Trồng nho sạch, hướng làm giàu bền vững

Năm 2003, chàng trai trẻ Đào Xuân Tiệp ở đội 2, thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) hoàn thành nghĩa vụ quân sự và được tuyển dụng vào làm công nhân tại Công ty xuất khẩu nông sản Ninh Thuận. Tuy nhiên, gần chục năm vất vả với tiền lương công nhân thấp và 8 sào đất trồng lúa kém hiệu quả, cho nên năm 2012, anh xin nghỉ việc và quyết định chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, để vươn lên thoát nghèo.

Năm 2003, chàng trai trẻ Đào Xuân Tiệp ở đội 2, thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) hoàn thành nghĩa vụ quân sự và được tuyển dụng vào làm công nhân tại Công ty xuất khẩu nông sản Ninh Thuận. Tuy nhiên, gần chục năm vất vả với tiền lương công nhân thấp và 8 sào đất trồng lúa kém hiệu quả, cho nên năm 2012, anh xin nghỉ việc và quyết định chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, để vươn lên thoát nghèo.

Sau khi bàn chuyện, được gia đình ủng hộ, anh mua thêm 3 sào đất, đồng thời chuyển 8 sào trồng lúa nước sang trồng 1,1 ha cây nho xanh NH 01-48 theo mô hình sản xuất nho sạch (VietGAP). Nhờ học hỏi kinh nghiệm và sáng tạo trong áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, vườn nho sinh trưởng tốt, từng bước mở ra hướng làm giàu bền vững cho gia đình.

Theo anh Tiệp, qua nhiều năm bám đồng ruộng, nhận thấy cây lúa nước không thích hợp vùng đất này, nên một số hộ trong thôn đã chuyển sang trồng nho xanh và đạt hiệu quả kinh tế cao gấp mấy lần so với trồng lúa. Do đó, anh Tiệp quyết định trồng nho xanh NH01-48, tuy nhiên không như các nông dân khác, anh áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh chia sẻ: “Lâu nay, nông dân trồng nho thường thu hoạch mỗi năm ba vụ, nên việc sử dụng phân hóa học là khó tránh khỏi. Nếu khai thác như vậy, cây nho sẽ nhanh lão hóa, khả năng cho quả ít. Việc bón nhiều phân hóa học còn làm cho đất nhanh bạc màu, giảm độ phì và mất an toàn sản phẩm, vì thế khó được thị trường chấp nhận. Qua đúc rút kinh nghiệm, anh Tiệp chỉ thu hoạch mỗi năm hai vụ, nên năng suất đạt từ 3 đến 4 tấn quả/sào/vụ. Không chỉ đạt năng suất cao mà chất lượng quả nho sạch có vị ngọt nhiều hơn so với những vườn nho khai thác ba vụ/năm”.

Năm 2013, sau vụ thu hoạch đầu tiên, anh được trang trại nho Quang Ninh ở TP Phan Rang, Tháp Chàm chọn ký hợp đồng liên kết chỉ bán sản phẩm cho trang trại này, với mức bao tiêu giá thu mua ổn định từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg/vụ (cao gấp 1,5 lần so với những vườn nho không sản xuất theo quy trình VietGAP). Nhờ đó, mỗi năm, 1,1 ha cây nho đã mang lại thu nhập cho gia đình anh hơn 1 tỷ đồng. Đầu năm 2017, anh Tiệp mở rộng diện tích lên 1,6 ha, tạo việc làm cho 40 lao động trong thôn với thu nhập 120 nghìn đồng/người/ngày công chăm sóc nho.

Lý giải vì sao cây nho xanh thích hợp vùng đất nơi đây, anh Tiệp cho biết, cây nho là giống cây ưa nắng, không chịu nước nhiều. Trong khi đó, hầu hết đất sản xuất tại thôn Thành Sơn là loại đất cà giang, nên rất phù hợp để giống nho xanh NH 01-48 phát triển. Quả nho chín ở vùng này thường to và có mầu xanh vàng rất đẹp, cơm dày, mọng nước, ngọt lịm có pha chút vị chua, chát của vỏ nho, nên thị trường rất ưa chuộng.

Từ chỗ dám nghĩ, dám làm và đạt kết quả như mong muốn, nhiều nông dân trong thôn đã tìm đến tham quan vườn nho, học tập kỹ thuật chăm sóc nho sạch của anh Đào Xuân Tiệp. Đến nay, tại thôn Thành Sơn có hơn chục ha trồng nho theo quy trình VietGAP, vươn lên làm giàu trên chính vùng đất trồng lúa kém hiệu quả. Với lợi thế về thổ nhưỡng, xã Xuân Hải đang tiến tới việc phát triển vùng trồng nho sạch lớn của cả tỉnh trong những năm tiếp theo.

NGUYỄN TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/32816602-trong-nho-sach-huong-lam-giau-ben-vung.html