Trót xuống tiền vào các dự án 'ảo' của Alibaba, nhà đầu tư phải làm gì?

Theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (Alibaba) và các công ty thành viên tự vẽ các dự án không có thật, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án…, nhưng đã huy động tiền của hàng ngàn khách hàng để chiếm đoạt. Bộ Công an đang mở rộng điều tra và kêu gọi người bị hại tố cáo.

Dự án “hoành tráng”

Thành lập từ tháng 5/2016có trụ sở chính tại địa chỉ 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM và chỉ 7 tháng sau, Alibaba bắt đầu được biết đến trong giới kinh doanh bất động sản với những dự án mang tên Long Phước tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, khoảng tháng 2/2017, Alibaba bắt đầu giới thiệu rao bán Dự án Alibaba Long Phước 1 với những lời mời hấp dẫn như: dự án sở hữu không thiếu bất kỳ tiện ích nào, cơ hội kinh doanh siệu lợi nhuận, sở hữu dễ như trở bàn tay...

Văn phòng đại diện để bán đất của Alibaba ở Đồng Nai

Các năm sau đó, Alibaba liên tục giới thiệu ra thị trường một chuỗi dự án mang tên Alibaba Long Phước (từ Long Phước 1 đến Long Phước 16).

Chưa dừng lại, tại các huyện Xuân Lộc, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), công ty này còn tung ra ồ ạt các dự án như Alibaba Phước Bình Central Park, Alibaba Long Thành, khu dân cư Trường Cao đẳng Quốc tế Lilama...

Dự án vẽ của Alibaba tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Công ty này còn “tấn công” xuống tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu và chọn ngay huyện Tân Thành, nơi đang phát triển khu công nghiệp lớn của địa phương và nằm trên trục Quốc lộ 51 đắc địa. Tại đây Alibaba quảng bá, giới thiệu, mở bán các dự án khác “rất kêu” như Alibaba Tân Thành Center City 1 đến Alibaba Tân Thành Center City 6.

Thậm chí tại TP.HCM, nơi thị phần bất động sản khốc liệt, Alibaba nhận mình là chủ đầu tư dự án bất động sản Alibaba Tây Bắc – thuộc Khu đô thị Tây Bắc - được thành phố phê duyệt quy hoạch là khu thương mại, trung tâm tài chính.

Alibaba tổ chức nhiều hội thảo gạ gẫm khách hàng

Tại hàng loạt sự kiện, hội thảo, lãnh đạo Alibaba luôn khẳng định rằng: “Alibaba sẽ giúp khách hàng giàu lên cùng bất động sản. Cam kết lợi nhuận tối thiểu 28%/năm”; “Chưa có khách hàng nào thua lỗ khi đầu tư địa ốc Alibaba”; “Định hướng đến năm 2023, Alibaba sẽ tạo các khu đô thị mang đẳng cấp quốc tế. Giúp khánh hàng giàu lên có số má khu vựa Đông Nam Á”...

3 năm công bố tăng vốn... khủng

Tìm hiểu của chúng tôi, ngày 5/5/2016, Công ty Alibaba được thành lập chỉ với vốn điều lệ là 1 tỷ đồng và trụ sở chính tại địa chỉ 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Tháng 12/2016, Alibaba thông tin tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng. Chưa đầy 9 tháng sau, tháng 9/2017, Alibaba công bố tăng vốn điều lệ lên tới 1.600 tỷ đồng khiến giới kinh doanh bất động sản choáng váng.Thời điểm tăng vốn điều lệ, Alibaba có 3 cổ đông chính là Nguyễn Thái Luyện (80%, Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện, Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật, 10%) và bà Võ Thị Thanh Mai (10%).

Đến năm 2019, Alibaba lại tăng vốn điều lệ 5.600 tỷ đồng. Từ công ty có vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ đồng, thế nhưng, chỉ trong vòng chưa tới 3 năm, vốn điều lệ của công ty đã lên tới con số 5.600 tỷ đồng đã gây choáng váng giới kinh doanh bất động sản.

Sự thật

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh này đã phải họp báo khẳng định, tỉnh cũng như các huyện chưa cấp phép bất kỳ dự án nào cho Alibaba.

Cơ quan chức năng khảo sát thực tế phát hiện, có 27 dự án trên địa phương là do Alibaba tự đặt tên, vẽ bản đồ phân lô, quảng cáo rồi bán cho khách hàng.

Trong 27 dự án này có 19 khu đất do cá nhân, hộ gia đình đứng tên và có 5 khu người sử dụng đất không hề có mối liên hệ gì với Alibaba. Tất cả dự án đẹp như tranh vẽ trên hiện trạng vẫn là đất hoang vu, cỏ cây phủ kín. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai phải chỉ đạo Công an tỉnh vào cuộc điều tra.

Buổi cưỡng chế dự án "vẽ" của Alibaba tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi cảnh báo, xử lý hành chính không ăn thua, tháng 7/2019, chính quyền huyện Tân Thành và xã Châu Pha phải đưa lực lượng hơn 100 người xuống cưỡng chế "dự án Alibaba Tân Thành Center City 1" trên diện tích hơn 130.000 m2.

Tại thị xã Phú Mỹ (cũng huyện Tân Thành), Chủ tịch thị xã cho biết, Alibaba có 8 dự án rao bán, nhưng thực là đất nông nghiệp cá nhân đứng tên sở hữu bị phân lô bán nền dưới danh nghĩa "khu dân cư Alibaba". Các dự án này không có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, không có giấy phép cải tạo mặt bằng, xây dựng, chưa được nghiệm thu hạ tầng, tách thửa. Tất nhiên 8 dự án bất chấp luật này cũng sẽ bị xử lý.

UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định dự án này cũng "ảo"

Việc Alibaba làm sai thì đã có cơ quan chức năng xử lý, nhưng vấn đề đang được nhiều người quan tâm hiện nay là số tiền của các nhà đầu tư đã chót bỏ tiền đầu tư vào dự án của công ty này sẽ như thế nào.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trot-xuong-tien-vao-cac-du-an-ao-cua-alibaba-nha-dau-tu-phai-lam-gi-d107568.html