Trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê: Hiệu quả kép

Tây Nguyên - vùng đất bazan có khí hậu nhiệt đới đang chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu (BĐKH), thời tiết thay đổi bất thường khiến sản lượng cây công nghiệp (cà phê) vùng này bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong năm 2019, dự án đã xây dựng 35 ha mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê.

Để cải thiện tình hình, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi và Thủy sản tỉnh Đắk Lắk đã đưa dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên” vào thực tiễn và được thực hiện trong 3 năm (2019 -2021) tại 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng và Đắk Lắk).

Trong 3 năm sẽ xây dựng 120ha mô hình trồng xen một số loại cây ăn quả có lợi thế trong vườn cà phê; duy trì năng suất cà phê trên 3 tấn/ha; sau trồng ba năm thu nhập sẽ tăng trên 20% so với trồng thuần cây cà phê và tổ chức được các hoạt động đào tạo, tập huấn, tham quan, tổng kết, thông tin tuyên truyền nhằm phổ biến kết quả và nhân rộng mô hình.

Năm 2019, dự án đã xây dựng 35ha mô hình trồng xen cây ăn quả (bơ và sầu riêng) trong vườn cà phê, trong đó tại Đắk Lắk là 20ha, các tỉnh còn lại là 05ha/tỉnh. Qua một năm thực hiện, dự án đã bước đầu mang lại những kết quả khả quan: Cây ăn quả trong mô hình sau trồng đạt tỷ lệ sống cao (trên 95%); cây sầu riêng, bơ, cà phê sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cà phê nhân đạt trung bình 3,27 tấn/ha.

Bên cạnh đó, dự án đã tổ chức 7 lớp tập huấn cho các hộ thực hiện mô hình với 35 lượt người tham gia; 3 lớp đào tạo tập huấn nhân rộng mô hình (90 lượt người); 4 hội nghị tham quan, tổng kết tại 4 tỉnh (200 lượt người). Việc áp dụng quy trình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê vối đã tạo ra vườn cà phê thông thoáng, cây sinh trưởng tốt, năng suất cà phê ổn định, trên 03 tấn nhân/ha.

Năm 2020, năm thứ hai thực hiện dự án, kế thừa kết quả đạt được và những kinh nghiệm rút ra từ năm 2019, với quy mô thực hiện 60ha/4 tỉnh (Đắk Lắk 30ha, Đắk Nông 10ha, Gia Lai 10ha và Lâm Đồng 10ha).

Từ kết quả bước đầu đạt được, có thể nói, dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên” được xây dựng phù hợp với nhu cầu thực tế sản xuất tại các tỉnh Tây Nguyên.

Dự án không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế sau khi cây ăn quả có thu hoạch mà trồng xen canh còn giúp đa dạng sản phẩm, người dân có thể hạn chế được rủi ro về giá cả khi thị trường nông sản ngày càng biến động khó lường.

Đinh Thị Phương Mai

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/trong-xen-cay-an-qua-trong-vuon-ca-phe-hieu-qua-kep-post35879.html