Trụ cột về chất lượng hạ tầng

Trong năm 2018, nhiều chính sách lớn trong lĩnh vực viễn thông đã được triển khai, tạo ra không ít biến động cho thị trường, nhưng cũng thúc đẩy sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn giữa các nhà mạng.

Cán bộ kỹ thuật của VNPT - Net lắp đặt thiết bị hạ tầng mạng lưới.

Trong bối cảnh đó, Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - NET) đã nỗ lực cao độ, tập trung phát triển nâng cao năng lực, quy mô hạ tầng kỹ thuật, tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng mạng viễn thông và các hệ thống công nghệ thông tin, góp phần cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

Nâng cao năng lực mạng lưới

Thực hiện kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 15-9-2018, tất cả các doanh nghiệp viễn thông đã đồng loạt triển khai việc chuyển đổi mã mạng di động của hàng chục triệu thuê bao di động 11 số về 10 số. Tiếp đó, bắt đầu từ ngày 16-11-2018, các nhà mạng tiếp tục triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số (MNP) cho tất cả các thuê bao trả sau trên cả nước. Những chính sách này đã gây tác động lớn đến thị trường viễn thông, thúc đẩy sự cạnh tranh. Do đó, yêu cầu bảo đảm chất lượng của mạng lưới và dịch vụ đã trở thành yếu tố cốt lõi cho sự thành công của mỗi doanh nghiệp viễn thông.

Tổng Giám đốc VNPT - NET Nguyễn Nam Long cho biết, với vai trò là đơn vị phụ trách phát triển hạ tầng mạng lưới của VNPT, trong năm 2018, VNPT - NET đã tập trung đầu tư cho các dự án nâng cao năng lực mạng lõi di động, mở rộng mạng vô tuyến, băng rộng IP, các tuyến truyền dẫn liên tỉnh cùng dung lượng kết nối in-tơ-nét quốc tế,... Nhờ phấn đấu hoàn thành cơ sở hạ tầng kịp thời, năng lực hạ tầng mạng lưới của VNPT - NET đã được nâng cấp, mở rộng đạt mức tăng trưởng đáng kể so với năm 2017. Tổng công ty đã đầu tư, phát triển mới hơn 8.500 trạm vô tuyến cả 2G, 3G và 4G, nâng tổng số trạm phát sóng di động trên toàn quốc lên hơn 80 nghìn trạm. Dung lượng truyền dẫn liên tỉnh cũng được nâng cấp lên 20.450 Gbp/giây, tăng 90%; dung lượng truyền dẫn quốc tế lên 5.769 Gbp/giây, tăng 50%; kết nối in-tơ-nét quốc tế lên 2.950 Gbp/giây, tăng hơn 50% so cùng kỳ. Nhờ vậy, chất lượng mạng lưới của VNPT đã được cải thiện rõ rệt. Chỉ số thời gian mất liên lạc bình quân mỗi trạm vô tuyến giảm 30%; độ khả dụng mạng truyền dẫn liên tỉnh đều vượt mức quy định (99,99%); sự cố nghiêm trọng giảm 35%, sự cố lớn giảm 42% so với năm trước;...

Có thể nói, công tác tối ưu hóa, nâng cao chất lượng mạng lưới đã được VNPT - NET thực hiện thường xuyên, liên tục, hoàn thành nhiều hạng mục chương trình công việc lớn với chất lượng cao, góp phần duy trì chỉ tiêu chất lượng toàn mạng luôn đạt và vượt yêu cầu theo quy định của Tập đoàn VNPT. Ðội ngũ kỹ thuật của Tổng công ty cũng đã hoàn toàn làm chủ hệ thống, phối hợp chặt chẽ các đơn vị trong Tập đoàn hoàn thành hai kế hoạch lớn của ngành viễn thông là công tác chuyển đổi mã mạng di động từ 11 số về 10 số của 17 triệu thuê bao việc triển khai dịch vụ MNP chính thức bắt đầu từ 16-11-2018. Ðồng thời, các đơn vị của Tổng công ty còn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, tập trung nguồn lực bảo đảm chất lượng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin (VT-CNTT) đáp ứng yêu cầu các sự kiện kinh tế, chính trị, ngoại giao quan trọng của đất nước, nhất là Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF ASEAN 2018 tổ chức tại Hà Nội.

Tiếp tục tạo đột phá

Ðể phục vụ mục tiêu phát triển chiến lược VNPT 4.0, VNPT - NET đặt quyết tâm tiếp tục tạo được sự đột phá về năng lực cạnh tranh hạ tầng VT-CNTT trong nước và quốc tế, bảo đảm năng lực, chất lượng mạng lưới, đáp ứng tốt yêu cầu kinh doanh, phục vụ trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Theo đó, Tổng công ty tập trung triển khai các dự án phát triển, mở rộng mạng vô tuyến, chú trọng chất lượng vùng phủ sóng và năng lực mạng 4G; chuẩn bị hạ tầng mạng cho sự chuyển dịch nhu cầu từ thoại sang dữ liệu (data) ngày càng cao của khách hàng. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng chủ động cập nhật tình hình chuẩn hóa, chủ động nghiên cứu, thử nghiệm mạng 5G; quy hoạch tần số, lựa chọn công nghệ sẵn sàng cho phát triển dịch vụ 5G theo định hướng của Tập đoàn trong thời gian tới. Ðồng thời, VNPT - NET sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình tối ưu hóa các hệ thống trên mạng viễn thông di động, băng rộng cố định (gồm các hệ thống mạng lõi, vô tuyến, truyền dẫn, truy nhập và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhà trạm...); theo dõi sát diễn biến dịch vụ chuyển mạng giữ số MNP để có đề xuất Tập đoàn các kịch bản xử lý tình huống; chuẩn bị sẵn sàng phương án, năng lực dự phòng cho mạng lưới nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước; xây dựng các giải pháp ứng cứu kịp thời tình huống khẩn cấp, phục vụ phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.

Theo Tổng Giám đốc VNPT - NET Nguyễn Nam Long, vấn đề an ninh mạng luôn được Tổng công ty hết sức coi trọng với mục tiêu tiếp tục vận hành, khai thác hiệu quả các hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn mạng lưới, chống tiến công mạng. Ðơn vị cũng đang triển khai nhanh các hệ thống hỗ trợ kiểm soát nội dung phục vụ công tác bảo đảm an toàn thông tin, nghiên cứu áp dụng các chính sách an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO 27001, đẩy mạnh triển khai các chương trình xử lý tin nhắn, thư rác và rà soát SIM rác trên mạng... Có thể khẳng định, với những quyết tâm và những mục tiêu, kế hoạch cụ thể đề ra, VNPT - NET sẽ góp phần cùng Tập đoàn VNPT hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển giai đoạn 2016 - 2020 cũng như thực hiện thành công chiến lược VNPT 4.0.

THÁI LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/38839502-tru-cot-ve-chat-luong-ha-tang.html