Trục lợi từ trẻ em

Sinh thời, Bác Hồ có viết rằng: 'Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan'. Đây là hai câu thơ chứa chan tình yêu thương của Bác Hồ với trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.

Chuyện ai cũng biết

Hơn một tuần liền, dư luận rất sốc với thông tin các bé ở Trường Mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bị ăn thịt lợn có nhiễm sán. Hình ảnh những miếng thịt lợn đầy đốm trắng rất kinh khiếp được nhiều cơ quan truyền thông chuyển tải, hình ảnh được giới thiệu là do phụ huynh của các bé đang theo học tại trường mầm non này cung cấp cho báo giới.

Song song với hình ảnh những miếng thịt lợn nhiễm sán, là hình ảnh những bậc làm cha làm mẹ đưa con mình từ Bắc Ninh xuống Hà Nội, đứng xếp hàng từ mờ sớm tại các bệnh viện để chờ đến lượt thực hiện xét nghiệm rồi âu lo chờ đợi câu trả lời cho câu hỏi, “Con mình có bị nhiễm sán lợn hay không?”. Đáng tiếc là, con số các bé dương tính với ấu trùng sán lợn ngày càng tăng tạo nên một cuộc đại khủng hoảng, ít nhất là xét về mặt thông tin.

Và thật buồn bởi trong bối cảnh đời sống như hiện nay, vẫn phải chứng kiến những hình ảnh ấy.

Nhưng trong ngôi trường Mầm non Thanh Khương ở Thuận Thành - Bắc Ninh, trẻ đã không được yêu thương như thế, nếu không nói là đã quá ác với trẻ. Hàng trăm trẻ được đưa đi xét nghiệm và kết quả là dương tính với sán lợn sau khi phát hiện bếp ăn trong nhà trường có thực phẩm bất thường, đó là thịt lợn nổi hạch và gà thì mủn hôi.

Hiện tại, chúng ta chưa thể khẳng định là trẻ nhiễm sán lợn là do ăn thức ăn trong nhà trường hay từ nguồn lây nhiễm nào bởi vụ việc chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Song, có thể chắc một điều rằng, thịt lợn bệnh đã hiện diện trong nhà trường này.

Và việc nhà trường nói rằng, chỉ phần thịt lợn nấu cho giáo viên mới phát hiện bất thường, thịt nổi hạch còn phần thịt nấu cho các em học sinh là thịt sạch, trong khi cả hai phần thịt ấy đều cắt từ một miếng to, là điều rất vô lý.

Minh họa: Hùng Dingo.

Minh họa: Hùng Dingo.

Không có chuyện một miếng thịt lớn mà trong đó có phần sạch, phần bất thường; cũng như con lợn bệnh thì không có chuyện bệnh một nửa, nửa kia khỏe mạnh được. Tại sao thấy miếng thịt to có chỗ bất thường, nổi hạch mà vẫn tiến hành nấu cho trẻ ăn?

Cho trẻ ăn thực phẩm bẩn, đó là một tội ác. Không chỉ như vậy, đưa thực phẩm bẩn vào bếp ăn, dù là nhà trường nào hay bất cứ bếp ăn tập thể nào đi nữa, cũng đều là một tội ác. Và Trường Mầm non Thanh Khương không phải là trường hợp cá biệt.

Chúng ta vẫn thường xuyên nghe thấy các vụ về trẻ em ngộ độc thực phẩm phải nhập viện sau bữa cơm trong trường. Chúng ta cũng rất thường xuyên hay tin, các anh chị em công nhân ở một xí nghiệp nào đó nhập viện sau bữa cơm tập thể,… Nhưng trong tất cả các vụ thực phẩm bẩn đã qua, có lẽ vụ ở Trường Mầm non Thanh Khương là gây bức xúc nhất.

“Quá độc ác! Con tôi còn nhỏ, đã biết gì đâu”, một phụ huynh có con học ở Thanh Khương đã gạt nước mắt bức xúc khi đưa con đi xét nghiệm sán lợn.

Nhiều nhà xã hội học, nhà giáo dục đã lên án hành vi cho trẻ ăn thực phẩm bẩn, rằng đó là một tội ác không thể dung thứ. Nhưng nguyên nhân do đâu mà người ta có thể dễ dàng “ác” với trẻ như thế?

Câu trả lời trước hết đó là vì lòng tham. Một miếng thịt bệnh thay vì bỏ đi, người ta vẫn bán vào nhà trường để kiếm lời. Đó đích danh là sự kiếm tiền trên sức khỏe, sinh mạng người khác, mà đối tượng của những kẻ tham ở đây là những đứa trẻ vô tội. Nhưng lòng tham của con người thì hiện diện ở khắp nơi. Nhưng con đường đưa thực phẩm bệnh vào trong bếp nhà trường thì có lẽ chỉ lòng tham thôi là chưa đủ.

Đơn vị cung cấp thức ăn cho nhà trường có thể vì lợi nhuận mà sẵn sàng bán thịt có biểu hiện bất thường, bán thực phẩm hôi thối, không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Song, họ không dễ dàng đưa những thứ thực phẩm ấy vào trong một ngôi trường, nếu không có sự bắt tay, đồng ý của một ai đó.

Hai lần liên tiếp có vấn đề về thực phẩm ở Trường Mầm non Thanh Khương, một lần là thịt heo nổi hạch, kế đến sau đó là thịt gà hôi thối xuất hiện trong bếp ăn. Đó có lẽ không phải là sự cố ngoài ý muốn, mà là một “thói quen”. Không biết, đã bao lần những đứa trẻ ngây thơ đã bị cho ăn những thực phẩm như thế dưới mái trường mến yêu của mình!

Có thông tin cho rằng, trước kia, giáo viên trong trường tự mua thức ăn về nấu cho trẻ, sau đó thì Phòng Giáo dục - Đào tạo ép mua thực phẩm của công ty (công ty này hằng ngày cung cấp thực phẩm cho hàng chục ngôi trường ở địa bàn huyện).

Thông tin này vẫn chưa được xác thực. Song, ai cũng biết rằng, để có suất cung cấp cho một nhà trường không phải là dễ dàng. Về quy tắc, đó là phải đấu thầu công khai với phụ huynh và chọn lựa nhà thầu đủ tiêu chuẩn, chất lượng.

Nhưng thực tế nhiều khi không phải như vậy mà chỉ là những cái bắt tay trong bóng tối hay thậm chí là những sự “ép” của ai đó có quyền lực mà thôi.

Câu hỏi đặt ra là quá trình để công ty cung cấp thực phẩm cho trường được thực hiện như thế nào? Quá trình kiểm tra nguồn thực phẩm hằng ngày khi vào bếp ăn cho trẻ diễn ra ra sao?... Đó là những câu hỏi cần được trả lời để tìm ra nguyên nhân vì sao thịt bệnh, thịt bẩn có thể dễ dàng xuất hiện trong bữa ăn của trẻ ở Trường Mầm non Thanh Khương như thế.

Những con buôn vô cảm vì hám lợi đã đành. Song, để sự vô cảm và máu lạnh lấp ló hình hài trong những ngôi trường, lại là trường mầm non thì đó là điều không thể chấp nhận được. Sự vô cảm của con buôn càng trở nên nhỏ nhoi so với sự vô cảm của những kẻ tạo điều kiện cho người ta đàng hoàng nhập thực phẩm độc tới bữa ăn của những đứa trẻ.

Chúng ta từng nói nhiều đến lợi ích nhóm, nó hiện diện ở khắp nơi trong cuộc sống này. Song có lẽ lợi ích nhóm trong một trường mầm non để cùng nhau kiếm lợi trên sinh mạng của những đứa trẻ ngây thơ là thứ lợi ích nhóm đáng bị nguyền rủa nhất. Nhất định phải ngăn chặn, phải đấu tranh để loại trừ đến cùng.

Hoàng Lãm

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/truc-loi-tu-tre-em-538234/