Trồng rừng trên... giấy?

- Hai phố núi đùa?

- Chuyện này UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo đơn vị chức năng tiến hành làm rõ!

- Chuyện như thế nào?

- Mới đây, trong các ngày từ 1 đến 12-3-2018, Sở NN&PTNT phối hợp Sở Tài chính tỉnh Gia Lai, UBND huyện và Hạt KL H. Ia Grai tiến hành kiểm tra tình hình trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng và kiểm tra số liệu quyết toán nguồn vốn đầu tư cho công tác trên tại Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Ia Grai. Qua đó, đã phát hiện nhiều vấn đề kéo dài trong nhiều năm nhưng đơn vị này không báo cáo, xử lý.

- Kéo dài trong nhiều năm đến giờ mới phát hiện, bất bình thường quá!

- Cụ thể, qua các hồ sơ báo cáo và thực tế, trong giai đoạn 2001-2010, BQLRPH Ia Grai triển khai trồng 454,5ha rừng với các loại cây như: Muồng đen, dao đen, keo lá tràm với tổng nguồn vốn hơn 10,5 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn bán gỗ, nguồn ngân sách địa phương đầu tư chăm sóc diện tích 331ha là hơn 4,2 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách T.Ư đầu tư chăm sóc 123,5ha là hơn 6,3 tỷ đồng. Thế nhưng, qua kiểm tra thực tế diện tích rừng trồng thiếu hụt trầm trọng khi chỉ còn 214ha. Diện tích mất là 240,5ha. Như diện tích rừng trồng năm 2002 là 31ha nhưng kiểm tra thực tế chỉ còn 13,7ha, năm 2003 diện tích trồng là 100ha nhưng hiện chỉ còn 43,3ha; năm 2004 trồng 120ha nhưng hiện chỉ còn 33,6ha; năm 2005 diện tích trồng 80ha hiện không còn một héc-ta nào(?). Duy chỉ còn diện tích rừng trồng (keo lá tràm) năm 2010 với 123,5ha vẫn còn nguyên.

- Như vậy là mất cả đất rừng lẫn cây rừng trồng?

- Chưa kể, diện tích rừng trồng năm 2010 dù vẫn còn 123,5ha nhưng mật độ cây trồng chỉ còn 40-50 cây/ha. Chứng tỏ việc trồng rừng không mang lại hiệu quả mấy!

- Nguyên nhân mất vì đâu?

- Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra thì hiện trạng diện tích rừng bị mất nguyên nhân là do người dân lấn chiếm làm nương rẫy để trồng cây điều, mỳ... Thế nhưng, việc lấn chiếm diễn ra trong thời gian dài nhưng BQLRPH Ia Grai không thống kê và báo cáo.

- Rõ ràng việc trồng rừng cũng như chăm sóc rừng kéo dài qua vài năm mới được nghiệm thu chứ?

- Thì đó, đối với diện tích rừng trồng giai đoạn năm 2002-2005 sau khi trồng, BQLRPH Ia Grai nhận thêm được nguồn vốn chăm sóc từ năm thứ 1 đến năm thứ 4 với tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng trong hơn 4,2 tỷ đồng tổng nguồn vốn. Số tiền chăm sóc này được thanh toán sau khi được nghiệm thu qua mỗi năm. Thế nhưng, không hiểu lý do vì đâu cả diện tích cũng như cây rừng được trồng bị mất vẫn được thanh quyết toán hằng năm? Liệu có phải trồng trên giấy, nghiệm thu trên giấy? UBND tỉnh Gia Lai đã giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Thanh tra tỉnh làm rõ vụ việc cũng như trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan qua từng thời kỳ và đề xuất biện pháp xử lý cụ thể.

- Phải xử lý chứ, nếu không phát hiện sớm e còn "mất" nữa!

Bề Tui

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/143_181798_trong-rung-tren-giay-.aspx