Trọng tài Việt Nam 2020: Chất lượng cần được nâng cao

Việc giám sát trọng tài Đặng Thanh Hạ được FIFA mời sang UAE học khóa Futuro để trở thành giám sát trọng tài cấp FIFA là một tin vui với bóng đá Việt Nam, trong bối cảnh chất lượng chung của đội ngũ trọng tài, giám sát đang có dấu hiệu đi xuống.

Đặc biệt là sau khi 10 trọng tài và trợ lý bị loại khỏi danh sách làm nhiệm vụ năm 2020 vì không thể vượt qua kỳ kiểm tra thể lực, câu hỏi về khả năng đáp ứng nhiệm vụ của đội ngũ cầm còi lại được đặt ra.

Ông Đặng Thanh Hạ là ai?

Trước khi trở thành giám sát trọng tài hàng đầu Việt Nam, ông Đặng Thanh Hạ từng trải qua một thời gian dài cầm còi ở V-League. Trong giai đoạn làm công tác trọng tài, ông Hạ từng được đánh giá rất cao, một trong những người có chứng chỉ FIFA hiếm hoi thời điểm cách đây khoảng 15 năm nhưng cũng có những sai lầm đáng nhớ.

Tháng 9-2005, ông Hạ bị Thường trực VFF xóa khỏi danh sách trọng tài và trợ lý cấp FIFA năm 2006 do những sai lầm đặc biệt nghiêm trọng khi làm nhiệm vụ tại V-League 2005. Đỉnh điểm việc khi bỏ qua quả phạt đền ở trận giữa CLB LG Hà Nội ACB và CLB Thép Miền Nam- Cảng Sài Gòn.

Vụ việc đã khiến cho lãnh đạo LG Hà Nội ACB rất phẫn nộ. Ngoài khiếu nại quả 11 mét mà theo đội LG Hà Nội ACB phải được hưởng, lãnh đạo đội bóng này còn kiện trường hợp thay trọng tài dù có nhiều thông tin nói rằng giữa hai hiệp đấu, chính bầu Kiên đã vào tận phòng trọng tài, giám sát gây áp lực và đề nghị thay trọng tài.

Khi đã trở thành giám sát, ông Đặng Thanh Hạ cũng để lại một số tai tiếng. Đấy là thời điểm năm 2012, khi ông Hạ vừa nhận tiền làm nhiệm vụ ở giải hạng Nhất, vừa nhận tiền làm nhiệm vụ tại giải hạng Nhì, trong cùng một thời điểm, với số tiền mà ông Hạ nhận chưa đúng theo tiết lộ của Trưởng ban Trọng tài Dương Vũ Lâm khi đó là 24 triệu đồng.

Trên thực tế, một giám sát trọng tài không thể cùng làm nhiệm vụ ở hai giải đấu khác nhau, trong cùng một thời điểm. Vì thế giám sát trọng tài Đặng Thanh Hạ có nhiệm vụ phải hoàn trả số tiền trên, cũng như chịu hình thức kỷ luật của Ban Trọng tài và của VFF.

Theo tường trình của ông Hạ với Ban Trọng tài, ông Hạ nhận khuyết điểm là vô ý tính sai thời điểm thanh toán chế độ, cũng như tự đề xuất mức nhận kỷ luật là nghỉ làm nhiệm vụ 4 trận ở mùa giải năm 2013.

Ông Đặng Thanh Hạ, người sắp trở thành giám sát FIFA.

Bất chấp những vụ lùm xùm đó, ông Đặng Thanh Hạ vẫn được đánh giá cao về mặt chuyên môn và kinh nghiệm. Năm 2012, ông cùng với 3 người ông Lương Thế Tài (Giám sát trận đấu), ông Phạm Trung (Phó phòng Điều hành trọng tài - Liên đoàn Bóng đá VN), bà Huỳnh Thị Phụng Tiên (Giám sát trọng tài) được VFF cử sang tham dự khóa học giảng viên kỹ thuật trọng tài và giảng viên thể lực trọng tài do Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) tổ chức tại Kuala Lumpur - Malaysia (Futuro 3).

Trước khi được Ban Trọng tài đề xuất lên Ban Chấp hành VFF khóa VIII xin bổ sung đầu năm 2019, ông Đặng Thanh Hạ là chuyên viên Phòng Huấn luyện- đào tạo Trung tâm Thể dục- thể thao Gia Lai.

Với năng lực chuyên môn của mình, ông Đặng Thanh Hạ được xem là một trong những người nắm vững luật nhất ở Việt Nam.

Hôm 7/2 vừa rồi, trong buổi gặp gỡ báo chí, tập huấn truyền thông về các quy định mới trong Luật Bóng đá của FIFA, ông Hạ cũng là người thay mặt cho Ban Trọng tài VFF phổ biến với truyền thông về những luật mới được FIFA thay đổi và sẽ áp dụng với bóng đá Việt Nam từ mùa giải 2020.

Nếu trở thành giám sát trọng tài cấp FIFA, ông Hạ sẽ là người thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á đạt được “chuẩn này”. Như vậy trong Ủy ban Trọng tài VFF sẽ toàn là người có chuyên môn đã được thừa nhận: Ông Võ Minh Trí – trọng tài cấp FIFA, ông Đặng Thanh Hạ - giám sát cấp FIFA, ông Lương Thế Tài – trọng tài Việt Nam duy nhất từng bắt một trận chung kết bóng đá SEA Games (SEA Games 21 trận Thái Lan – Malaysia) và cuối cùng là Trưởng ban Dương Văn Hiền - trọng tài Việt Nam làm nhiệm vụ có điểm số trung bình cao nhất do AFC chấm: 8.5.

Trọng tài Ngô Duy Lân, người đẳng cấp cao nhất trong số các “ông vua áo đen” ở V.League 2020.

Nỗi lo đẳng cấp

Những người nằm trong Ủy ban Trọng tài có chuyên môn cao là tin vui với bóng đá Việt Nam, nhưng trên thực tế, chính đội ngũ trực tiếp điều khiển trận đấu mới là những cái tên nhận được sự quan tâm của truyền thông và dư luận, đặc biệt là sau khi 10 trọng tài và giám sát không vượt qua bài test thể lực trước mùa giải mới.

Cụ thể, theo danh sách trọng tài cấp FIFA vừa công bố ở môn bóng đá nam, Việt Nam chỉ còn 2 người. Đó là ông Hoàng Ngọc Hà và Ngô Duy Lân, trong đó trọng tài FIFA Ngô Duy Lân đạt đẳng cấp Elite, cấp cao nhất trong hệ thống. Con số này là thấp so với các giải Vô địch quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia.

Năm 2020 là lần đầu tiên trọng tài Ngô Duy Lân làm nhiệm vụ với cấp bậc mới bởi vừa cuối tháng 7-2019, trọng tài này vượt qua các bài thi của Ban Trọng tài Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC).

So với năm 2019, trọng tài cấp FIFA Việt Nam giảm từ 5 người xuống còn 2 người. Ông Trương Hồng Vũ dính án kỷ luật vì sai lầm “bẻ còi” nghiêm trọng ở trận đấu giữa Viettel và Bình Dương mùa trước. Ông Nguyễn Hiền Triết vừa trượt bài kiểm tra thể lực mới đây còn ông Trần Đình Thịnh (người cũng bị treo còi vì sai lầm ở trận Viettel – Hà Nội mùa 2019) vắng mặt trong danh sách.

Số lượng trọng tài FIFA ít nên không có gì lạ nếu như các trọng tài Việt Nam thường xuyên vắng mặt ở các giải đấu cấp châu lục như Vòng chung kết U23 châu Á hoặc các cấp độ tương tự, bởi đó là nơi của những trọng tài FIFA cấp Elite.

Trọng tài FIFA thường chỉ thổi các trận giao hữu quốc tế trong khu vực. Với tư cách là trọng tài mới đạt chuẩn Elite, ông Ngô Duy Lân sẽ được cân nhắc để bắt đầu thổi các giải quốc tế từ Vòng chung kết U16 châu Á 2020.

Sự vắng mặt của các trọng tài đẳng cấp FIFA thực sự là vấn đề đau đầu với Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền. "Đúng là điều này đáng báo động khi các trọng tài FIFA lần lượt không tiếp tục làm nhiệm vụ vì nhiều nguyên nhân.

Một số trọng tài dày dạn kinh nghiệm, từng là trọng tài FIFA lại không đảm bảo thể lực, chuyên môn. Ban Trọng tài phải đẩy nhanh việc đào tạo trọng tài trẻ, mở lớp đào tạo tài năng để bổ sung làm trọng tài quốc tế", ông Hiền cho biết.

Rõ ràng việc chỉ những nhân vật trong Ủy ban Trọng tài có đẳng cấp cao thôi là chưa đủ. Các “tướng” giỏi đến đâu mà “quân” kém thì cũng khó làm nên chuyện. Đặc biệt là trong bối cảnh V-League, nơi tính chuyên nghiệp vẫn chưa phải là chuẩn.

Việc lười học luật khiến cho cầu thủ Việt Nam thường xuyên mắc những sai lầm ngớ ngẩn. Bên cạnh đó, cầu thủ đến ban huấn luyện, lãnh đạo đội bóng luôn có những phản ứng tiêu cực, phản cảm với các trọng tài trong nhiều tình huống.

Kém cả Lào và Campuchia

Lào và Campuchia đều có 3 trọng tài cấp FIFA ở mỗi nước. Trong đó, bóng đá Lào có 5 trợ lý nam và 1 trợ lý nữ đạt chuẩn FIFA. Bóng đá Campuchia cũng có 5 trợ lý trọng tài nam

Ba nước Indonesia, Malaysia và Singapore đều có 5 trọng tài môn bóng đá nam đạt chuẩn FIFA. Thái Lan có đến 6 trọng tài nam và 2 trọng tài nữ, 8 trợ lý trọng tài nam và 3 trợ lý trọng tài nữ đạt chuẩn FIFA. So với Việt Nam chỉ có 2 trọng tài nam, 3 nữ trọng tài và 7 trợ lý nam cùng 3 trợ lý nữ đạt chuẩn FIFA.

Đứng trước thực trạng này, lần đầu tiên sẽ có lớp đào tạo đặc biệt dành cho lứa trọng tài trẻ có triển vọng do Ban Trọng tài VFF mở. Những trọng tài này sẽ được tập riêng, bồi dưỡng định kỳ để Ban Trọng tài đề xuất làm nhiệm vụ và đánh giá năng lực.

Qua nhiều lần sàng lọc, Ban Trọng tài VFF hy vọng sẽ có khoảng 30% học viên đủ khả năng làm nghề ở cấp độ cao nhất. Những trọng tài trẻ có năng lực sẽ được VFF gửi sang Học viện Trọng tài AFC ở Malaysia để trau dồi thêm kiến thức.

Để đào tạo được một trọng tài FIFA mất rất nhiều thời gian cùng những yêu cầu khắt khe về chuyên môn. Trọng tài Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá có khả năng và nhanh nhạy, nhưng lại kém về ngoại ngữ nên khó có thể vượt qua những bài kiểm tra kiến thức bằng tiếng Anh. Việc đào tạo một cách bài bản mọi mặt cho các trọng tài trẻ là nhiệm vụ không hề đơn giản của VFF.

Hiện tại các đội bóng vẫn được nghỉ do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp do virus corona, nhưng đây lại là giai đoạn bận rộn của Ban Trọng tài VFF.

Ông Dương Văn Hiền - Trưởng ban Trọng tài VFF cho biết FIFA áp dụng Luật Bóng đá mới với nhiều thay đổi rất tích cực, công bằng từ tháng 8/2019. Tuy nhiên, do thời điểm này V-League 2019 đang diễn ra nên bóng đá Việt Nam không thể áp dụng. Ban Trọng tài VFF thời điểm này đang phải đi đến các câu lạc bộ trên cả nước để tiến hành tập huấn, phổ biến Luật Bóng đá mới của FIFA.

Đơn Ca

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/giai-tri-the-thao/trong-tai-viet-nam-2020-chat-luong-can-duoc-nang-cao-581520/