Trực thăng tấn công Mi-28NM Night Hunter âm thầm thử nghiệm tên lửa tối mật tại Syria

Mục đích của Nga khi điều động trực thăng tấn công Mi-28NM Night Hunter tới Syria có vẻ không đơn thuần chỉ là đánh giá động cơ và các thiết bị điện tử tích hợp trên máy bay.

Tuần qua, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn nguồn tin riêng từ trong Bộ quốc phòng nước này cho biết, 2 nguyên mẫu trực thăng tấn công Mi-28NM Night Hunter đã được triển khai tới căn cứ không quân Hmeimim tại Syria.

Mi-28NM chính là phiên bản nâng cấp từ Mi-28N thế hệ trước, khi chiếc trực thăng này bị phàn nàn là hoạt động kém hiệu quả trong môi trường khí hậu nóng và nhiều bụi sa mạc như Syria.

Cụ thể, động cơ của Mi-28N bị phàn nàn là hay trong tình trạng quá nhiệt, thiết bị điện tử thường xuyên bị "lóa" và không phân biệt nổi mục tiêu trên nền sa mạc nóng bỏng.

Chiếc Mi-28NM được nhà sản xuất tuyên bố đã khắc phục triệt để mọi vấn đề trên, do đó Không quân Nga đã quyết định điều động nó tới Syria để tham chiến nhằm đánh giá kỹ hơn trước khi chính thức sản xuất hàng loạt.

Sự bổ sung trực thăng tấn công Mi-28NM Night Hunter cùng phi đội cường kích tầm thấp Su-25SM3 tại thời điểm này là rất đúng lúc, khi chiến dịch tấn công giải phóng tỉnh Idlib có dấu hiệu sắp diễn ra.

Ngay sau khi xuất hiện tại Syria, tại thực địa đã có báo cáo về hoạt động của trực thăng tấn công Mi-28NM Night Hunter ở khu vực phía Bắc tỉnh Hama vào ngày 21-3-2019.

Các nguồn tin từ lực lượng đối lập cho biết chiếc Mi-28NM trên đã bắn phá nhiều mục tiêu của các chiến binh nổi dậy tại thị trấn al Lataminah, tuy nhiên chưa có báo cáo về thương vong cũng như thiệt hại.

Bên cạnh việc đánh giá thiết bị tích hợp trên máy bay, hãng thông tấn TASS ngày 24-3 còn cho biết, trực thăng tấn công Mi-28NM Night Hunter đang tiến hành thử nghiệm một tên lửa dẫn đường thế hệ mới tại Syria.

Nguồn tin cho biết thêm, tên lửa này hiện vẫn chưa có tên định danh chính thức, nó mới chỉ được gọi tạm là Article 305 (hay Izdeliye 305), vũ khí này được trang bị đầu dò kết hợp cho độ chính xác rất cao.

Theo báo cáo trước đây của TASS, Article 305 được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính INS kết hợp cùng đầu dò quang điện tử, nó có tầm bắn lên tới 25 km, lớn hơn đa số sản phẩm cùng loại của Nga cũng như phương Tây.

Do tầm bắn rất xa, trước khi phóng tên lửa Article sẽ yêu cầu được nạp tham số tọa độ mục tiêu vào bộ nhớ rồi mới tiến hành phóng theo phương thức khóa mục tiêu sau.

Tên lửa sẽ dùng đầu dò quang điện tử gắn camera kỹ thuật số truyền hình ảnh trực tiếp về máy bay phóng thông qua kênh giao tiếp được mã hóa có độ bảo mật cao.

Phi công sẽ lựa chọn mục tiêu lần nữa trước khi ra lệnh cho tên lửa tiêu diệt, trong trường hợp mất liên lạc thì đạn có thể tự hành theo phương thức phóng và quên.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng phương thức điều khiển, tầm bắn và tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa chống tăng Article 305 có rất nhiều nét tương đồng với Spike NLOS của Israel hay HJ-10 của Trung Quốc.

Nếu thử nghiệm thành công tên lửa Article 305, trực thăng tấn công Mi-28NM Night Hunter sẽ có thể tung đòn tấn công tầm xa rất lợi hại mà không phải lo ngại về tên lửa vác vai cũng như những tổ hợp phòng không tầm ngắn của đối phương.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-truc-thang-tan-cong-mi28nm-night-hunter-am-tham-thu-nghiem-ten-lua-toi-mat-tai-syria/804326.antd