Trụ điện dự ứng lực trong sau bão: Trách nhiệm của ai?

Trụ điện gãy trong bão có trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, đơn vị cung cấp vật liệu...

Chiều ngày 2/10/2020, tại buổi họp báo thường kỳ của Chính phủ, trả lời những câu hỏi liên quan đến nhiều trụ điện dự ứng lực gãy ngang trong cơn bão số 5 tại khu vực miền Trung diễn ra hồi giữa tháng 9/2020, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, có đến hơn 300 cột điện trung thế và hạ thế bị đổ gãy do ảnh hưởng của mưa bão.

Về chất lượng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, cột điện là một phần của công trình lưới điện, được các đơn vị điện lực xây dựng trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Xây dựng, Nghị định 46 năm 2015 của Chính phủ.

Quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát, thi công, kể cả cung cấp vật liệu sản phẩm, kết cấu thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.

Về quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng là đơn vị phụ trách. Bộ đã ban hành công văn ngày 2/10 về tăng cường công tác quản lý chất lượng cột điện bê tông cốt thép ly tâm, sử dụng trong các công trình đường dây truyền tải điện trên không để yêu cầu tất cả công trình liên quan phải lưu ý và có biện pháp kiểm tra, khắc phục thiệt hại do bão gây ra.

Bão số 5 làm hàng trăm trụ điện ở miền Trung bị gãy, trong đó có nhiều trụ điện được làm theo công nghệ dự ứng lực. Ảnh Zing.vn

Bão số 5 làm hàng trăm trụ điện ở miền Trung bị gãy, trong đó có nhiều trụ điện được làm theo công nghệ dự ứng lực. Ảnh Zing.vn

Sau khi hàng loạt cột điện được thiết kế chịu được sức gió bão mạnh cấp 12 nhưng trong cơn bão số 5 vừa qua sức gió đạt thấp hơn nhiều nhưng cột điện vẫn bị gãy ngang, Bộ Công thương đã yêu cầu ngành điện trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng công trình, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình này.

Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương bảo đảm an toàn hành lang lưới điện và tăng cường kiểm tra công tác quản lý vận hành, kịp thời xử lý các điểm xung yếu. Từ đó hạn chế tác động của các cơn bão.

“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị liên quan không những của điện lực Việt Nam mà kể cả các doanh nghiệp sản xuất, vận hành trong ngành điện phải lưu ý thực hiện đúng theo quy định” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Trước đó, khi nói về loạt trụ điện dự ứng lực gãy ngang trong cơn bão số 5, ông Dương Kim Ái, Giám đốc Công ty cổ phần kiểm định kỹ thuật an toàn và tư vấn xây dựng tại Đà Nẵng (Incosaf thuộc Bộ Xây dựng) - đơn vị kiểm định chất lượng cột điện, cho biết: Cột điện bị gãy liên quan đến nhiều yếu tố như thiết kế, chất lượng sản phẩm, thi công... Nếu nhà sản xuất làm đúng theo TCVN mà cột gãy khi gặp gió giật dưới cấp 11 phải xem lại bản vẽ thiết kế trụ điện.

Là người trực tiếp đến hiện trường kiểm định, kỹ sư Thái Văn Anh (giám định viên của Incosaf tại Đà Nẵng) nói việc kiểm tra chất lượng cột điện, vật liệu được thực hiện đúng quy định của tiêu chuẩn TCVN 5847:2016.

Đề cập đến việc hàng trăm cột điện bị gãy, 2 chuyên gia này tỏ ra bất ngờ. Theo họ, muốn biết rõ nguyên nhân cột điện bị gãy hàng loạt thì cần có hội đồng khoa học vào hiện trường nghiên cứu, đánh giá lại tất cả quy trình từ thiết kế, sản xuất, thi công và yếu tố địa hình, địa chất của nơi xảy ra vụ việc.

"Để đánh giá cột gãy thì phải xem lại lực tác động thực tế chứ căn cứ theo cấp gió thì không chính xác. Lực xoáy tác động trực tiếp vào cột cùng với việc cây đổ vào đường dây cũng là nguyên nhân. Thông thường, một cột bị đổ sẽ kéo theo nhiều trụ điện gãy", kỹ sư Anh nhận định.

Phân tích sâu hơn, Giám đốc Incosaf chi nhánh Đà Nẵng, cho rằng nếu nhà sản xuất đã làm đúng theo TCVN mà cột vẫn gãy thì phải xem lại bản vẽ thiết kế trụ điện. Trong xây dựng phải có đơn vị thẩm tra, phê duyệt thiết kế.

"Sau khi thẩm định, đơn vị trúng thầu sẽ sản xuất cột điện. Quá trình này phải được chủ đầu tư giám sát chặt chẽ", ông Ái cho hay.

Cũng theo ông Ái, việc cột điện bị gãy liên quan đến nhiều yếu tố như thiết kế, chất lượng sản phẩm, thi công... Trong tất cả quy trình trên thì Incosaf chỉ tham gia ở khâu kiểm định những chỉ tiêu mà nhà sản xuất yêu cầu (thể hiện trong hợp đồng kinh tế).

Đơn vị này không tham gia giám sát, thiết kế, thi công nên chỉ chịu trách nhiệm những vấn đề được yêu cầu kiểm định.

"Nếu chúng tôi kiểm định sai thì sẽ chịu trách nhiệm. Ví dụ, nếu chúng tôi thử nghiệm thấy mác bê tông đủ nhưng cơ quan chức năng xác định thiếu thì mình kiểm định sai. Trường hợp mác bê tông đủ nhưng cột vẫn gãy thì đó không phải trách nhiệm của chúng tôi”, ông Ái nói.

Ngọc Vân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tru-dien-du-ung-luc-trong-sau-bao-trach-nhiem-cua-ai-3419981/