Trong nhóm Big 4, Agribank vẫn đang đứng ngoài cuộc chơi Basel II

Trong nhóm Big 4 vẫn còn Agribank đứng ngoài cuộc chơi Basel II. Và cho đến thời điểm hiện tại chưa có ngân hàng nào công bố hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II.

Việc đầu tư cho Basel II và Basel III cần được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản. Dự kiến lộ trình này sẽ được thực hiện không dưới 8 năm, với một lượng chi phí đáng kể nhưng đổi lại, sẽ mang lại cho các ngân hàng một hiệu quả kinh doanh bền vững.

Với việc đáp ứng chuẩn mực Basel II, những nhà băng mới được công nhận sẽ được một cơ chế “thoáng” hơn về room tín dụng. Cụ thể, tại họp báo đầu năm 2019, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, có thể cho phép mức tăng trưởng tín dụng của những ngân hàng đáp ứng Basel II cao hơn các tổ chức tín dụng khác. Trong khi tăng trưởng tín dụng hiện được xem như một nút thắt trong tăng trưởng và lợi nhuận với nhiều đơn vị hiện nay.

Bởi Basel II là một bộ tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ bao gồm việc lượng hóa rủi ro thông qua các chỉ số và mô hình, mà còn bao gồm việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro, hoàn thiện các chính sách rủi ro, nâng cao văn hóa rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường.

Theo các chuyên gia kinh tế, lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, cải thiện sức đề kháng của ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường. Song, các nhà băng nhỏ rất khó có thể một sớm một chiều đáp ứng được các tiêu chuẩn của Basel II.

Hiện tại, NHNN đã phê duyệt cho 18 ngân hàng được phép áp dụng tiêu chuẩn Basel II trong hoạt động kinh doanh theo Thông tư 41, bao gồm 16 ngân hàng thương mại: Vietcombank, VIB, ACB, MBBank (MBB), Techcombank (TCB), MSB, VPBank (VPB), HDBank (HDB), TPBank (TPB), SeABank, VietCapital Bank, OCB, Vietbank, LPB, NamABank, BIDV (BID) và 2 ngân hàng nước ngoài là Shinhan Bank và Standard Chartered Việt Nam (SCBVL).

Từ năm 2014, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã chủ động xây dựng lộ trình triển khai và áp dụng Basel II đối với hệ thống NHTM, trong đó có việc lựa chọn 10 ngân hàng thương mại thí điểm áp dụng Basel II. 10 cái tên được chọn để thí điểm là những ngân hàng lớn nhất gồm: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Sacombank, MB, Techcombank, ACB, VIB, Hàng Hải (MSB) và VPBank. Nhưng hiện còn Vietinbank, Sacombank chưa áp chuẩn Basel II.

Trước đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, VietinBank đã xin chia cổ tức bằng cổ phiếu trong giai đoạn 2017 - 2020, đồng thời xây dựng phương án tăng vốn và đã được NHNN báo cáo Chính phủ. Trong khi các biện pháp tăng vốn tự có (gồm cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2) đã được VietinBank khai thác tối đa và chạm trần giới hạn theo các quy định của pháp luật. Còn Sacombank đang trong quá trình đẩy mạnh xử lý nợ xấu để tái cơ cấu và có kế hoạch hoàn thành triển khai chuẩn Basel II vào tháng 02/2020.

Có thể thấy trong nhóm Big 4 vẫn còn Agribank đứng ngoài cuộc chơi Basel II. Và cho đến thời điểm hiện tại chưa có ngân hàng nào công bố hoàn thành cả 3 trụ cột của Basel II, đa số chỉ mới hoàn thành được trụ cột 1 (mức độ an toàn vốn tối thiểu) và trụ cột 3 (minh bạch và kỷ luật thị trường).

Chỉ còn 12 ngày nữa kết thúc năm tài chính 2019 và cũng là lúc thời hạn áp dụng của Thông tư 41 có hiệu lực, nhưng toàn hệ thống mới có 16 ngân hàng trong nước và 2 ngân hàng nước ngoài được áp dụng trụ cột 1 của chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế Basel II.

Việc triển khai Basel II được coi là giải pháp tái cơ cấu căn bản có tính đột phá, tạo nền tảng cho sự an toàn, phát triển lành mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Tuy nhiên, để triển khai thành công Basel II, hệ thống ngân hàng Việt Nam đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức cần giải quyết.

Mai An (T/h)

Theo ANTT/NĐT

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/trong-nhom-big-4-agribank-van-dang-dung-ngoai-cuoc-choi-basel-ii-287225.htm