Trọng Tấn xây nhà với 30 triệu

TP - Ca sĩ xứ Thanh, một thân một mình ra Thủ đô lập nghiệp. Khởi đầu bằng mức sống “dưới mức nghèo khó”, Trọng Tấn bây giờ có nhà đẹp, xe đẹp và đủ điều kiện để lập cả một phòng thu riêng. Bí quyết làm giàu của anh gói gọn trong mấy chữ: chi tiêu hợp lý!

So với những ca sĩ cùng lứa, anh có vẻ sớm ổn định cuộc sống hơn. Khán giả rất tò mò về câu chuyện làm giàu của anh, vì qua các phương tiện thông tin đại chúng, họ cũng biết gia đình anh vốn không phải hàng đại gia? Nếu không muốn nói là nghèo. Bố mẹ tôi về mất sức sớm, chỉ đủ chu cấp tối thiểu cho tôi đi học. Sau đó là tự bơi. Đến lúc kiếm được thì quay lại giúp gia đình và các em. Bằng tiền cat xê đi hát? Tất nhiên. Kể từ khi tôi vô danh, đi hát phòng trà đã có ý thức phải dành dụm. Con nhà khó mà. Ăn hôm nay luôn phải nghĩ đến ngày mai. Trong bao lâu thì anh dành được “một món kha khá”? Khoảng sau năm 1997, khi tôi được giải giọng hát hay Hà Nội, có một món tiền thưởng, nhưng chả đáng bao nhiêu. Lúc ấy còn hồn nhiên lấy cả nhẫn của người yêu đi bán, thêm thắt vào mua được cái xe 82, nhưng vẫn phải nợ một nửa. Sau đó, công việc đều hơn, tôi trả hết nợ. Còn dành được 30 triệu đi gửi tiết kiệm. Thấy to lắm rồi. Lúc ấy đâu có dám nghĩ đến chuyện mua nhà. Nếu show diễn đều thì từ 30 triệu thành 300 triệu cũng không lâu? Tôi nghĩ là rất lâu. Vì dù sao cũng là ca sĩ mới vào nghề. Tôi lại chủ yếu hát nhạc đỏ, không có nhiều cơ hội để chọn lựa. Cho nên lúc cầm trong tay 190 triệu người yêu tôi khuyên nên mua đất, để tiền cũng chả làm gì. Thế là chúng tôi đi tìm đất, chỉ dám ra những vùng ven ven như Nghĩa Đô, Phú Thượng. Sau về Kim Giang, chỉ định mua đúng mảnh đất vừa với số tiền mình có, nhưng bà chủ nhận ra Trọng Tấn, với lại mảnh đất quá đẹp. Tôi lại tặc lưỡi đi vay tiền. Đối với đa số đàn ông, khi có một mảnh đất, xây xong một ngôi nhà, họ cảm thấy tự tin hơn, như là hoàn thành một nghĩa vụ. Anh có cảm giác ấy không? Có. Tôi thấy nhẹ nhõm hẳn, nghĩ đến viễn cảnh không phải đi ở nhà thuê nữa, nó rất khó tả. Mặc dù cả giai đoạn sau lúc nào đầu óc cũng phải nghĩ đến chuyện trả nợ, nhưng tôi cảm giác như mình vững vàng hơn nhiều. “An cư mới lạc nghiệp” các cụ nói rất đúng. Bao lâu sau thì anh xây nhà? Sau khi trả hết nợ và có số dư là 30 triệu. Cũng lại chỉ định làm cái nhà tạm để giữ đất. Sau đó nghĩ, đến lúc mình xây nhà chắc chắn phải đập cái nhà này đi, phí. Thế là đầu tư làm cái móng thật tốt. Lúc ấy nguyên vật liệu còn rẻ. Làm móng xong vẫn thừa ít tiền. Tặc lưỡi, thôi thì xây thô một tầng để ở tạm. Cùng thời gian đó, tôi vẫn đi diễn đều đều. Xây thô xong, lại có một ít tiền. Bàn với người yêu, thôi cứ đổ tầng một cho chắc. Rồi cứ thế, xây lên tầng hai, tầng ba, tầng bốn. Rồi trát, rồi hoàn thiện. Tình cảnh Trọng Tấn đi kéo cày trả nợ vôi, cát, xi măng khi đó nổi tiếng đến nỗi tôi hát ở chương trình nào xong các anh (chị) bầu cũng hỏi: hôm nay thêm được bao nhiêu gạch, mấy tạ xi? (Cười). Khi phỏng vấn tất cả các ca sĩ hát thính phòng, tôi đều được nghe họ kể: đeo đuổi con đường này không giàu được, nhưng Trọng Tấn lại giàu? Tôi chưa giàu. Gọi là đủ ăn đủ tiêu. Với lại chuyện giàu nghèo mỗi người một tiêu chuẩn, rất khó để tìm ra định mức chung. Tôi sống giản dị, không bar, không đi nhảy, không xài đồ hiệu từ đầu đến chân, không la cà quán xá, nếu có để dành được một chút để xây nhà, mua xe thì cũng là bình thường. Có vẻ như ám ảnh về quãng thời gian nghèo khổ vẫn không buông tha anh, nó buộc anh phải ăn tiêu chừng mực? Tính tôi vậy chứ không phải cố gắng để tiết kiệm. Hàng hiệu thì cũng hấp dẫn đấy nhưng vóc dáng tôi lại chỉ diện đồ may đo mới ổn. Với lại, tôi luôn nghĩ rằng giá trị thực của cuộc sống không phải nằm ở những thứ bóng bẩy bề ngoài như thế. Kể cả sau này, khi việc kiếm tiền dễ dàng hơn, khán giả vẫn thấy anh rất giản dị, ít tụ tập, ít xuất hiện ở những đám đông? Tôi thích không khí gia đình nên hay ở nhà. Tiếp khách cũng thích ở nhà. Quần áo vẫn trung thành may ở một tiệm quen. Vợ vẫn là người chọn vải và kiếm mẫu. Toàn của nhà trồng được. Những niềm vui mà tiền bạc mang lại cho anh? Có thể giúp đỡ người thân cải thiện cuộc sống. Có thể làm những gì mình thích. Có thể lo cho con cái đầy đủ. Nhưng mà niềm vui lớn nhất và xúc động nhất có lẽ vẫn là khi tôi mua được cái xe máy đầu tiên và mảnh đất để làm nhà. Cái xe ấy giờ đã cũ, nhưng tôi không bán, để cho bố vợ đi, như là một kỷ niệm. Sau cái xe máy đó, anh lên đời ô tô, trong khi vào thời điểm đó rất ít người dám chơi sang như vậy? Ôi, đó chỉ là một cái ô tô cũ, của hãng taxi thải ra. Tôi mua về, mông má lại rồi đi. Nhưng mà trả giá lắm, nhiều lần phải gọi điện cho bạn mang xe đến kéo về. Tại sao nhất thiết phải là ô tô, nếu mình chưa đủ tiền thì cũng có thể… nhịn, như là anh nhịn đồ hiệu vậy? Tôi nghĩ ô tô đơn thuần chỉ là một phương tiện thôi. Với người ca sĩ, nó đặc biệt cần. Từ ngày đi ô tô họng tôi đỡ hẳn. Dù cũ nhưng nó vẫn che được gió, bụi, tiếng ồn… Tôi nghĩ, với một người ưa ăn chắc mặc bền, họ sẽ phải chọn một cái ô tô mới, để yên tâm không mất tiền chữa oan, và nếu muốn bán cũng đỡ lỗ? Vì lúc đó tôi nghèo. Với lại đã mua một cái xe rẻ đến mức kịch trần thì lại ít lỗ. Đi một hai năm bán vẫn chẳng xuống giá. Trong khi xe mới, nếu bạn không xác định gắn bó lâu dài, vừa lấy ra khỏi xưởng là mất hàng nghìn đô rồi. Xe bây giờ anh đang đi? Một con Altis “nồi đồng cối đá”. Đến cái này mới được đứng tên chính chủ đấy. Khả năng làm chủ tay lái của anh thế nào? Ngon lành. Có khi tôi đi còn nhiều hơn cả lái xe taxi. Thời gian của tôi chủ yếu ngồi trên xe di chuyển mà. Hết tỉnh này đến tỉnh kia. Trước toàn tự lái, gần đây mới thuê lái riêng mỗi lúc đi diễn xa. Thân lập thân với 180 ngàn đồng mỗi tháng Giữa những năm 90, khi Trọng Tấn vào học Trung cấp thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội bố mẹ anh chỉ chu cấp được cho con trai 180 đồng/ tháng. Tấn hòa nhập với cuộc sống đắt đỏ ở Thủ đô bằng cách tự đi chợ nấu cơm để tiết kiệm chi phí. Phòng có gần chục đàn ông góp gạo thổi cơm chung. Đang tuổi ăn tuổi lớn mà cứ phải bóp mồm bóp miệng. Tấn khéo tay, được giao làm đầu bếp chính, và anh có toàn quyền sai phái người này nhặt rau, người kia nhóm bếp. Cuối tháng là thời gian cả phòng sợ nhất. “Anh nuôi” Trọng Tấn phòng xa đã phải đong gạo đầy thùng trước cả tuần. Những bữa cơm ngày “giáp hạt” chủ yếu ăn cho no bụng. Để lùa trôi bát cơm gạo hẩm những ngày nóng, Tấn sáng kiến úp thêm một hai gói mì tôm lấy nước chan cho dễ nuốt. Khi gạo cạn thì nấu cháo. Trong lúc Tấn hì hục tra tra, nếm nếm, một “nhân” trong phòng phải trổ hết tài miệng lưỡi sang phòng nữ xin tí dầu ăn về đổ vào nồi cháo cho có màu mè. Học đến năm thứ hai thì Tấn bắt đầu đi hát phòng trà để cải thiện thu nhập. Thù lao cho sinh viên chả đáng là bao, nhưng cũng bù được những bữa cơm toàn… cơm thêm mớ rau, con cá khô. Đạt Nhi

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=174334&channelid=7