Trọng nông bằng hành động

Trong nhiều lễ hội được tổ chức dịp đầu Xuân, lễ hội Tịch điền (xuống đồng cày ruộng) không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện qua ý nghĩa đề cao tinh thần, tư tưởng trọng nông, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tiếp nối truyền thống, hôm qua (mồng 7 Tháng Giêng), lễ hội Tịch điền- tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành xuống đồng cày ruộng- được huyện Duy Tiên (Hà Nam) tổ chức với đầy đủ các nghi lễ truyền thống...

Trên cánh đồng.

Nhìn lại thì thấy tinh thần, tư tưởng trọng nông, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thời nào cũng được người Việt đề cao, trân trọng. Trong xu thế vận động, phát triển, chúng ta vui mừng khi được chứng kiến những thành tựu, được thấy những tín hiệu đổi thay của nền nông nghiệp nước nhà. Rõ nhất là trên đồng ruộng, máy móc đã dần thay thế con trâu, cái cày. Những khu sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, hiện đại, gắn với chế biến... đã và đang xuất hiện ngày một nhiều, thay thế những thửa ruộng nhỏ lẻ, manh mún vốn gắn liền với những phương thức sản xuất lạc hậu. Sản phẩm nông nghiệp ngày một nhiều hơn, đa dạng hơn, chất lượng hơn; không chỉ được tiêu thụ trong nước mà đang ngày càng còn vươn mạnh, vươn xa ra thế giới.

Thay đổi lớn nhất là sản xuất nông nghiệp giờ đây không chỉ là việc của riêng nhà nông, của các hợp tác xã, các nông trường mà đã và đang có thêm vốn liếng, trí tuệ của doanh nghiệp, trong đó có những tập đoàn kinh tế lớn cùng tham gia đầu tư, chia sẻ lợi ích. Vượt qua nhiều rào cản của thiên tai, biến đổi khí hậu cùng nhiều trở lực khác, năm 2018 ngành nông nghiệp trở thành điểm sáng của nền kinh tế, đạt được những con số rất ấn tượng, trong đó GDP nông - lâm - thủy sản tăng 3,76%, giá trị sản xuất tăng 3,86%; kim ngạch xuất khẩu đạt tới 40,02 tỷ USD...

Vui mừng với những thành tựu, những tín hiệu đổi thay nhưng xã hội vẫn còn đó nhiều nỗi lo, trăn trở về tam nông. Đơn giản, nông nghiệp vẫn còn quá nhiều lực cản phát triển; nông thôn còn rất nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết; đời sống của nhiều gia đình nông dân vẫn còn rất khó khăn...

Lực cản phát triển nông nghiệp hiện nay là gì? Đó là trong khi xác định doanh nghiệp là trung tâm, là động lực để phát triển, hình thành nền nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất tập trung, làm ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ... bằng công nghệ cao, gắn chặt với nhu cầu của thị trường, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu... nhưng đường về nông thôn của các doanh nghiệp lại đang gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở, nhất là những khó khăn đến từ những chính sách về đất đai.

Trên thực tế, để gom được một diện tích đất nông nghiệp đủ lớn để thực hiện một dự án nông nghiệp tập trung là một việc vô cùng khó khăn đối với cả doanh nghiệp và chính quyền các địa phương hiện nay. Nói như một vị lãnh đạo tỉnh Thái Bình thì dù được hô hào, cổ xúy nhưng trên thực tế cho đến nay hành lang pháp lý cho việc thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất chưa hề có...

Chính quyền địa phương lúng túng, vừa làm vừa lo; doanh nghiệp mệt mỏi chờ đợi, trong khi nông nghiệp không phải là lĩnh vực đầu tư sinh lời nhiều, lại phải đối diện với nhiều rủi ro. Điều này phần nào lý giải dẫu đã có nhưng chưa thực sự nhiều doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào các dự án nông nghiệp; lý giải tại sao chưa có nhiều những dự án nông nghiệp tập trung, hiện đại như kỳ vọng. Nhiều căn bệnh trầm kha của sản xuất nông nghiệp như năng suất lao động, hiệu quả kinh tế thấp, sản xuất theo phong trào, phụ thuộc quá nhiều vào phân bón hóa học, thuốc trừ sâu; khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu quá yếu ớt... do vậy chưa được khắc phục.

Ở một diễn biến khác, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thu nhập thấp, bấp bênh dẫn đến việc nhiều hộ nông dân chán ruộng, bỏ đồng; tìm cách “đi làm công ty” hoặc tìm về các đô thị tìm kế mưu sinh mới. Đáng nói hơn, hiện xuất hiện ngày càng nhiều nông dân thay bằng tổ chức sản xuất trên ruộng đất được giao lại có tâm lý giữ đất chờ có dự án để được nhận đền bù.

Xin kể một chuyện, cuối năm ngoái, khi về thăm quê ở xã Yên Khang, huyện Ý Yên (Nam Định), ông Cao Đức Phát- Phó ban Kinh tế Trung ương, người có nhiều năm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tỏ ra rất buồn khi biết đến năm 2018 người dân thôn Mễ Hạ quê ông mới chỉ đạt mức thu nhập bình quân 13 triệu đồng/năm.

Nhân có lãnh đạo tỉnh cùng đi, ông tha thiết đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp về địa phương đầu tư, giúp lao động địa phương có thêm việc làm, nâng cao thu nhập.

Tuy vậy, ông không quên nhắn nhủ người dân quê ông vẫn phải chú trọng phát triển nông nghiệp; gợi ý với đặc điểm đất chua, bị ngập, phải chịu ảnh hưởng của bão gió thì bà con nên thử nghiệm trồng cây ổi vì có đặc điểm dẻo dai, lại đang có thị trường tốt.

“Chúng ta làm lúa rất giỏi rồi nhưng nếu chỉ dừng lại ở trồng lúa thì không thoát nghèo được, như bà con Mễ Hạ giờ thu nhập bình quân đầu người mới được 13 triệu đồng/năm thì thấp quá. Không thay đổi, không chuyển đổi thì con em chúng ta sinh ra, lớn lên lại tiếp tục phải rời bỏ làng quê thôi!”- ông Phát trăn trở.

Trần Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/trong-nong-bang-hanh-dong-tintuc429484