Trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi

Các quy định của luật chồng chéo, thiếu nhất quán trong khi ý thức chấp hành pháp luật về BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế dẫn đến tình trạng lách luật, trục lợi cá nhân

Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật về BHYT, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) còn chậm, có nhiều nội dung chưa bảo đảm tính thống nhất và chưa phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, việc thanh, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm của doanh nghiệp (DN) chưa rốt ráo dẫn đến tình trạng nhờn luật. Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị xử lý kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về BHYT, BHXH, BHTN cho người lao động (NLĐ) vừa được Bộ Tư pháp tổ chức tại TP HCM.

Doanh nghiệp cố tình lách luật

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, Chánh Văn phòng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), hệ thống BHXH từng bước được xây dựng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả góp phần bảo đảm tốt an sinh xã hội cho nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thi hành các chính sách này còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Luật cần đồng bộ để bảo vệ người lao động trong việc thụ hưởng chính sách bảo hiểmẢnh: AN KHÁNH

Luật cần đồng bộ để bảo vệ người lao động trong việc thụ hưởng chính sách bảo hiểmẢnh: AN KHÁNH

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các quy định của pháp luật chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến khó thực thi. Điển hình là tình trạng DN lách luật trong giao kết hợp đồng để trốn đóng BHXH cho NLĐ. Phổ biến nhất là việc DN ký hợp đồng công nhật, hợp đồng dưới 1 tháng hoặc thời vụ hay chưa ghi rõ chức danh nghề, mức độ nặng nhọc, độc hại hay đóng thiếu 7% so với mức lương đối với lao động đã qua đào tạo. Còn theo ông Trần Bảo Huân, Phó chánh Văn phòng BHXH TP HCM, vấn đề nổi cộm hiện nay là tình trạng nợ BHXH, BHYT với số tiền lớn và thời gian dài, tuy nhiên việc khởi kiện các DN đang gặp khó khăn. Điều 14 Luật BHXH quy định về việc tổ chức Công đoàn (CĐ) có quyền khởi kiện ra tòa đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, song trong thực tế, CĐ rất khó khởi kiện bởi không thể lấy hết chữ ký của từng lao động để đại diện khởi kiện chủ sử dụng lao động.

Ông Trần Trúc Giang, Phó Giám đốc BHXH quận 1, cũng cho hay hiện nay sự chênh lệch giữa mức lương thực lãnh so mới mức lương đóng BHXH khá lớn. Ông Giang dẫn chứng: "Pháp luật quy định có 15 khoản thu nhập không buộc đóng BHXH. Trên cơ sở này, để tránh đóng BHXH cao cho NLĐ, nhiều DN lách luật bằng cách chia nhỏ tiền lương sang các khoản phụ cấp không tính đóng BHXH bắt buộc. Như vậy, DN sẽ chỉ đóng BHXH dựa trên mức lương tối thiểu vùng gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của NLĐ khi về hưu". Cũng theo ông Giang, quy định đóng và hưởng chế độ thai sản hiện hành không còn phù hợp, bởi tình trạng NLĐ chỉ đóng BHXH ở mức tối thiểu là 6 tháng để lãnh trợ cấp thai sản xảy ra khá nhiều, mức đóng không tương xứng với mức hưởng gây ảnh hưởng đến quỹ.

Khó kiểm soát người thất nghiệp

Một vấn đề nổi cộm khác được các đại biểu quan tâm là tình trạng trục lợi BHXH, BHYT, BHTN của các NLĐ hiện nay. Đánh giá nguyên nhân, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho biết một phần là do sự thiếu hiểu biết của NLĐ trong khi công tác tuyên truyền về các chính sách này chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ngành địa phương liên quan trong việc giải quyết các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN còn thiếu chặt chẽ cũng dẫn đến tình trạng trục lợi các quỹ bảo hiểm.

Điển hình là năm 2019, BHXH quận Phú Nhuận đã phát hiện một trường hợp gian lận BHXH trong thụ hưởng chế độ BHXH một lần. Cá nhân này đã lợi dụng quy định báo mất sổ BHXH để được cấp sổ mới. Với 2 cuốn sổ nhân bản, cá nhân này đã ủy quyền cho những người khác nhau đến làm hồ sơ nhận BHXH một lần tại TP HCM và Bình Dương. Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với chính sách BHTN. Ông Hồ Trần Hoàng Anh, chuyên viên Phòng Lao động, Tiền lương, BHXH (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM), nhìn nhận hiện nay Trung tâm Dịch vụ việc làm TP không kiểm soát NLĐ đã có việc làm hay chưa trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi NLĐ nộp đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) nếu NLĐ không trung thực khai báo. Vì vậy, tình trạng NLĐ dù có việc làm nhưng vẫn nhận TCTN diễn ra khá phổ biến. "Chỉ đến khi DN tham gia BHXH cho NLĐ thì trung tâm mới phát hiện được và điều này khiến việc thu hồi tiền trợ cấp hết sức khó khăn" - ông Anh nêu thực trạng. Từ thực tiễn ấy, ông Hồ Trần Hoàng Anh đề xuất bổ sung mức phạt đối với NLĐ gian lận để hưởng TCTN và bổ sung hành vi, mức phạt đối với DN khi giao kết hợp đồng thử việc, hợp đồng lao động với NLĐ đang hưởng TCTN nhưng không thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm. Để ngăn chặn tình trạng này, các đại biểu cho rằng cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, người có thẩm quyền, xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.

Đẩy mạnh thanh, kiểm tra

"BHXH, BHYT, BHTN là những chính sách an sinh trụ cột. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi còn gặp nhiều vấn đề vướng mắc. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải rà soát, bổ sung những quy định chưa cụ thể, chưa đồng bộ hay thiếu tính khả thi. Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về công tác BHXH, BHYT, BHTN cho các cán bộ theo dõi, thi hành pháp luật, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN" - ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

THANH NGA

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/truc-loi-bao-hiem-ngay-cang-tinh-vi-2019121421085708.htm