Trồng ngô biến đổi gene: Lợi thì có lợi…

Sơn La, 2 phía con đường nhỏ là hai đồi ngô. Một bên là ngô thường, Một bên là ngô biến đổi gene, năng suất cao, không cỏ dại, nhưng chưa biết bán đi đâu?

Vừa trồng vừa lo

Gia đình bà Tươi là một trong những hộ đầu tiên ở Nông trường Mộc Châu, Sơn La canh tác ngô biến đổi gene.

Vụ đầu tiên, 2,7ha của gia đình bà cho thu hoạch gần 20 tấn. Tuy nhiên niềm vui thu hoạch chưa thấy thì nỗi lo khác đã tới. Chi phí mua giống cho vụ mùa này của gia đình bà đã tăng gấp đôi so với vụ trước. Để mua 1kg giống ngô biến đổi gene, bà Tươi phải mất từ 220.000 đến 250.000 đồng/kg tùy loại. Đó là giá từ đầu vụ năm ngoái, còn nếu năm nay nhiều hộ gia đình khác cũng chuyển sang canh tác ngô biến đổi gene như gia đình bà thì chắc chắn giá giống sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Ngô đã thu hoạch xong, nhưng bán đi đâu, bán cho ai thì bà Tươi cùng nhiều hộ gia đình khác cũng chưa biết. Có gia đình thì chất đống để đấy, có gia đình thì tự liên hệ với các đại lý thu mua. Nhưng ngô biến đổi gene là loại giống mới, hầu hết các đại lý nhỏ không dám nhận lời. “Có vài công ty cũng đến xem nhưng chưa thấy họ hứa hẹn hay làm hợp đồng gì”, bà Tươi lo lắng.

8/15 xã của huyện Mộc Châu chuyển sang canh tác ngô biến đổi gene từ tháng 9 năm 2015. Diện tích vụ đầu tiên là hơn 600 ha, canh tác chủ yếu là giống ngô NK66Gt/BT của công ty Sygenta – một tập đoàn chuyên sản xuất giống cây trồng của Thụy Sỹ, vừa được công ty ChemChina của chính phủ Trung Quốc thôn tính với giá 43 tỷ USD.

Ngô biến đổi gene vẫn được biết đến như một loại giống vượt trội về khả năng chống sâu bệnh, giảm công chăm sóc và đạt năng suất cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và cả những cán bộ khuyến nông của huyện Mộc Châu – người trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân canh tác ngô biến đổi gene cũng chưa dám khẳng định năng suất ấy có ổn định được lâu dài hay không. Bởi để đánh giá hiệu quả năng suất của một giống cây trồng nào đó, người nông dân cần phải trải qua ít nhất từ 4 đến 5 năm.

Ngô biến đổi gene được biết đến cách đây hơn 10 năm, khi chính phủ chính thức đồng ý chủ trương đánh giá về cây trồng biến đổi gene. Chỉ sau 5 năm, năm 2010, 5 giống ngô biến đổi gene của ba Công ty Dekalb Việt nam, Syngenta Việt Nam, Pioneer Hi-Bred Việt Nam bắt đầu được trồng thử nghiệm. Và chỉ mất 3 năm, tháng 3/2013, kết quả khảo nghiệm được công bố, 3 giống ngô chính thức được đưa vào trồng thương mại. Từ tháng 8/2014 - tháng 1/2015, Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện dùng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, cũng như giấy chứng nhận an toàn sinh học cho các giống ngô ấy. Và vụ mùa đầu tiên, 2000 ha ngô biến đổi gene đã được xuống giống tại 8 tỉnh trên cả nước là: Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ, Đắc Lăk, Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang và Đồng Tháp.

Nỗi lo phụ thuộc

Sự có mặt của các giống ngô biến đổi gene đang thách thức các Công ty cung cấp giống ở trong nước. Nhiều công ty đang đứng trước nguy cơ mất hoàn toàn thị phần khi mà các tập đoàn quốc tế triển khai những chiến dịch PR quảng cáo trên quy mô lớn, ở khắp các tỉnh thành. Còn các công ty phân phối giống ở Việt Nam mới chỉ tiếp cận lĩnh vực này trong khoảng 10 năm gần đây. Công ty cổ phần đầu tư phát triển ngô Việt Nam là một ví dụ. Mỗi năm công ty này đang cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn ngô giống, như năm nay, con số ấy chỉ còn 1 nửa. Những vụ mùa tiếp theo là bao nhiêu thì chính ban giám đốc cũng không tiên lượng được. Hiện nay, cả nước có 68 nhà máy sản xuất giống, nhưng số tiền rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài mỗi năm ước tính từ 850 đến 1.000 tỷ đồng. Thực tế ấy khiến cho không chỉ có doanh nghiệp lo ngại mà chính những người nông dân và cả ngành nông nghiệp cũng lo lắng bị rơi vào thế bị động, khi mà các tập đoàn lớn của nước ngoài đã nắm được trong tay việc chi phối thị phần.

Theo tính toán của nhiều chuyên gia, năng suất ngô trung bình hàng năm đạt 4,5 tấn/ha, tổng sản lượng là 5,45 triệu tấn. Nhưng với hoạt động của 230 nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp, doanh nghiệp đang phải bỏ ra 1 tỷ USD để nhập khẩu thêm 4,5 triệu tấn ngô để đáp ứng đủ nhu cầu.

Ngô biến đổi gene được đưa vào canh tác, mặc dù sản lượng đã tăng 55%, nhưng vẫn hụt so với nhu cầu trong nước. Như thế nghĩa là các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải nhập ngô (cả ngô thường và ngô biến đổi gene) từ nước ngoài để chế biến thức ăn chăn nuôi, cộng thêm với đó phải nhập luôn cả ngô giống biến đổi gene. Theo ước tính, thì dù việc nhập ngô hạt giảm xuống, nhưng cộng với tiền nhập giống, thì con số USD chảy ra nước ngoài còn nhiều hơn: có thể lên tới 1,2 tỷ USD. Ngô biến đổi gene là loại ngô vô sinh nên nếu trồng thì người nông dân Việt không còn lựa chọn nào khác là nhập khẩu giống. An ninh lương thực bị phụ thuộc vào giống được cung cấp bởi những ông chủ đang ngồi ở Bắc Kinh rõ ràng là một nỗi lo không hề mơ hồ.

An ninh lương thực bị phụ thuộc vào giống được cung cấp bởi những ông chủ đang ngồi ở Bắc Kinh rõ ràng là một nỗi lo không hề mơ hồ.

An ninh lương thực bị phụ thuộc vào giống được cung cấp bởi những ông chủ đang ngồi ở Bắc Kinh rõ ràng là một nỗi lo không hề mơ hồ.

Một vụ mùa nữa lại sắp tới, ngô biến đổi gene đã được Bộ NN&PTNT khuyến khích đưa vào trồng đại trà, song các cơ quan chức năng và người nông dân vẫn còn bỡ ngỡ trước giống cây mới này. Các nhà khoa học mới chỉ dừng ở mức khuyến cáo. Ngô biến đổi gene, cho đến lúc này, chỉ có thể tạm coi là một trong nhiều giải pháp để phát triển ngành sản xuất ngô trong nước chứ không thể là giải pháp cho ngành nông nghiệp.

Thu Hà

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/trong-ngo-bien-doi-gene-loi-thi-co-loi-p216961.html