Trong tiếng gió Chi Ma

Chi Ma, tháng 4-2018, những cơn gió mùa Đông Bắc cuối cùng của năm ào qua đây quật tơi tả, cây hoa gạo rụng hoa đỏ ối bên cạnh cột mốc 1224. Ông Vi Văn Như, một trong những nhân chứng lịch sử của Chi Ma đi cùng những thăng trầm của mảnh đất này suốt 60 năm qua đưa tôi đi qua những con đường rụng đầy hoa đỏ để tham quan các công trình nâng cấp cặp cửa khẩu Chi Ma – Ái Điểm đang xây dựng. Trong tiếng gió Chi Ma là cuộc trò chuyện với giọng kể đầy cuốn hút và cởi mở của ông.

Ông Vi Văn Như thường xuyên gặp gỡ trao đổi công tác với cán bộ Đồn Biên phòng Chi Ma. Ảnh: TTH

“Con mắt” của làng

Năm 2017, chính quyền tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã thống nhất mở chính thức cặp cửa khẩu song phương Chi Ma – Ái Điểm, kèm theo đó là tăng cường trao đổi thông tin về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu và cặp chợ biên giới. Chi Ma đổi thay chóng mặt. Từ một thung lũng hút gió và quạnh quẽ dưới chân dãy núi Mẫu Sơn đã chuyển mình thành phố thị kinh tế cửa khẩu. Các công trình lớn mọc lên bên cạnh quốc môn đang xây dựng, khu nhà liên hợp dành cho liên cơ quan làm công tác cửa khẩu đang hoàn thiện. Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Chi Ma cũng đã được xây mới khang trang cách đường biên giới không xa.

Ông Vi Văn Như là Bí thư Chi bộ thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, Lộc Bình, Lạng Sơn từ năm 2008. Thôn của ông chỉ có độ 120 hộ dân, thời gian gần đây đã lên tới gần 200 hộ, gồm cả những lao động tạm trú từ nơi khác đến. Cặp cụm dân cư 2 bên biên giới Chi Ma – Ái Điểm kết nghĩa trong chương trình kết nghĩa thôn bản 2 bên biên giới mới được vài năm qua, nhưng sự kiện này mang ý nghĩa rất lớn sau nhiều năm 2 cụm dân cư này không có những giao lưu hòa hảo.

Ông Như kể, cột mốc 44 ngay cửa khẩu Chi Ma xưa kia được dựng lên sau công ước Pháp – Thanh. Đây như là con mắt của làng Chi Ma. Ngôi miếu thờ Thành hoàng làng Chi Ma cách đó chỉ mấy trăm mét còn xếp sau cột mốc 44 về tầm quan trọng. Dân làng Chi Ma đã từng tuyên bố: “Đất của Trung Quốc dù có vàng, chúng tôi cũng không tranh lấy; đất của Việt Nam dù chỉ là sỏi đá, chúng tôi cũng quyết giữ đến cùng”. Tuyên bố đó vững như thành đồng trong suốt nhiều năm.

Trước khi phân giới, cắm mốc 1224 vào năm 2008, thay cho mốc cũ 44 ở vị trí hiện nay, ông Vi Văn Như cùng với dân quân, BĐBP và dân làng đã sống, canh giữ từng nắm đất Chi Ma, lập cả lán ngủ dưới gốc cây nhãn trông coi cái mốc giới 44 như coi con mắt của làng. Bền bỉ và kiên cường giữ đất biên cương, bây giờ mốc 1224 được đặt đúng vị trí của nó, bên cạnh 2 gốc cây nhãn và cây gạo cổ thụ. Những ngày cam go giữ mốc, hoa gạo cũng đỏ ối hệt như thế này.

Mưa ở Chi Ma lạnh buốt, cắt da thịt. Ông Vi Văn Như nhớ lại: “Điều tự hào nhất trong cuộc đời tôi là được góp sức mình vào giữ gìn cột mốc 44 và khênh, vác cột mốc mới 1224 lên đặt vào đúng vị trí đó, để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị. Tôi vô cùng biết ơn Đảng, Chính phủ, Nhà nước ta có chính sách ngoại giao khéo léo và hợp lý. Có lẽ chỉ cần những sơ suất nhỏ thôi, biên giới không được bình yên thì những người dân như chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên đầu tiên”.

Ông Như thành thật kể về những đêm nằm mơ vẫn thấy tiếng gió rít ở Chi Ma trong thời tuổi trẻ ông làm trung đội trưởng dân quân tự vệ. Gió như cào xé những ngọn đồi, những điểm cao, những phiên gác đêm đầy âu lo trên biên giới. Tỉnh dậy, ông bảo, vẫn đau thắt ngực. Nụ cười chỉ nở trên môi ông lão người Tày khi biết rằng, hóa ra đó chỉ là giấc mơ. Ngày hôm nay, Chi Ma đã là nơi được chọn để mở lối thông thương mong mang lại những hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế và ngoại giao nhân dân, một biểu tượng của hành động tích cực khép lại quá khứ, hướng tới tương lai của cả 2 quốc gia Việt Nam và Trung Quốc.

Ông Vi Văn Như bên cột mốc 1224. Ảnh: TTH

Gió lành Chi Ma

Và niềm vui có lẽ được nhân lên nhiều lần, vì điều ông Như mong đợi cuối cùng đã tới. Thôn Chi Ma của ông với vài trăm hộ dân đã kết nghĩa với trấn Ái Điểm của khu xã Ái Điểm, huyện Ninh Minh, Quảng Tây, Trung Quốc – một cụm dân cư đông đúc tới gần 1 ngàn hộ dân ở bên kia biên giới. Hầu như cư dân biên giới thôn Chi Ma bây giờ hàng ngày vẫn làm các công việc bốc vác thuê ở khu vực biên giới, có lúc làm lao động thuê cho các chủ hàng. 70% cư dân của Chi Ma làm nghề bốc xếp hàng hóa ở khu vực cửa khẩu. Tuyệt nhiên bây giờ, chẳng ai cãi vã, xung đột gì nữa, mà cùng nhau làm ăn.

Ông Vi Văn Như bảo, nếu như có thêm kinh phí tổ chức gặp gỡ với cụm dân cư bên kia, chắc ông cùng với trưởng thôn sẽ bàn bạc để tổ chức giao lưu trợ giúp nhau nhiều hơn. Tuy vậy, vì đã có cam kết chung, nên cư dân 2 bên cũng tăng thêm tình đoàn kết. Không chỉ ông Như mà người dân nào ở đây cũng thấm thía giá trị của bình yên, no ấm. Từ chỗ chỉ có 23 nóc nhà heo hút hồi trước năm 1978, bây giờ, Chi Ma đông đúc gấp nhiều lần. Họ đóng góp tu sửa miếu thờ thành hoàng làng – ngôi miếu đã có hàng trăm năm dưới 3 gốc đa cách đường biên giới không xa và thay nhau trông coi thờ cúng ngôi miếu đó. Tất cả đều là những nhân chứng lịch sử của vùng đất quý báu này.

Điều ngạc nhiên hơn cả với tôi là những người như ông Như đã trải qua các cuộc biến động biên giới trước đây, đều sống cuộc sống khá bình dị, an nhàn với tuổi già và tiếp tục đóng góp công sức cho vùng biên cương này. Ông Vi Văn Như hiện vẫn trong Tổ tự quản đường biên, cột mốc của xã, là người có uy tín đắc lực giúp địa phương, giúp BĐBP giữ gìn an ninh chính trị, trật tự địa bàn. Ông Như khá hài lòng với chế độ chính sách Nhà nước dành cho người có công như ông, có bảo hiểm y tế, chữa bệnh không lo mất tiền.

Những con người đã dành cả cuộc đời cho biên cương Tổ quốc, nhưng sống cũng an nhiên, giản dị là thế!

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/trong-tieng-gio-chi-ma/