Trồng thảo dược để làm mới cánh đồng cũ

Cách dòng sông Luộc không xa, 20 ha đất canh tác của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng đã dần được phủ kín bởi đinh lăng, ngâu, cà gai leo… và bắt đầu mang hình hài một vùng dược liệu trù phú, đúng với những điều mà 2 doanh nhân Vũ Hòa và Lê Ngọc Huê, đồng sáng lập Công ty hằng ấp ủ.

Làm mới cánh đồng cũ

Trên đường về thăm trang trại trồng thảo dược nằm tại xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ, Thái Bình), anh Vũ Hòa, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng (Công ty cổ phần Thái Hưng) chia sẻ về mối lương duyên đã đưa anh về tận Thái Bình hợp tác đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thảo dược. Sinh năm 1973 tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, anh Hòa đi làm cho nhiều doanh nghiệp. Với con mắt của người nhiều năm làm kinh doanh, anh sớm nhận thấy xu hướng dùng các sản phẩm thảo dược đang phát triển mạnh và người Việt đang phải chi trả giá cao cho các sản phẩm thảo dược nhập khẩu.

Doanh nhân Vũ Hòa (bên phải) và doanh nhân Lê Ngọc Huê

Thực tế là nhiều nước không có thế mạnh về nguồn dược liệu như Việt Nam, nhưng từ nguồn nguyên liệu thô nhập về, họ đã biết nâng tầm giá trị bằng những sản phẩm tiêu dùng như trà, cao, tinh dầu, thực phẩm chức năng… Trong khi đó, Việt Nam luôn sẵn có các loại thảo dược tốt cho sức khỏe, chúng lại dễ sống và hầu như không có sâu bệnh. “Tôi luôn tự hỏi làm sao để quy hoạch được các vùng nguyên liệu tiêu chuẩn, sau đó tiến hành sản xuất, tinh chế ra các sản phẩm thảo dược hữu ích”, anh Hòa cởi mở.

Nỗi trăn trở của anh Hòa đã tìm được lời giải khi anh gặp Lê Ngọc Huê, chàng thanh niên 8X sinh ra và lớn lên trên quê lúa Thái Bình. “Với những người mới khởi nghiệp, có ý tưởng đúng đã là thành công, nhưng quan trọng hơn cả là hợp tác đúng người. Tôi đã may mắn gặp Huê và chúng tôi đã có hàng giờ bàn tính để thực hiện ý tưởng. Mỗi người một ý, nhưng đầy hào hứng và say mê. Đến khi bắt tay làm, lại cùng mày mò, vừa làm vừa gỡ khó”, anh Hòa kể lại.

Năm 2013, Công ty cổ phần Thái Hưng chính thức ra đời. Cùng với việc ký kết thu mua nguyên liệu thảo dược sạch từ nhiều địa phương, Công ty bắt tay vào tập trung quỹ đất để hình thành vùng nguyên liệu cho mình. “May mắn là chủ trương tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp tập trung được triển khai rất tốt tại Thái Bình. Các hộ dân đã tích cực dồn điền, đổi thửa để chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung, mạnh dạn áp dụng khoa học và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị sản xuất. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Thái Hưng có được diện tích trồng thảo dược như bây giờ”, anh Hòa cho biết.

Hiện nay, Thái Hưng có 20 ha trồng thảo dược, gồm 12 ha được thuê lại từ UBND xã Quỳnh Hoa với giá 100 triệu đồng/ha, còn lại 8 ha được doanh nghiệp trực tiếp mua lại từ các hộ dân với giá 400 triệu đồng/ha. Có đất, Thái Hưng thuê chính người địa phương vào sản xuất cho mình.

Thái Hưng còn làm chủ khoảng 30 ha dược liệu tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Hưng Yên để trồng giảo cổ lam, đinh lăng, cà gai leo… Các vùng canh tác này đã đem lại nguồn nguyên liệu đáp ứng cho dây chuyền sản xuất của Công ty, với công suất chế biến 120 - 150 tấn dược liệu khô/năm, tương đương khoảng 120.000 hộp trà các loại có công dụng tốt cho sức khỏe, được người tiêu dùng cả nước biết đến.

Đất không phụ công người

Chúng tôi có mặt tại vùng trồng dược liệu của Công ty Thái Hưng vào đúng giờ trưa, nhưng anh Lê Ngọc Huê, Giám đốc Công ty Thái Hưng và nhiều nhân công vẫn đang cần mẫn trên cánh đồng dược liệu trong cái nắng gay gắt tháng 6. “Có quá nhiều việc còn ngổn ngang, nên tôi và các anh chị em phải tranh thủ làm. Chúng tôi mới trồng xong hơn 1 ha đinh lăng mà trời nắng quá, giờ lại phải che chắn cho cây”, anh Huê xuất hiện đúng với phong thái trẻ trung của một nông dân thời @ cho biết.

Sinh năm 1985, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, dù đã có công việc ổn định tại Hà Nội, nhưng mỗi lần về quê, chứng kiến cảnh gia đình mình cũng như hàng xóm làm ăn kém hiệu quả, Lê Ngọc Huê không khỏi day dứt. Đất đai “bờ xôi ruộng mật” cả đấy, nhưng chia ô, ngăn thửa khiến việc canh tác gặp không ít khó khăn, doanh thu chẳng được bao nhiêu. Nhiều hộ đã bỏ hoang đồng ruộng mà chọn lên thành phố, thậm chí ra nước ngoài làm thuê.

Trước thực tế đó, những câu hỏi như làm thế nào để có thể làm giàu từ đồng đất quê hương, có cách làm mới nào trên cánh đồng đã cũ để nông dân bớt vất vả... cứ hiện hữu trong chàng trai mới 25 tuổi khi ấy. Cho đến khi tình cờ gặp anh Hòa, qua trò chuyện, trao đổi, cả 2 anh em đã “vỡ òa” vì ý tưởng gặp nhau.

“Cũng có lúc hình ảnh thảo dược đã xuất hiện trong đầu tôi, nhưng chưa thật rõ nét. Trong khi còn lúng túng chưa biết trồng gì, làm thế nào…, thì gợi ý phát triển cây dược liệu và lời đề nghị hợp tác của anh Hòa khiến tôi sung sướng vô cùng. Việc xác định được cây trồng chủ lực đã vạch ra cho tôi hướng đi thật rõ ràng và thôi thúc tôi quyết tâm theo đuổi, dù phải vất vả lăn lộn với ruộng đồng”, anh Huê bộc bạch.

Nói về quá trình tập trung đất canh tác, anh Huê cho biết, ở nhiều nơi, dù đang bỏ trống đất đai, nhưng khi doanh nghiệp đề cập thuê đất, thì các hộ dân lại làm khó bằng cách không chấp nhận dồn điền, đổi thửa, hoặc đẩy giá thuê lên cao. Nhưng tại xã Quỳnh Hoa, Thái Hưng may mắn khi nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và các hộ nông dân, nên việc tập trung đất diễn ra khá suôn sẻ.

Tuy nhiên, cũng như mọi doanh nghiệp, lúc mới thành lập, Thái Hưng gặp khó về vốn để cải tạo đất, đầu tư cây giống, phân bón, thuê nhân công... Vậy là 2 đồng sáng lập lại cố gắng xoay xở vốn từ tiền tích góp, vay mượn. Ngoài ra, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trên hầu hết diện tích đất, Thái Hưng đều trồng chuối xen kẽ các luống thảo dược. Cây chuối lớn nhanh vừa tạo bóng mát cho thảo dược, vừa nhanh chóng ra buồng với năng suất hàng trăm tấn mỗi năm, đem lại nguồn thu tương đối ổn định để Thái Hưng trang trải tiền thuê đất, cây giống, nhân công…

Việc tập trung ruộng đất thuận lợi đã giúp chúng tôi nhanh chóng triển khai Dự án để làm mới trên cánh đồng đã cũ, để đất không còn nhàn rỗi mà nhanh chóng mang lại hiệu quả kinh tế

.

Doanh nhân Vũ Hòa

Trong quá trình triển khai, Thái Hưng cũng may mắn được chọn thí điểm thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình trồng và sơ chế dược liệu đinh lăng và cà gai leo tỉnh Thái Bình” của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, Công ty cũng được chọn triển khai đề tài nghiên cứu cây chùm ngây và hoàn ngọc của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình. Đây là cơ hội để doanh nghiệp này có được sự định hướng và giúp đỡ của các nhà khoa học đầu ngành, các kỹ sư, dược sỹ từ khâu nhân giống, mở rộng vùng nguyên liệu, đến sơ chế và sản xuất.

Hiện Thái Hưng đã đầu tư hệ thống máy móc trị giá khoảng 5 tỷ đồng và cho ra đời 22 dòng sản phẩm trà thảo dược tốt cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị một số bệnh. Hệ thống đại lý của Thái Hưng đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố. Bước đầu, Công ty đã xuất khẩu sản phẩm sang Lào, Campuchia, đạt doanh thu khoảng 6,5 tỷ đồng (trong đó lợi nhuận chiếm 20%) trong năm 2017.

Song những người sáng lập Thái Hưng còn hướng đến mục tiêu cao hơn là xây dựng một nhà máy sản xuất có quy mô hiện đại tại Cụm công nghiệp xã Quỳnh Hoa. Tại đây, Thái Hưng sẽ đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, để các sản phẩm dược liệu của Thái Hưng có thể bước vào các thị trường khó tính trên thế giới.

Ông Hòa thông tin thêm, một doanh nghiệp của Thái Bình đã đề nghị hợp tác với Thái Hưng bằng cách góp cổ phần 7 ha đất tại Cụm công nghiệp xã Quỳnh Hoa. “Điều này cũng nằm trong chiến lược phát triển của Công ty. Vì vậy, chúng tôi sẽ khẩn trương xây dựng kế hoạch và huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà máy, với hy vọng tạo nên một bước đột phá cho Thái Hưng”.

Thanh Nga

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trong-thao-duoc-de-lam-moi-canh-dong-cu-d85764.html