Trong thế giới người điên: Vỡ lòng nhập trại

ANTĐ Họ đi lại dật dờ như cái bóng, không chịu nói chuyện với ai. Có những người còn minh mẫn nên hở ra là… trốn. Cán bộ sơ ý là họ lập tức 'tẩn' cho tới nơi tới chốn. Những bệnh nhân nhẹ thì ít khi lên cơn, dễ kiểm soát, song đôi lúc cũng làm bác sỹ hú hồn vì những hành vi quái gở.

Thường người ta quen gọi các trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần một cách hết sức dân dã là “Trại thương điên” cũng như quen gọi người tâm thần bằng danh từ “con điên” hay “thằng điên” đầy miệt thị mà không hề ý thức được rằng, điên là một tình trạng bệnh lý. Nó cũng giống như cảm cúm, hắt hơi, xổ mũi… mà vào một ngày xấu trời nào đó, phàm đã là con người thì ai cũng có thể mắc phải. Tôi hân hạnh nhận lời mời của bác sỹ Phạm Ngọc Diệu - Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công tỉnh Thái Bình vào ăn, ngủ và “buôn chuyện” cùng hơn 200 người điên mà ông đang chăm sóc.

Trung tâm điều dưỡng người tâm thần có công tỉnh Thái Bình

Trung tâm điều dưỡng người tâm thần có công tỉnh Thái Bình

Bội thực… “điên” Năm 1979, lần đầu tiên tỉnh Thái Bình thành lập được 1 trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần. Khi đó nó có tên là: Trại tâm thần kinh, mục đích chính nhằm để nuôi dưỡng những thương bệnh binh của tỉnh mắc chứng tâm thần do các di chứng của chiến tranh để lại. Đó là sự ưu tiên dành cho những người lính đã hy sinh cả trí và lực. Đại đa số những bệnh nhân này khi chiến đấu đã bị những vết thương rất nặng ở vùng đầu. Nhưng bi kịch nằm ở chỗ, sau khi thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì họ lại rơi vào “vòng tay của quỷ”. Họ mất hết sự minh mẫn tỉnh táo, thường xuyên sống trong ảo giác, hoang tưởng, điên loạn... Bác sỹ Diệu nhớ lại: “Ngày ấy, đất nước còn vô cùng khó khăn, trại chúng tôi thành lập mà không có hạ tầng. Thế nên chúng tôi phải tiếp quản lại một trại chăn nuôi lợn của Ty thương nghiệp để… làm việc và sinh hoạt. Quân số chỉ vỏn vẹn có 10 cán bộ chịu trách nhiệm nuôi khoảng 30 bệnh binh tâm thần”.

Sau 30 năm trại được đổi tên thành Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần có công và chức năng được mở rộng thêm. Ngoài việc nuôi dưỡng khoảng 60 người tâm thần có công, trung tâm còn có thêm nhiệm vụ nhận nuôi dưỡng cả những đối tượng xã hội. Tuy nhiên năng lực của trại cũng rất hạn chế, chỉ đủ khả năng tiếp nhận tối đa là 200 người. Dĩ nhiên 200 người đó phải đảm bảo tiêu chí: là các đối tượng có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và không có nơi nương tựa. Bác sỹ Diệu thở dài: “Theo thống kê hiện nay, Thái Bình có tới hơn 5.000 bệnh nhân tâm thần, trong khi chỉ có duy nhất chỗ chúng tôi là nơi chăm sóc. Như vậy chúng ta mới chỉ đáp ứng được 1/25 số bệnh nhân của cả tỉnh. Nghĩa là phần lớn số người tâm thần còn lại vẫn còn… lang thang đâu đó ngoài kia”.

Bệnh nhân tâm thần nằm nghỉ giữa trời mưa

Tự do trong… khuôn khổ “Dưỡng trí viện” của bác sỹ Diệu được chia làm 4 khoa. Khoa 1 dành cho những bệnh nhân… “điên” nhẹ. Nhẹ ở đây được hiểu là bệnh nhân tuy “điên” nhưng là “điên”… hiền lành. Họ ít khi lên cơn, dễ kiểm soát, khống chế mặc dù cũng có đôi lúc họ làm bác sỹ hú hồn vì những pha kích động quái gở mà dù đã có tới hơn 30 năm trong nghề, nhưng bản thân bác sỹ Diệu cũng không thể lường hết mức độ của sự oái oăm. Đây cũng là khu vực rộng rãi nhất với diện tích khoảng hơn 2.000m2, trông nom gần 80 bệnh nhân, có đủ cả sân chơi, bãi cỏ, ghế đá nghỉ chân khi đi dạo. Bệnh nhân Khoa 1 được chia 4 người 1 phòng và không bao giờ bị nhốt. Tuy nhiên mọi sinh hoạt đều chỉ xung quanh khuôn viên của khoa.

Khoa 2 là những dãy nhà dành cho bệnh nhân nặng. Theo định nghĩa của Điều dưỡng trưởng Nguyễn Văn Tuân, bệnh nhân nặng là những bệnh nhân vẫn còn đôi chút tỉnh táo. Thông thường họ chỉ “điên” theo cơn, còn lại họ khá minh mẫn. Tôi thắc mắc: “Họ tỉnh táo minh mẫn thì tại sao là gọi là nặng?”. Anh Tuân cắt nghĩa: “Chính vì minh mẫn nên những bệnh nhân này không bao giờ chịu cảnh “giam cầm”, cứ hở ra là tìm cách… trốn. Cán bộ sơ ý hay có việc gì không hài lòng họ là lập tức bị bệnh nhân khiếu kiện hoặc… “tẩn” cho tới nơi tới chốn”. Anh Tuân hạ giọng: “Ví dụ như bây giờ anh hút thuốc lá là họ sẽ xông vào xin ngay. Nếu không cho, lập tức họ sẽ khiếu kiện hay chửi bới là bị chúng ta đối xử tàn tệ như thời… trung cổ”. Thường những bệnh nhân của Khoa 2 sẽ được tự do đi lại sinh hoạt vào ban ngày, nhưng bị nhốt vào ban đêm để tránh bất trắc.

Khoa 3 là khu vực dành cho người có công. Tuy không rộng như Khoa 1 nhưng nơi đây lại là khu vực sạch sẽ và đẹp nhất trung tâm. Cũng như Khoa 1, bệnh nhân tại khoa này không bao giờ bị nhốt. Khoa còn lại là khu vực dành riêng cho bệnh nhân nữ. Phần lớn bệnh nhân nữ ở đây đều mắc tâm thần ở dạng trầm cảm. Họ đi lại vật vờ như cái bóng, không chịu nói chuyện với ai và hành vi của họ tuy các bác sỹ có thể lường trước, nhưng rất khó để bắt họ sinh hoạt theo ý mình. Điều dưỡng viên Ngô Thái Hùng của khoa kể: “Ví dụ khoa em có 1 bác hay lên cơn theo kiểu định kỳ. 1 năm thì có 6 tháng bác ấy chẳng hé răng câu nào. Cả ngày cứ nằm trên giường ngửa mặt nhìn trần nhà. Ai hỏi cũng không nói, thậm chí không thèm ăn cơm khiến nhân viên chỉ sợ bác ấy… chết đói. Dùng đủ mọi cách kể cả ép cũng không ăn thua. 6 tháng còn lại thì bác ấy nói như… súng liên thanh. Đến mức ngay cả những bệnh nhân tâm thần khác cũng đau đầu nhức óc. Anh cứ hình dung một ngày cách 5 phút bác ấy lên hỏi giờ 1 lần, 10 phút lại lên hỏi sắp đến giờ ăn chưa? Không trả lời thì bác ấy không chịu về. Ngày nào cũng thế thì thử hỏi cán bộ có muốn… phát rồ hay không?”.

(Còn nữa)

Quốc Dũng - Hải Yến

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/phong-su/trong-the-gioi-nguoi-dien-vo-long-nhap-trai/510261.antd