Trồng sắn bằng giống trôi nổi, nông dân đối mặt bệnh chưa có thuốc trị

Người trồng ở sắn ở Gia Lai đang phải đối mặt với dịch bệnh khảm lá sắn. Nguy cơ bệnh có thể lây lan trên diện rộng nếu không được kiểm soát tốt.

Gia đình ông Phan Văn Quang, thôn Yên Phú 2, xã Chrô Pơnan, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai có 3ha trồng sắn.

Những năm trước, ông trồng giống có sẵn ở địa phương, cây phát triển bình thường. Tuy nhiên, năm nay ông chuyển sang trồng giống sắn cao sản thì toàn bộ diện tích đã bị nhiễm bệnh khảm lá.

Lá sắn xoăn vàng loang lổ, cây gần như ngừng tăng trưởng, nhưng ông không nỡ phá bỏ, mà hy vọng thu được chừng nào hay chừng ấy.

Cây sắn bị bệnh khảm lá.

Sử dụng giống sắn mới, nhưng phần lớn nông dân Gia Lai mua từ nguồn trôi nổi trên thị trường.

Theo ông Đỗ Hoàng Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tul, huyện Ia Pa, đây rất có thể là nguyên nhân khiến bệnh khảm lá sắn lây lan ở xã.

“Những hộ này thiếu cây giống, không chủ động được nguồn nên vào tháng 4, tháng 5 mới mua từ những chiếc xe chở sắn bán trên đường về trồng dẫn đến sắn bị bệnh khảm lá. Với những hộ trồng giống cũ thì không bị bệnh này”.

Sắn bị bệnh nguy hiểm, nhưng với tâm lý vớt vát được chừng nào hay chừng ấy nên hầu hết hộ dân có diện tích bị nhiễm bệnh đều để lại vườn cây, không tiêu hủy như khuyến cáo của ngành chức năng. Từ đó, khiến bệnh có điều kiện lây lan rộng hơn.

Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phú Thiện cho biết: “Huyện đã yêu cầu tăng cường cũng như chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ tổ chức tiêu hủy đối với diện tích sắn bị nhiễm bệnh. Đồng thời chỉ đạo các địa phương cân đối nguồn ngân sách dự phòng để thực hiện việc hỗ trợ cho người dân theo quy định”.

Bệnh khảm lá nguy hiểm nhưng lại chưa có thuốc đặc trị và diện tích đang tăng nhanh tại Gia Lai.

Theo ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có khoảng 130 ha sắn nhiễm bệnh khảm lá virus. Tuy nhiên, đây là bệnh mới được phát hiện trong mùa vụ năm 2018, tốc độ lan truyền bệnh nhanh, chưa có thuốc đặc trị nên nguy cơ bùng phát trên diện rộng là rất lớn. Do đó cùng với tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng giống trôi nổi, Gia Lai đang tích cực thực hiện các giải pháp ngăn chặn sự lây lan:

“Các huyện cũng đang tiến hành trị bệnh khảm lá virus trên cây sắn, sau khi thành lập ban chỉ đạo thì phân công, giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm từng cơ quan, kết hợp với các xã bị nhiễm xây dựng kế hoạch. Phấn đấu đến 30/10 xử lý hết diện tích còn lại là hơn 100ha. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương làm tốt công tác kiểm dịch thực vật đối với các giống từ tỉnh khác đưa vào để ngăn chặn lây lan”.

Gia Lai là tỉnh thứ 11 trong cả nước phát hiện bệnh khảm lá virus trên cây sắn. Bệnh đã bắt đầu gây thiệt hại nặng cho một số diện tích của nông dân. Tuy nhiên, công tác xử lý bệnh vẫn diễn ra khá chậm, trong khi diện tích nhiễm bệnh đang có chiều hướng gia tăng và có nguy cơ lây lan trên diện rộng./.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/trong-san-bang-giong-troi-noi-nong-dan-doi-mat-benh-chua-co-thuoc-tri-828718.vov