Trục quay của Trái đất bị nghiêng vì con người hút quá nhiều nước ngầm

Theo một nghiên cứu mới, cơn khát nước ngầm không thể nguôi ngoai của con người đã hút quá nhiều chất lỏng từ các nguồn dự trữ ngầm đến mức ảnh hưởng đến độ nghiêng của Trái đất.

Nước ngầm cung cấp nước uống cho con người và gia súc, đồng thời giúp tưới tiêu cho cây trồng khi khan hiếm mưa. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy việc khai thác nước ngầm liên tục trong hơn một thập kỷ đã làm thay đổi trục quay của hành tinh chúng ta, khiến nó nghiêng về phía Đông với tốc độ khoảng 4,3 cm mỗi năm.

 Theo một nghiên cứu mới, khai thác nước ngầm là một yếu tố quan trọng trong việc làm nghiêng trục quay của Trái đất. Ảnh: CNN

Theo một nghiên cứu mới, khai thác nước ngầm là một yếu tố quan trọng trong việc làm nghiêng trục quay của Trái đất. Ảnh: CNN

Sự thay đổi đó thậm chí có thể quan sát được trên bề mặt Trái đất, vì nó góp phần làm tăng mực nước biển toàn cầu, theo các nhà khoa học đã báo cáo trong nghiên cứu được công bố ngày 15 tháng 6 trên tạp chí Geophysical Research Letters.

“Trục quay của Trái đất thực sự thay đổi rất nhiều”, tác giả chính của nghiên cứu Ki-Weon Seo, giáo sư khoa giáo dục khoa học Trái đất tại Đại học Quốc gia Seoul ở Hàn Quốc, cho biết trong một thông cáo báo chí.

Con người có thể không cảm nhận được sự quay của Trái đất, nhưng nó đang quay trên trục Bắc - Nam với tốc độ khoảng 1.609 km mỗi giờ.

Bên trong Trái đất gồm lớp đá và magma bao quanh một lõi nóng, dày đặc. Ở lớp đá ngoài cùng có lượng nước bao la, được ước tính chứa lượng nước nhiều hơn 1.000 lần so với tất cả các sông và hồ trên bề mặt thế giới.

Từ năm 1993 đến 2010, khoảng thời gian được xem xét trong nghiên cứu, con người đã khai thác hơn 2.150 tỷ tấn nước ngầm từ bên trong Trái đất. Để hiểu rõ hơn, nếu lượng đó là đổ vào đại dương, nó sẽ làm tăng mực nước biển toàn cầu khoảng 6 milimét.

Vào năm 2016, một nhóm các nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng sự dịch chuyển trên trục quay của Trái đất từ năm 2003 đến năm 2015 có thể liên quan đến những thay đổi về khối lượng của các sông băng và tảng băng, cũng như trữ lượng nước lỏng trên mặt đất của hành tinh.

Trên thực tế, bất kỳ thay đổi lớn nào trên Trái đất, bao gồm cả áp suất khí quyển, đều có thể ảnh hưởng đến trục quay của nó, theo giáo sư Seo cho biết. Nhưng sự thay đổi trục gây ra bởi sự thay đổi áp suất khí quyển là có tính chu kỳ, có nghĩa là trục quay sau đó quay trở lại vị trí ban đầu.

Việc khai thác nước ngầm không chỉ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên quý giá, mà còn gây ra những hậu quả toàn cầu ngoài ý muốn. “Chúng ta đã tác động đến các hệ thống Trái đất theo nhiều cách khác nhau”, giáo sư Seo nói. “Mọi người cần phải nhận thức được điều đó”.

Mai Anh (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/truc-quay-cua-trai-dat-bi-nghieng-vi-con-nguoi-hut-qua-nhieu-nuoc-ngam-post253417.html