Trong 'Tây Du Ký', tại sao Đường Tăng không tin lời Tôn Ngộ Không?

Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại với cân đẩu vân và 72 phép biến hóa có thể đánh bại mọi yêu quái cản đường thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh.

Là đệ tử đầu tiên của Đường Tăng, Tôn Ngộ Không luôn hết lòng chăm lo cho sự an toàn của sư phụ, không ngại núi đao biển lửa. Thế nhưng, trong lần gặp nạn khi 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh, Đường Tăng lại không tin Tôn Ngộ Không mà còn đuổi đại đồ đệ đi. Rất nhiều người xem xong đoạn này, đều cảm thấy bất bình thay Tôn Ngộ Không. Họ cảm thấy Đường Tăng thật cố chấp, Bát Giới tầm nhìn hạn hẹp, còn Sa Tăng lại quá lạnh nhạt.

Thầy trò Đường Tăng trong "Tây Du Ký" phiên bản 1986.

Thầy trò Đường Tăng trong "Tây Du Ký" phiên bản 1986.

Tại sao Đường Tăng thà tin người ngoài, mà không chịu tin Tôn Ngộ Không? Ngay từ những ngày đầu rời núi Ngũ hành sơn, Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đi thỉnh kinh, đại đồ đệ đã giết hổ, đánh chết 6 tên cướp. Việc này đã in dấu vào tâm trí của Đường Tăng và cho rằng Tôn Ngộ Không vẫn còn tính sát sinh trong người. Chính vì vậy, khi gặp nạn ba lần đánh chết Bạch Cốt Tinh giả dạng, Ngộ Không bị Đường Tăng 3 lần đuổi đi.

Khi đó, Đường Tăng và hai đồ đệ là Bát Giới và Sa Tăng chỉ nhìn thấy "ba người" bị Tôn Ngộ Không giết chết, mà không biết rằng đó là yêu quái biến thành. Họ không suy nghĩ kỹ, phân tích sự việc, nhìn vào sự thật vấn đề.

Khi Bạch Cốt Tinh biến thành người, trông vẻ ngoài xinh đẹp lại dịu dàng, nhân hậu, và lương thiện. Ngay cả Đường Tăng còn nghĩ rằng, một cô gái tốt bụng thế này sao lại ở nơi hoang vắng, mà không nghĩ người phụ nữ đó lại là yêu tinh. Lúc đó, sư đồ 3 người đã đói rã rời, Bạch Cốt Tinh chỉ cần vung tay biến một cái là biến ra một bữa cơm ngon, còn dịu dàng, ân cần mời 3 người ăn cơm. Khi đó 3 người chỉ nhận định cô gái trước mặt là người tốt, còn năng lực phán đoán sớm đã mất từ lâu.

Thế nên khi nhìn thấy Tôn Ngộ Không 3 lần đánh chết Bạch Cốt Tinh, bọn họ không khen ngợi mà ngược lại còn trách cứ. Đường Tăng thậm chí còn nghe theo lời xúi giục của Bát Giới mà niệm chú vòng kim cô.

Trong "Tây Du Kí", Bạch Cốt Tinh không có vũ khí lợi hại như nhiều yêu tinh khác, hơn nữa phép thuật lại không cao. Thế nhưng, cô ta dùng chiêu "lấy lòng", khiến Đường Tăng tin tưởng, từ đó ly gián thầy trò Đường Tăng. Đa số mọi người đều thường sẽ có tâm lí đồng cảm cho những người yếu đuối, và Đường Tăng cũng không ngoại lệ. Khi nhìn thấy dáng vẻ yếu đuối, đáng thương, lại dịu dàng, lương thiện do Bạch Cốt Tinh biến thành, Đường Tăng đã không do dự lựa chọn tin vào đôi mắt mình, cộng với ấn tượng giết người trong quá khứ của Tôn Ngộ Không mà không suy nghĩ đến lòng trung thành của đại đồ đệ.

Trong cuộc sống, người tốt thường hay thẳng tính, nói ít làm nhiều, không thích ba hoa, hai lời, cũng không hay giải thích nhiều với người khác. Còn người xấu lại thường hay ngược lại, thích tâng bốc, nịnh nọt, hay dùng lời nói hoa mĩ để che đậy tâm địa xấu xa của mình. Thế nên, nếu nhìn người chỉ nhìn bề ngoài mà không chịu suy xét, sẽ rất dễ khiến ta kết nhầm bạn, trách nhầm người, tin nhầm tiểu nhân, mà xa lánh người tốt.

Theo Hoàng Anh/Bảo Vệ Công Lý

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/trong-tay-du-ky-tai-sao-duong-tang-khong-tin-loi-ton-ngo-khong-1759249.html