Trồng nấm rơm đạt hiệu quả kinh tế cao

Từ lâu, nấm rơm tươi là loại thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng, lại dễ trồng, thu hoạch nhanh, thị trường tiêu thụ rộng. Nấm thường mọc trên nguyên liệu phổ biến là rơm nên có tên chung là nấm rơm. Cứ mỗi tấn rơm trồng nấm, trừ chi phí trong thời gian 15 đến 20 ngày có thể thu lãi từ 500 nghìn đến 700 nghìn đồng.

Từ lâu, nấm rơm tươi là loại thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng, lại dễ trồng, thu hoạch nhanh, thị trường tiêu thụ rộng. Nấm thường mọc trên nguyên liệu phổ biến là rơm nên có tên chung là nấm rơm. Cứ mỗi tấn rơm trồng nấm, trừ chi phí trong thời gian 15 đến 20 ngày có thể thu lãi từ 500 nghìn đến 700 nghìn đồng.

Bã sau khi trồng nấm chế biến thành phân sinh học cao cấp, dùng để nuôi trùn (giun) đất, lấy trùn nuôi gia cầm, gia súc và tôm, cá, giúp giảm thấp nhất lượng rác thải ra môi trường chung quanh. Việc trồng nấm rơm cũng kéo theo nhiều dịch vụ như thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm nấm giá trị gia tăng, nuôi trồng meo nấm, kinh doanh phân rơm mục, tạo việc làm cho rất nhiều lao động ở nông thôn.

Nhận thức được lợi ích từ nấm rơm mang lại, đầu tháng 10 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng phối hợp Hội Nông dân thành phố Sóc Trăng khai giảng lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm cho hơn 30 hộ nông dân thuộc Tổ hợp tác rau màu liên khóm 5 và khóm 6 thuộc phường 8, thành phố Sóc Trăng. Tham gia lớp tập huấn, các học viên được thực hiện các công đoạn theo quy trình trồng nấm thực tế, như vệ sinh địa điểm, dụng cụ, nguyên vật liệu; xử lý giá thể (đất, rơm) và ủ rơm; đảo trộn, làm tơi, xếp mô rơm và cấy meo giống; chăm sóc cây nấm, thu hái và bảo quản sản phẩm nấm rơm sau thu hoạch. Qua đó có thể làm được tất cả các thao tác, nhận ra được các lỗi thường gặp, cách phòng tránh và xử lý, khắc phục những lỗi sai khi trồng nấm.

Bên cạnh việc thực hành trực tiếp, nông dân cũng được trang bị kiến thức về đặc điểm sinh học của nấm rơm, nguồn dinh dưỡng cho cây nấm, các yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của nấm rơm, kỹ thuật trồng và bảo quản sản phẩm nấm rơm.

Với cách tổ chức học lý thuyết, kết hợp thực hành bài bản, lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm của nông dân sẽ tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập, từng bước thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng theo hướng phát triển bền vững.

Thu Hoài

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38375802-trong-nam-rom-dat-hieu-qua-kinh-te-cao.html