Trong-ngoài OPEC không tăng sản lượng dầu: Bẻ gãy cây gậy Mỹ

Như vậy, cây gậy mới của Washington vừa mới được chế tác xong, chưa kịp vung lên đã bị cả đối thủ lẫn đồng minh và đối tác của Mỹ bẻ gãy...

Các nước trong-ngoài OPEC quyết không tăng sản lượng dầu

Ngày 23/9, các nước trong và ngoài OPEC đã họp Ủy ban Giám sát Hỗn hợp lần thứ 10 tại Algeria. Trong khuôn khổ cuộc họp, các nước đã không đạt được bất cứ thỏa thuận nào về tăng sản lượng dầu mỏ thời gian tới.

Các đại biểu tham dự cuộc họp của Ủy ban Giám sát Hỗn hợp lần này đều nhất trí với nhận định rằng giá dầu dao động ở mức 80 USD/thùng như hiện nay sẽ tốt hơn cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalis Al-Falih, nguồn cung dầu không tăng thêm nhưng sẽ được cung cấp đầy đủ trong dài hạn nhờ các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới cam kết thực hiện các “hành động thích hợp”.

Ủy ban Giám sát Hỗn hợp họp lần thứ 10

Còn Bộ trưởng Năng lượng Algeria Mustapha Guitouni thì cho biết, việc tăng sản lượng dầu mỏ không nằm trong chương trình nghị sự cuộc họp của Ủy ban Giám sát Hỗn hợp lần thứ 10 này.

Vấn đề tăng giảm sản lượng sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp của OPEC vào tháng 12 tới, nghĩa là sẽ diễn ra sau khi giai đoạn hai của trừng phạt Mỹ với Iran có hiệu lực, mà theo đó lượng xuất khẩu dầu của Iran sẽ về 0 vào ngày 4/11/2018.

Ủy ban Giám sát Hỗn hợp của các nước trong-ngoài OPEC do Ả-rập Saudi và Nga là đồng Chủ tịch. Ủy ban bao gồm 4 nước thành viên của OPEC là Algeria, Ả-rập Saudi, Kuwait, Venezuela và 2 nước không phải thành viên OPEC là Nga và Oman.

Ủy ban Giám sát Hỗn hợp được thành lập nhằm giám sát việc thực hiện Tuyên bố Algiers ngày 30/9/2016 về cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu/ ngày, duy trì sản lượng trong khoảng 32,5 triệu-33 triệu thùng/ngày của 25 nước trong và ngoài OPEC.

Cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban Giám sát Hỗn hợp diễn ra trong bối cảnh sản lượng dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục vào tháng 8/2018, theo đó lần đầu tiên kể từ năm 1973, Mỹ trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, vượt cả Nga và Ả-rập Saudi.

Theo Chủ tịch Rapidan Energy Group, Bob McNally, thì : “Kỳ tích này chứng tỏ sự bùng nổ dầu đá phiến Mỹ đã định hình lại bức tranh năng lượng thế giới. Đó là cột mốc lịch sử và là lời nhắc nhở: Đừng mất niềm tin vào công nghiệp dầu mỏ của Mỹ”.

Giới chuyên gia về năng lượng cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ khai thác đã giúp Mỹ có được thành tựu này, bởi công nghệ khai thác dầu đá phiến đã mở ra nguồn dầu và khí tự nhiên lớn dưới lòng đất, mà chi phí lại giảm đáng kể.

“Chính điều này đã giúp thay đổi vị thế ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ, giúp cho chúng tôi có đủ sức cạnh tranh”, ông Ben Cook, Giám đốc phụ trách danh mục đầu tư, Hãng quản lý đầu tư năng lượng BP Capital Fund Advisors, nhận định.

Ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ đã tạo ra kỳ tích lịch sử sau 45 năm

Trong cơ chế thị trường tự do, muốn điều tiết hay chi phối thị trường thì phải chiếm lĩnh hay có tiếng nói quyết định trên thị trường, mà để có được điều đó thì phải có sức mạnh. Với thị trường dầu mỏ thì sức mạnh là sản lượng và lợi thế cạnh tranh.

Khi sản lượng dầu đứng đầu thế giới, chi phí khai thác thấp hơn các đối thủ thì sức mạnh và lợi thế cạnh tranh của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ đã được xác lập, qua đó giúp dầu mỏ Mỹ đủ sức thách thức các nước trong-ngoài OPEC.

Cơ chế trong-ngoài OPEC đã bẻ gãy cây gậy mới của Mỹ

Tại cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban Giám sát Hỗn hợp, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất Suhail Mohamed Al Mazroui khẳng định, OPEC không phải là một tổ chức chính trị nên không phải chịu các áp lực chính trị.

Vì vậy, OPEC không có nghĩa vụ phải thực hiện lời kêu tăng sản lượng dầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhiệm vụ hàng đầu của OPEC không phải là thúc đẩy tăng hoặc giảm giá dầu, mà là duy trì thị trường cân bằng và lành mạnh.

Xin nhắc lại, tháng 9/2016, các nước trong-ngoài OPEC đã thống nhất cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô khoảng 1,8 triệu thùng/ngày, nhưng thực tế đã cắt giảm tới 2,8 triệu thùng/ngày.

Chính điều đó khiến cho giá dầu tăng liên tục và tăng ổn định. Hiệu ứng đó trở nên mạnh mẽ hơn vào đầu năm 2018 và tạo ra một xu thế về giá trên thị trường dầu mỏ thế giới là "tăng ổn định - giảm bất thường".

Ngày 29/6/2018, giá dầu thô thế giới đã có phiên tăng thứ tư liên tục, khép lại tuần, tháng, quý và nửa đầu năm 2018 với mức tăng mạnh nhất, đưa giá cả của loại "vàng đen" này lập đỉnh trong 3 hơn năm qua.

Điều đáng nói là giá dầu thô tăng ổn định và lập đỉnh lại không mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn chính trị cho nước Mỹ, cho dù Washington đã bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu sau 40 năm siết chặt.

Nước đi của Tổng thống Putin khiến Tổng thổng Trump chưa thể lấy lại vị thế cho giới tài phiệt Mỹ trên thị trường dầu mỏ toàn cầu

Trước thực tế đó, ngày 1/7, Tổng thống Trump đã cáo buộc OPEC đang thao túng thị trường dầu mỏ thế giới, khiến cho giá dầu liên tục lập đỉnh và nhà lãnh đạo Mỹ đã yêu cầu OPEC phải dừng lại.

Tuy nhiên, lời yêu cầu của vị tổng thống doanh nhân dường như không có nhiều tác hiệu. Bởi OPEC không thể tự điều chỉnh được vì phụ thuộc vào cơ chế trong-ngoài OPEC, mà để vô hiệu cơ chế này thì ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ phải đủ mạnh.

Khi Mỹ có sản lượng khai thác dầu lớn nhất thế giới và có lợi thế cạnh tranh về chi phí sản xuất, từ đó kỳ vọng sẽ tác động vào cơ chế trong ngoài OPEC và qua đó sẽ điều tiết thị trường dầu mỏ thế giới theo ý đồ của Wasshington.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trong-ngoai-opec-khong-tang-san-luong-dau-be-gay-cay-gay-my-3366058/