, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên, đánh dấu dấu mốc Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tới Việt Nam, 25 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Thời điểm đó, thị trường chứng khoán Việt Nam mới chính thức đi vào hoạt động được khoảng vài tháng và mới chỉ có duy nhất một chỉ số là VN-Index.

Một tháng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton có chuyến thăm Việt Nam, chỉ số VN-Index đã tăng 17,7% từ mức 162,36 điểm lên 191,11 điểm. Mức tăng này không quá đặc biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ mới đi vào hoạt động và chưa được nhiều người quan tâm tới.

Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD, trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,1 tỷ USD.

Trong 8 tháng năm 2023, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 53 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 19,6 tỷ USD, giảm 9,7%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,5 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 146 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 32,3 tỷ USD, giảm 30,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,3 tỷ USD, giảm 34,5%; nhập siêu từ ASEAN 5,2 tỷ USD, giảm 38,4%.

Thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa chủ yếu 8 tháng năm 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là các sản phẩm công nghệ cao (ví dụ: hàng điện tử tiêu dùng & điện thoại thông minh), các sản phẩm may mặc và giày dép, còn lại là các sản phẩm khác như nội thất và nông sản.

Đối với ngành dệt may Việt Nam, Hoa Kỳ luôn là thị trường trọng điểm, liên tục trong những năm gần đây đều chiếm hơn 40% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ chỉ đứng sau Trung Quốc, đạt 17,8 tỷ USD. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng chỉ đạt hơn 6 tỷ USD, giảm khoảng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Hoa Kỳ cũng là thị trường lớn của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam, thường chiếm khoảng 50 - 55% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt khoảng 8,3 tỷ USD. Nhưng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gỗ sang thị trường này liên tục giảm mạnh do ngành bất động sản của Hoa Kỳ đang trong giai đoạn chững lại, tác động khiến tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm gỗ của nước này sụt giảm hơn 50%.

Đáng mừng là đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan cho hoạt động xuất khẩu gỗ vào Hoa Kỳ. Cụ thể, trong tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ sang Hoa Kỳ đạt 638 triệu USD, chỉ giảm 18,4% so với tháng 6/2022. Kỳ vọng về cuối năm khi thị trường Hoa Kỳ hồi phục và “ấm” dần lên sẽ giúp lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu vì sản phẩm gỗ Việt Nam...

Kiều Trang

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trong-lich-su-chung-khoan-viet-nam-thuong-phan-ung-ra-sao-nhung-lan-tong-thong-hoa-ky-toi-tham.htm