Trong mùa mưa bão, phà khách 'vô tư' chở quá tải trên sông Hồng

Dù trên mỗi con phà đều treo rõ biển ghi trọng tải cho phép là 48N/2 ô tô (48 người và 2 ô tô), nhưng có mặt tại đây chúng tôi thấy cả chục ôtô các loại nối đuôi nhau chờ xuống phà qua sông.

Dù trên mỗi con phà ở đây đều treo rõ biển ghi trọng tải cho phép là 48N/2 ô tô (48 người và 2 ô tô), tuy nhiên có những chuyến phà chở từ 6 - 7 ô tô.

Dù trên mỗi con phà ở đây đều treo rõ biển ghi trọng tải cho phép là 48N/2 ô tô (48 người và 2 ô tô), tuy nhiên có những chuyến phà chở từ 6 - 7 ô tô.

Cõng” thừa ô tô: Biết sai nhưng vẫn liều

Tạp chí Giao thông vận tải nhận được phản ánh của người dân về hoạt động vận chuyển khách qua sông Hồng của bến đò ngang Hồng Vân - Bình Minh (nối xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội với huyện Khoái Châu, Hưng Yên) thường xuyên chở quá tải, vận chuyển ô tô sai quy định.

Cuối tháng 7/2019, trực tiếp có mặt tại bến đò Hồng Vân trên sông Hồng (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội), PV Tạp chí Giao thông vận tải ghi nhận, hàng chục chiếc xe máy, ô tô đang chờ xuống chiếc phà mang số hiệu: HN1577 để quay sang bờ phía huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Đáng nói, tất cả chủ phương tiện ô tô, xe máy chỉ việc trả tiền trên bờ rồi tự đi xe xuống phà, không có bất kỳ người hướng dẫn, sắp xếp nào. Trên phà cũng chỉ có một người lái, thi thoảng lại phải rời cabin để xuống sắp xếp xe máy, ra hiệu cho xe tải lùi vào chỗ.

Phà rời bến với 3 xe tải trọng tải trên 3,5 tấn; 2 xe tải 1,25 tấn; 2 xe ôtô 7 chỗ và khoảng hàng chục phương tiện xe máy khác. Trong số đó, ít nhất 3 xe tải có có chiều cao thùng vượt quá tầm mắt của người lái, hai bên lan can phà (nơi hành khách đứng) không hề được trang bị phao cứu sinh tròn, áo phao. Đáng ngại hơn, người lái phà tên V. cho biết mới chỉ có bằng máy trưởng, trong khi đó phương tiện không có chứng nhận đăng ký, đăng kiểm.

Ông Nguyễn Văn Thành (xã Hồng Vân) cho biết: “Nhiều lúc xe to, trọng tải hơn 10 tấn chạy rầm rập xuống phà, làm phà chòng chành rất sợ...”

“Cứ cách khoảng 10 phút là có một chuyến qua sông. Ôtô được chở với mức giá từ 30.000-120.000 đồng/xe tùy tải trọng. Vì lợi nhuận kinh tế đã khiến chủ đò bỏ qua nguy cơ tiềm ẩn, nếu xảy ra tai nạn hậu quả sẽ rất khó lường”, ông Thành lo lắng.

Chiếc phà này, cùng một lúc chở nhiều xe ôtô có thùng thùng vượt quá tầm mắt của người lái, hai bên lan can phà (nơi hành khách đứng) không hề được trang bị phao cứu sinh tròn, áo phao.

Tương tự, tại bờ bên kia sông Hồng, bến đò Bình Minh (xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên) cũng được cấp phép dùng phà một lưỡi để chở ô tô qua. Quan sát của PV vào chiều ngày 2/8/2019 cho thấy, hầu như lúc nào cũng có vài chục đến cả trăm ôtô các loại nối đuôi dài chờ qua phà. Tuy nhiên, hạ tầng tại bến đò này hiện đang xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Cụ thể, đường lên xuống bến khá dốc nhưng không có người của bến hướng dẫn phương tiện xuống phà, nên phương tiện lên xuống lộn xộn. Chiếc phà mang số hiệu HY0409 chỉ được phép chở tối đa 2 ô tô nhưng có những chuyến vẫn có tới 5 - 7 xe tải trọng lớn, trên phà có hàng chục khách nhưng trên lan can phà chỉ treo vài chiếc áo phao cứu sinh.

Ông Trần Danh Đ., chủ hộ kinh doanh phà khách qua sông tại bến đò Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội) thừa nhận: “phà khách ở đây chủ yếu chở thừa xe ôtô. Khách cứ đưa tiền rồi xuống phà, không cần vé”.

“Biết việc chở quá tải so với quy định là sai, tuy nhiên vì thời gian qua nhu cầu của người dân rất lớn nên chủ phà thường linh động giải quyết”, ông Đ. cho biết.

Khách cứ đưa tiền rồi xuống phà, không cần vé.

Nhiều lúc xe to, trọng tải hơn 10 tấn chạy rầm rập xuống phà, làm phà chòng chành, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Phao cứu sinh để... làm cảnh

Khảo sát tại bến phà Hồng Vân, PV đều chứng kiến tình trạng chung là phương tiện không được sơn sửa thường xuyên, nhiều phương tiện khá cũ kỹ, chắp vá, không tổ chức hướng dẫn khách lên xuống, thiếu phao cứu sinh, không bố trí đủ định biên thuyền viên tối thiểu khi khai thác phà chở ô tô.

Theo thông tư số 15/2012/TT của Bộ Giao thông vận tải, điều số 5: Mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn.

Nhu cầu người qua lại rất đông nên các chuyến phà tại bến Hồng Vân hoạt động liên tục.Trên phà có rất nhiều áo phao, dụng cụ nổi nhưng tất cả chỉ để treo lủng lẳng cho có và nhiều chiếc cáu bẩn, cũ kỹ.

Từng chồng vật dụng lẽ ra phải bỏ đi trang bị mới từ rất lâu, song nay được xếp gọn gàng trên nóc phà để... làm cảnh.

Nhận định về thực trạng mất an toàn giao thông này, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết: “Nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy, đặc biệt là tại bến thủy ngang sông là rất lớn, từ việc sử dụng phương tiện, người điều khiển phương tiện, đến ý thức của người tham gia giao thông thủy hiện tại một số địa phương, trong đó tại sông Hồng, Hà Nội còn nhiều hạn chế, công tác tuần tra kiểm soát và xử lý thì chưa được thường xuyên, chưa triệt để. Và hiện nay thì tình trạng không mặc áo phao khi đi qua phà, đò rất nhiều, phổ biến, đây là một hành vi tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao khi không may xảy ra các sự cố chìm đò, chìm phà. Nếu như mà mặc áo phao thì khi xảy ra sự cố thì chắc chắn thiệt hại, rủi ro sẽ giảm hẳn”.

Hầu hết áo phao, phao cứu sinh đều đã cũ kỹ, được gấp xếp gọn gàng trên nóc phà.

Cũng theo ông Thái, từ lâu, quy định bắt buộc hành khách đi phà, đò phải mặc áo phao đã được đưa vào Luật giao thông ĐTNĐ và có chế tài xử phạt nghiêm, nhưng dường như vẫn còn quá nhẹ, mới chỉ dừng lại ở mức độ mang tính nhắc nhở, trong khi vẫn còn đó sự buông lỏng từ phía cơ quan chức năng.

Để chấn chỉnh tình trạng này cần phải có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hơn của các cơ quan nhà nước, làm thế nào để hành khách qua sông 100% phải mặc áo phao và mang dụng cụ nổi như việc đội mũ bảo hiểm khi lưu thông bằng xe mô tô, xe gắn máy trên đường bộ.

Nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc mặc áo phao khi đi đò, qua phà, trước tiên cần nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện, người lái tàu.

Trước khi rời bến, chủ phương tiện phải phát cho hành khách áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh và hướng dẫn cho họ cách thức sử dụng sao cho an toàn. Chủ phương tiện có quyền từ chối chuyên chở những hành khách không chịu chấp hành yêu cầu này. Hãy nói không với những đối tượng không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và không tôn trọng chính bản thân mình.

“Theo Ban soạn thảo dự thảo Nghị định quản lý hoạt động đường thủy nội địa cho biết, hiện việc cấp phép bến khách ngang sông do Sở GTVT các địa phương thực hiện đối với các bến nằm trên đường thủy quốc gia thuộc địa bàn quản lý. Trong dự thảo dự kiến trình Chính phủ vào tháng 4/2019, quy định giao UBND cấp tỉnh tổ chức quản lý đối với vận tải khách ngang sông, thay vì phân cấp cho cấp huyện như dự thảo lần trước”.

Tạp chí GTVT tiếp tục thông tin./.

Lê Minh - Vũ Thành

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/trong-mua-mua-bao-pha-khach-vo-tu-cho-qua-tai-tren-song-hong-d79314.html