Trồng tre Lục Trúc lấy măng: Hướng phát triển kinh tế mới ở Khe Nác

Mỗi sào đất đồi, bãi trồng tre Lục Trúc lấy măng, sau khi trừ chi phí đầu tư giống, công chăm sóc, người dân đạt mức thu nhập trên 13 triệu đồng/năm. Mở rộng đầu tư theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, mỗi héc-ta có thể đạt giá trị gần 400 triệu đồng/năm.

Sau gần 1 năm trồng, những khóm tre Lục Trúc của gia đình ông Vũ Văn Thắng (ở xóm Khe Nác, xã Động Đạt, Phú Lương) đã cho nhiều măng.

Sau gần 1 năm trồng, những khóm tre Lục Trúc của gia đình ông Vũ Văn Thắng (ở xóm Khe Nác, xã Động Đạt, Phú Lương) đã cho nhiều măng.

Đầu tháng 5, sau những trận mưa rào, trên 4 sào đất bãi bồi của gia đình ông Vũ Văn Thắng, măng tre Lục Trúc đội đất mọc lên như những bàn chông kín lối đi. Hom tre giống được trồng từ tháng 5-2023, đến nay đã sinh nhánh, tạo thành khóm đường kính từ 0,5-0,7m2, cây vươn cao gần 2m tạo thành vòm xanh mát. Mỗi khóm tre lại trồi lên 7-10 củ măng tròn đặc như đá cuội, nặng từ 150-250g mỗi củ. Măng không phải dùng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào trong quá trình chăm sóc nên bảo đảm an toàn, sau khi rửa sạch, để ráo nước có thể ăn sống vì có vị ngọt và thơm.

Ông Thắng chia sẻ: Khi Hợp tác xã (HTX) công nghệ cao Phú Lương triển khai mô hình điểm tại xóm, nhiều hộ còn đắn đo về quy trình chăm sóc, do cây trồng thuộc họ tre, nên ngại về sau phát triển thành rừng tốn diện tích, gây cớm và bạc mầu cho đất… Tuy nhiên, sau khi đi tham quan các mô hình đã thành công trong và ngoài tỉnh, tôi quyết định bỏ toàn bộ diện tích trồng sắn, cỏ voi trước đây để tre Lục Trúc lấy măng.

Theo hợp đồng, khi có sản phẩm mỗi lứa thu hoạch từ 60-80kg, HTX công nghệ cao Phú Lương sẽ đến thu mua tận vườn với giá từ 35-40 nghìn đồng/kg. Thời điểm hiện tại là lứa măng đầu tiên, khi gốc còn nhỏ và ở thời kỳ phát triển gốc, tạo khóm nên ông Thắng thu hoạch chủ yếu làm thực phẩm trong gia đình. Nhưng cũng đã có các tư thương, nhà hàng ăn uống đến tìm hiểu và đặt vấn đề thu mua làm thực phẩm.

So với các loại cây trồng khác đang được thâm canh trên đất đồi bãi ở Khe Nác, thì trồng tre Lục Trúc lấy măng đang được nhiều hộ dân quan tâm hơn cả. Anh Bùi Văn Dương, Trưởng xóm, cho biết: Xóm được tiếp cận Dự án trồng tre Lục Trúc lấy măng từ đầu năm 2023, đến tháng 3 thì một số hộ bắt đầu trồng theo hình thức ô mẫu với quy mô gần 2ha. Chỉ sau 2 tháng, cây lớn khỏe, đẻ nhánh mạnh, lại không mất nhiều công chăm sóc nên nhiều hộ đã cải tạo đất đồi bãi bạc mầu để mở rộng diện tích. Chỉ từ tháng 5, 6-2023, đã có trên 50 hộ tham gia trồng và diện tích được mở rộng lên gần 8ha.

Điều hấp dẫn bà con khi lứa măng đầu tiên cho thu hoạch, ngay sau đó vài ngày măng lại đội đất mọc lên và cho thu hoạch liên tục. Theo một số hộ dân, quá trình tìm hiểu thực tế tại các địa phương đã thâm canh nhiều năm cho thấy, khi cây trưởng thành (đủ 2 năm tuổi), sẽ cho thu hoạch từ 30-40kg măng/khóm.

Đặc biệt, mùa thu hoạch măng kéo dài trong khoảng 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 9 Âm lịch). Với giá măng hiện tại trên thị trường và hợp đồng bao tiêu sản phẩm của HTX công nghệ cao Phú Lương, bình quân 40 nghìn đồng/kg, mỗi khóm tre Lục Trúc, bà con thu từ 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, người trồng tre Lục Trúc cũng có thể tự gây giống bằng hình thức chiết cành, hoặc để măng nhỏ phát triển thành cây, sau đó đóng bầu và HTX công nghệ cao Phú Lương bao tiêu giống.

Quá trình triển khai bước đầu mô hình tại Khe Nác cho thấy, măng Lục Trúc đang mở ra tiềm năng kinh tế mới, giúp khai thác hiệu quả đất đồi bãi. Chính vì vậy việc xây dựng chuỗi liên kết cung - cầu bền vững, tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể, để mở rộng diện tích trồng tre Lục Trúc lấy măng là một mô hình nông lâm kết hợp, tạo sinh kế bền vững cho người nông dân phát triển kinh tế gia đình theo vùng nông sản tập trung.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202405/trong-tre-luc-truc-lay-manghuong-phat-trien-kinh-te-moi-o-khe-nac-d052bd0/