Trồng tre tại danh thắng Tịnh Tâm: Hồ 'ngự' biến thành ao làng?

Nhắc đến hồ Tịnh Tâm (Thành nội Huế), nhiều người nghĩ ngay đến một danh thắng nổi tiếng gắn với loài hoa sen. Mới đây, việc nhà chức trách cho trồng hai hàng tre - một loài cây dường như chả liên quan gì đến danh thắng này, ngay trên lối vào giữa Tịnh hồ, đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, đặc biệt là lo ngại khu hồ 'ngự' sẽ thành ao làng.

Tre cán giáo, loại cây trồng được cho là không liên quan gì đến thắng cảnh hồ Tịnh Tâm hiện được trồng khá dày để giữ đất tại đê Kim Oanh thuộc thắng tích này.

Tre cán giáo, loại cây trồng được cho là không liên quan gì đến thắng cảnh hồ Tịnh Tâm hiện được trồng khá dày để giữ đất tại đê Kim Oanh thuộc thắng tích này.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hồ Tịnh Tâm (Tịnh hồ) là một trong những cảnh đẹp nổi tiếng nhất của đất Kinh thành, nay thuộc phường Thuận Thành, thành phố Huế. Hồ nguyên xưa là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8.000 binh lính tham gia cải tạo hồ, biến nơi đây thành một Ngự uyển của Hoàng gia. Sau khi hoàn thành cải tạo, hồ mang tên mới là Tịnh Tâm.

Trên hồ có ba hòn đảo là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Giữa hồ Tịnh tâm có đê Kim Oanh nối liền từ bờ đông qua bờ tây (nay là đường Lê Văn Hưu).

VIDEO: Trồng tre gây phản ứng trong danh thắng hồ Tịnh Tâm (thực hiện: Ngọc Văn)

Xưa, khắp nơi chung quanh đảo Bồng lai, Phương Trượng, đê Kim Oanh và dọc bờ hồ đều trồng các loại liễu trúc và các thứ hoa cỏ lạ. Dưới hồ chỉ trồng duy nhất loài sen trắng.

Cảnh đẹp của hồ từng là nguồn thi hứng và trở thành đề tài cho nhiều bài thơ, chùm thơ nổi tiếng của các vua Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... Nổi bật là bài “Tịnh hồ hạ hứng”, nằm trong chùm thơ ca ngợi 20 cảnh đẹp đất Thần kinh của vua Thiệu Trị. Đương thời, bài thơ này cùng với phong cảnh hồ Tịnh tâm được vẽ vào tranh gương để treo ở các cung điện.

Ngày nay, hồ Tịnh Tâm vẫn ở trong trạng thái phế tích. Mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai trồng tre dọc hai bên đường Lê Văn Hưu (đê Kim Oanh), đồng thời, làm đóng cừ làm kè bằng tre để giữ đất, chống sạt lở cho con đê chạy giữa hồ Tịnh Tâm này.

Theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đây là giải pháp tạm thời để giữ đất hai bên lề đường (đê Kim Oanh) cũng như tạo cảnh quan khu vực hồ, sau này, về lâu dài sẽ triển khai nghiên cứu tổng thể để có giải pháp tu bổ và tôn tạo hợp lý, mang tính lâu dài và bền vững.

Từ việc tỉnh TT-Huế cho trồng tre (tre cán giáo) với mật độ khá dày trên đê Kim Oanh xuyên qua hồ Tịnh Tâm, những ngày gần đây, đã có các ý kiến phản ứng trái chiều xung quanh sự việc này.

Góp ý đến lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế, kiến trúc Tôn Thất Liêm, một người con xứ Huế hiện sống tại TPHCM, cho rằng: Trục đường trồng tre (đê Kim Oanh) là trục chính của hồ Tịnh Tâm, là trục cảnh quan với hai bên là hồ sen. Cho nên, phải ưu tiên tạo tầm nhìn cảnh quan cho du khách ngắm sen, ngắm đảo giữa hồ. Giải pháp trồng tre, theo KTS Tôn Thất Liêm là sai lầm, vì tre phát triển rất nhanh thành bụi rậm to lớn, tre rụng lá nhiều hàng ngày tạo nên rác. Với khoảng cách trồng như hiện nay, chỉ sau vài năm tre sẽ phát triển thành lũy, che khuất hoàn toàn tầm nhìn cảnh quan, đầu tư như vậy là hoàn toàn phản tác dụng.

Cũng theo KTS Tôn Thất Liêm, cây tre chỉ phù hợp với cảnh quan nông thôn, những đường làng dọc bờ sông cần những lũy tre dài để kết thành mảng cừ chống xói lở đất. Với hồ Tịnh Tâm là thắng cảnh đô thị, việc trồng tre theo hàng với mật độ dày hoàn toàn không phù hợp.

Ông Liêm đề xuất, cơ quan chức năng nên nghiên cứu trồng ba loại cây là hoa tím bằng lăng, lộc vừng, liễu rũ (khoảng cách 8m/cây) tại đường đê hồ Tịnh Tâm. Dọc mép hồ nên trồng thêm một lớp hoa thấp khoảng 50 cm thay đổi theo mùa hoa… (Trong ảnh là những cụm lộc vừng trên đảo Phương Trượng nở hoa rũ bóng xuống Tịnh hồ).

Ngay sau khi KTS Tôn Thất Liêm gửi ý kiến đến lãnh đạo tỉnh, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, đã cho đăng tải công khai nguyên văn ý kiến phản biện này lên mạng xã hội. Góp ý của KTS Tôn Thất Liêm cũng nhận được sự đồng tình của nhiều người, họ cho rằng đây là ý kiến “có lý”. Với việc công khai ý kiến tạo diễn đàn trên mạng xã hội, người dân cũng đánh giá rất cao tinh thần minh bạch, cầu thị và lắng nghe của lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế. Từ những góp ý cho cảnh quan Tịnh hồ, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, hứa sẽ xem xét trên tinh thần cầu thị để có chỉ đạo phù hợp.

Còn theo ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc trồng tre trên đê Kim Oanh chỉ là giải pháp tạm thời để gắn chỉnh trang sơ bộ với việc phục vụ lễ hội áo dài và các hoạt động tại Festival 2020 “Thực trạng xuống cấp của hồ Tịnh Tâm nhiều năm qua là nỗi đau của tất cả những người yêu Huế. Chỉnh trang, khôi phục hồ Tịnh Tâm nói riêng cũng như các hồ trong Kinh thành Huế nói chung là mong muốn của tất cả chúng ta. Tuy nhiên, việc làm này cần có những nghiên cứu thấu đáo để đưa ra giải pháp khoa học, hợp lý. Trước mắt, đối với hồ Tịnh Tâm, tỉnh tập trung vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải và rác, chỉnh trang sơ bộ quanh hồ để giảm sự nhếch nhác”, ông Định cho biết.

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/trong-tre-tai-danh-thang-tinh-tam-ho-ngu-bien-thanh-ao-lang-1666656.tpo