Trực thăng của Shoigu khiến Mỹ đau đầu

Tầm hoạt động của tên lửa cho Ka-52M sau một năm tăng gấp 4 lần. Đây có phải là chuyện có thật?

Xin giới thiệu bài viết của Vladimir Tuchkov trên báo Nga “Bình luận quân sự”.

Trong ảnh: Máy bay trực thăng đa năng Ka-52 của Lực lượng Không gian vũ trụ Nga (Ảnh: Yuri Smityuk / TASS)

Trong ảnh: Máy bay trực thăng đa năng Ka-52 của Lực lượng Không gian vũ trụ Nga (Ảnh: Yuri Smityuk / TASS)

Một nguồn tin của TASS trong tổ hợp công nghiệp quân sự vừa đưa ra tin nóng: Máy bay trực thăng tấn công mới nhất của Nga Ka-52M sẽ được trang bị tên lửa không đối đất có tầm bắn lên tới 100 km.

Con số này gấp 10 lần so với các tên lửa đang được trang bị cho máy bay trực thăng Mi-28NM và Ka-52 và gấp 5 lần so với tên lửa tầm xa của trực thăng Hải quân Ka-52K “Katran”. Liệu điều này là có thể hay không?

Chúng ta sẽ phải nói về việc trang bị tên lửa cho Ka-52M, và cả Mi-28NM, bởi vì mới gần đây, đã có quyết định phải chuẩn hóa thiết bị vũ khí cho hai loại máy bay trực thăng này.

Cả hai loại máy bay trực thăng đều được trang bị tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) “Ataka” với tầm bắn tới 6 km và “Chrysanthemum-M” có tầm bắn tới 10 km. Cả hai tên lửa đều có hệ thống dẫn đường bằng hai kênh - lệnh radio và laser.

Khi sử dụng "Chrysanthemum-M" ở khoảng cách tối đa từ mục tiêu, tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) loại “Stinger” không thể với tới máy bay trực thăng, vì MANPADS có tầm bắn ngắn hơn.

Tuy nhiên, máy bay trực thăng có thể trở thành con mồi cho các hệ thống phòng không tầm ngắn, vì phạm vi hoạt động của chúng, theo quy định, đạt tới 20 km. Trong trường hợp sử dụng ATGM “Ataka”, máy bay trực thăng cũng có thể tiêu diệt được MANPADS.

Cần phải nói rằng các nhà thiết kế người Mỹ khi chế tạo ra ATGM AGM-114 Hellfire, sử dụng trong máy bay trực thăng tấn công McDonnell Douglas AH-64 Apache, đã xuất phát từ nguyên tắc "An toàn hợp lý".

Tầm bắn của tên lửa này là 11 km, điều này đủ để bảo vệ máy bay trực thăng khỏi sự tấn công của MANPADS loại "Stinger" và "Igla".

Tuy nhiên, các nhà thiết kế của Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật đã quyết định “dịch chuyển” các máy bay trực thăng từ mục tiêu xa ra, đến khoảng cách mà các tên lửa phòng không tầm ngắn không thể với tới.

Người ta đã quyết định trang bị cho hai loại trực thăng tấn công của Nga tên lửa của tổ hợp tên lửa chiến thuật vạn năng “Hermes”. Dòng tên lửa này có cả tên lửa hành trình mặt đất, trên không và trên biển. Tổ hợp trên mặt đất có tầm bắn xa nhất là 100 km do thực tế là khi phóng tên lửa từ bệ phóng cố định có sử dụng máy gia tốc thuốc nổ cực mạnh.

Tổ hợp trên không được gọi là “Hermes-A”. Phạm vi hoạt động của nó đạt 20 km và được lắp đặt trên biến thể Ka-52K “Katran”. Tốc độ tối đa đạt 3 M, độ xuyên giáp là 1000 mm.

Tuy nhiên, người ta đã quyết định tăng thêm tầm bắn của trực thăng Ka-52M và Mi-28NM. Và thế là, “sản phẩm 305” bí ẩn đã xuất hiện. Sản phẩm này đang trong quá trình chế tạo, nhưng đã bắt đầu được thử nghiệm.

Điều này cũng được báo cáo bởi nguồn của TASS trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Nguồn tin này đã nói về việc thử nghiệm “sản phẩm 305”, trong thành phần của trực thăng Mi-28NM. Năm ngoái, tầm bắn của tên lửa này đạt 25 km.

Sau đây là những gì được biết về tên lửa này một năm trước: Ở giai đoạn đầu, nó bay dưới sự điều khiển của một hệ thống quán tính. Để đạt được mục đích đó, trước khi phóng, người ta nhập tọa độ của mục tiêu vào bộ nhớ của nó.

Trong khi bay, tên lửa truyền hình ảnh của mục tiêu về buồng lái máy bay bằng camera truyền hình. Ở giai đoạn cuối cùng, đầu tự dẫn đường mới được bật lên. Thể loại của nó không được báo cáo.

Nhưng vì “Hermes-A” được thiết kế không chỉ để phá hủy các phương tiện bọc thép, mà còn tiêu diệt cả các cấu trúc kỹ thuật trên mặt đất, nên nó không thể dùng tia nhiệt (hồng ngoại) được. Vì vậy, rất có thể, đó là do hoạt động của radar.

Cho dù tầm bắn của “sản phẩm 305” có lớn hơn bao nhiêu so với các tên lửa máy bay trực thăng hiện đang sử dụng thì vẫn có thể nói rằng tên lửa đầy hứa hẹn này là minh chứng cho bước nhảy vọt về chất lượng mà các nhà thiết kế vũ khí chống tăng tạo ra.

Tức là, người điều khiển vũ khí của máy bay trực thăng không cần phải phát kèm tín hiệu vô tuyến hoặc tia laser cho đến khi mục tiêu bị bắn trúng. “Sản phẩm 305” thuộc lớp tên lửa “ấn nút xong rồi quên đi”. Sau khi rời bệ phóng, tên lửa bay ở chế độ hoàn toàn tự động.

Hiện giờ, một nguồn TASS khác tuyên bố rằng “sản phẩm 305” có thể bay xa tới 100 km. Nghĩa là, chỉ trong một năm, phạm vi của tên lửa tăng gấp bốn lần. Vậy trong một, hai năm tới sẽ còn trông chờ vào điều gì khác nữa...

Nhưng điều này đặt ra một câu hỏi hoàn toàn tự nhiên: làm thế nào tên lửa này có thể được phóng bằng hệ thống thước ngắm của trực thăng? Và ở đây, có thể phát hiện ra những điều kỳ lạ ngay cả trong biến thể năm ngoái, có tầm bắn 25 km.

Để phóng tên lửa, trước hết phi công trực thăng phải nhìn thấy mục tiêu. Ngay cả khi việc dẫn đường được thực hiện bằng phương pháp lệnh vô tuyến hay bằng tia laser. Nếu tên lửa được trang bị đầu tự dẫn, đầu tự dẫn sẽ bắt được mục tiêu ngay sau khi tên lửa được phóng đi. Hoặc là, hệ thống dẫn quán tính sẽ khởi động ngay tức thì.

Phát hiện mục tiêu bằng mắt thường ở khoảng cách 25 km, thậm chí gần hơn, là không thực tế. Ở đây cần có sự hỗ trợ của các hệ thống điện tử. Mi-28NM có hệ thống định vị quang học GOES-451 và Ka-52M cũng được trang bị hệ thống này.

Hệ thống có hai kênh – vô tuyến truyền hình và truyền hình ảnh nhiệt cho phép phát hiện một chiếc xe tăng ở khoảng cách 20 km trong điều kiện ban ngày và nhận diện được nó ở khoảng cách 16 km.

Còn vào ban đêm, "tầm nhìn" kém hơn, nên việc phát hiện mục tiêu xảy ra ở khoảng cách 16 km, và nhận diện - ở mức 10 km. Nghĩa là, không thể tận dụng khả năng tối đa của hệ thống GOES-451 khi phóng “sản phẩm 305”.

Nhưng vẫn còn có thể hy vọng vào trạm radar. Trên Mi-28NM, nó chính là N025, còn trên Ka-52M – là "Arbalet". Cả hai trạm radar đều đã được hiện đại hóa, tuy nhiên, các đặc điểm về độ chính xác không được tiết lộ. Phạm vi của cả hai radar trước khi hiện đại hóa xấp xỉ 15 - 17 km.

Nhưng chúng ta có thể giả định rằng sau khi được cải tiến, độ chính xác có thể lên tới 25 km để có thể phục vụ dẫn đường cho tên lửa “sản phẩm 305” đầy hứa hẹn. Trong trường hợp ngược lại, cũng không có gì phải căng thẳng, chỉ cần tạo ra một tên lửa phù hợp "một phần" nào đó để sử dụng là được.

Và bây giờ chúng ta được biết thêm về loại tên lửa sẽ có tầm bắn đạt 100 km. Mặc dù thực tế là thiết bị mang theo nó (trực thăng, tàu chiến…) chỉ có khả năng phát hiện mục tiêu không xa hơn một phần tư khoảng cách này.

Ở đây có nhiều lựa chọn. Máy bay trực thăng tấn công có thể nhận được chỉ định mục tiêu từ một máy bay điều khiển và phát hiện radar tầm xa (AWACS). Hoặc từ một sở chỉ huy mặt đất.

Nhưng ai sẽ cần đến loại trực thăng không thể làm việc độc lập? Nó chỉ có thể được cử đi làm nhiệm vụ khi các máy bay đặc biệt, được sử dụng trong các hoạt động không quân quy mô lớn, cất cánh.

Vì vậy, không thể tin được nguồn tin của TASS. Có vẻ như người ta đột nhiên quyết định chuyển cho trực thăng một biến thể của tên lửa mặt đất Hermes, có tầm bắn 100 km.

Điều này hoàn toàn vượt ra ngoài ranh giới của logic, bởi vì tên lửa này được dẫn hướng bởi tia laser. Và, do đó, máy bay trực thăng phải nhìn thấy mục tiêu để còn chiếu tia laser vào, trong khi đó các radar của Mi-28MN và Ka-52M không thể nào “nhìn thấy” ở khoảng cách xa như vậy.

Tất Thịnh (Dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/truc-thang-cua-shoigu-khien-my-dau-dau-3397316/