Trục lợi tâm linh

Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho rằng, Phật giáo nên cấm việc tổ chức dâng sao giải hạn tại các chùa. Các nhà sư không nên làm việc đó.

Nhiều người tin rằng trong năm bị sao xấu chiếu mệnh như sao Thái Bạch, La Hầu, Kế Đô… sẽ gặp những tai ương, ách tắc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nên phải làm lễ cúng sao giải hạn đầu năm, mong giải được hạn.

Bởi vậy, sau Tết nguyên đán là thời điểm hàng ngàn người đổ về các chùa, các điểm thờ tự sắm lễ, đội sớ, cúng sao giải hạn. Họ cho rằng cúng vào những đầu năm là giai đoạn giao thời, sẽ tích được nhiều phúc lộc cho cả năm, cầu gì được nấy.

Như tại Tổ đình Phúc Khánh (Hà Nội) vừa qua có hàng ngàn người ngồi chật kín sân đình rồi tràn ra cả đường để tham dự lễ dâng sao giải hạn bất kể thời tiết mưa hay nắng.

Theo quan niệm xa xưa, mỗi người sinh ra đều có một sao chiếu mệnh tùy theo năm. Có 9 chòm sao chính gọi là cửu diệu: Sao La Hầu, sao Thổ Tú, sao Thủy Diệu, sao Thái Bạch, sao Thái Dương, sao Vấn Hớn, sao Kế Đô.

Trong số 9 ngôi sao chiếu mệnh này có sao tốt, sao xấu vì thế nếu không may gặp sao xấu chiếu mệnh người đó sẽ vướng phải chuyện không may hay ốm đau, bệnh tật mà gọi chung là vận hạn.

Bởi vậy, để giảm nhẹ vận hạn thì người ta sẽ làm lễ cúng, dâng sao giải hạn đầu năm hoặc đầu của mỗi tháng trong năm để xin Thần Sao phù hộ độ trì cho bản thân, con cháu và gia đình vạn sự đều bình an, tốt lành.

Có thể chỉ ra một số điểm thờ tự làm lễ dâng sao giải hạn: Chùa Phúc Khánh; chùa Tĩnh Lâu (chùa Sải) ở phường Bưởi (quận Tây Hồ); chùa Ngòi ở quận Hà Đông; chùa Hà; chùa Bà Đá…

Đáng nói, làm lễ dâng sao giải hạn không còn xuất phát từ sự tùy tâm mà giá được niêm yết giao động từ 150.000 đồng đến 500.000 đồng/người tùy thuộc mỗi điểm thờ tự. Làm sớ cầu an cúng cho cả gia đình trong một năm từ 400.000 đồng đến cả triệu đồng.

Nhiều người ngồi tràn ra lòng đường vái vọng vào hướng tổ đình Phúc Khánh để làm lễ dâng sao giải hạn. Ảnh: Anh Tuấn.

Nhiều người ngồi tràn ra lòng đường vái vọng vào hướng tổ đình Phúc Khánh để làm lễ dâng sao giải hạn. Ảnh: Anh Tuấn.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) phải lắc đầu ngao ngán trước việc hàng ngàn người dân đua nhau đi hành lễ dâng sao giải hạn vào đầu năm.

Phó Giáo sư Lê Quý Đức thẳng thắn đặt vấn đề: “Lễ dâng sao giải hạn có thể che chở, giúp con người vượt qua những bất trắc, thậm chí vượt qua cái chết để sống mãi được không? Câu trả lời là không!

Nguyên nhân khiến nhiều người đi dâng sao giải hạn có thể xuất phát từ cuộc sống bế tắc, tai nạn, ốm đau, bệnh tật, làm ăn không thuận lợi, tình yêu trắc trở… nên họ làm như vậy tìm đến một điểm tựa tinh thần.

Con người cũng có tâm lý, thấy người nọ, người kia đi cúng sao mà mình không làm lại thấy áy náy, không yên tâm. Bởi vậy, họ tìm đến những nơi làm lễ dâng sao giải hạn dù phải xếp hàng, chen lấn, ngồi tràn ra đường, trời mưa hay nắng”.

Nói về lễ dâng sao giải hạn hay còn gọi là lễ cúng sao, Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho hay: “Trong giáo lý Phật giáo không có việc cúng dâng sao giải hạn. Việc làm lễ dâng sao giải hạn cũng không phải là một công việc của nhà chùa.

Dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật mà đây là một nghi lễ của Đạo giáo. Vì thế, có chùa tổ chức dâng sao giải hạn là chưa đúng. Phật giáo nên cấm việc tổ chức dâng sao giải hạn tại các chùa. Các nhà sư không nên làm việc đó.

Con người còn tin vào sao chiếu mạng sẽ dễ lạc vào các điều mê tín. Và mê tín một cách thái quá có thể khiến người ta tiền mất, tật mang, thậm chí dẫn đến những suy nghĩ thiếu tích cực cả năm”.

Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho rằng, con người cần phải tin vào chính mình thay vì tin vào đấng siêu nhiên nào đó kẻo tiền mất, tật mang. Ảnh: Mai Thu.

Phó Giáo sư Đức đặt dấu hỏi: “Không biết người ta làm lễ cao siêu đến đâu để giúp được cho mỗi người, mỗi gia đình vượt qua được muộn phiền, âu lo không, nhưng trên thực tế chúng ta đều thấy nhiều người dù không đi dâng sao giải hạn vẫn sống tốt đấy thôi.

Con người ta từ khi sinh ra tới khi mất đi sẽ phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong đời sống là hết sức bình thường, chỉ có sống tốt, làm việc thiện thì mới được bình an và ngược lại làm nhiều việc sai trái, làm việc ác thì tự họ cũng gặp chuyện xấu.

Có thể nói, trong cuộc sống thế tục con người gặp chuyện vui buồn là hết sức bình thường, đừng quá lo lắng để rồi bỏ công sức, tiền của đi tìm một đấng siêu nhiên nào đó”.

Cũng theo nhà văn hóa Lê Quý Đức, dâng sao giải hạn là một phần trong đời sống tâm linh, nhưng không phải cứ làm lễ là giải được hạn. Đó chỉ là trò lừa bịp những người mê tín thái quá.

Phật giáo khuyên răn con người tích đức với luật nhân quả, luân hồi. Tức là, mọi nghiệp đều do tu tâm, cách hành xử của con người trong xã hội chứ không phải làm điều xấu rồi dâng sao giải hạn là an tâm, thoát luật nhân quả.

“Pháp luật không cấm người dân đi dâng sao giải hạn, nhưng cần củng cố niềm tin, giáo dục cho người dân hiểu, nhận thức cho con người tin vào chính mình thay vì tin vào đấng siêu nhiên nào đó.

Giáo lý nhà Phật cũng khuyên người dân nên tích đức, làm việc thiện, bởi gieo nhân nào gặp quả nấy. anh làm việc thiện, làm việc tốt thì ắt sẽ nhận điều tốt đẹp”, Phó Giáo sư Đức nói.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Quý Đức nói rằng việc nhà chùa ngã giá ngay giữa chốn linh thiêng để làm lễ dâng sao giải hạn cho người dân là hành vi cần phải lên án. Trục lợi tâm linh đang gây ra nhiều hệ lụy, làm méo mó tín ngưỡng, cho nên các cơ quan quản lý cần phải sớm có các biện pháp mạnh để ngăn chặn.

Vũ Phương

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/van-hoa/dang-sao-giai-han-dang-lam-meo-mo-tin-nguong-truc-loi-tam-linh-post195744.gd