Phương Tây thích kể thách thức của Putin

Báo chí phương Tây cũng tỏ ra 'khách quan' khi nhắc tới hàng loạt thách thức mà nhà lãnh đạo Nga phải đối mặt trong 6 năm tới.

Tương lai mịt mờ trong mắt phương Tây

Báo chí phương Tây những ngày qua tiếp tục bình luận về chiến thắng áp đảo của đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc bầu cử hôm 18/3.

Ngoài những bài mang tính “chọc gậy”, báo chí phương Tây cũng tỏ ra “khách quan” khi nhắc tới hàng loạt thách thức mà nhà lãnh đạo Nga phải đối mặt trong 6 năm tới.

Theo đài RFI, ba thách thức lớn đối với ông Putin trong nhiệm kỳ tổng thống thứ tư là cải cách đời sống dân nghèo, phát triển kinh tế và giảm căng thẳng với phương Tây.

Tổng thống Nga V. Putin trong cuộc gặp làm việc với Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov hôm 22/3 tại Điện Kremlin

Theo đó, sau 18 năm nắm quyền, giờ là lúc ông chủ Điện Kremli phải quan tâm đến “dạ dày” của người dânNga. Ngay sau khi nhận được sự ủng hộ của 76% cử tri, Tổng thống Putin cảnh báo rằng một “công trình rất nặng nề” đang chờ ông.

Tuy nhiên, RFI cho ông Putin không có chương trình hành động về kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với phương Tây, ông phô trương là có tên lửa hạt nhân loại mới, tổ chức kỷ niệm 4 năm sáp nhập Crimea và hứa hẹn “nhiều chiến thắng sáng chói” khác trong tương lai.

Đài này dẫn ý kiến chuyên gia chính trị độc lập Dmitri Oreshkhine nhận định: “Nhiệm kỳ cuối cùng của ông Putin sẽ là nhiệm kỳ khó khăn nhất.

Cho đến nay, lịch trình hành động tập trung vào lĩnh vực sở trường của ông là chính sách đối ngoại. Giờ đây, Tổng thống Nga buộc phải tập trung vào kinh tế, chủ đề “thua” nhiều hơn “thắng”.

Theo RFI, thách thức thứ nhất là tình trạng “khốn khó” của người dân. Tổng thống Putin, trong diễn văn hồi đầu tháng 3/2018, chỉ đạo:

“Năm 2000 có 42 triệu người Nga sống dưới ngưỡng nghèo khó, tức là 30%. Đến 2012, số này giảm xuống còn 10%. Nhưng do khủng hoảng kinh tế, số người nghèo khó lại tăng lên 20 triệu, chiếm 13,5% dân số.

Tuy không lên đến 42 triệu như tình hình năm 2000 nhưng con số này không thể chấp nhận được”.

Với chiến thắng áp đảo hôm 18/3, Tổng thống Putin sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Nga đến năm 2024

Nhà lãnh đạo Nga cũng thừa nhận ngay những người có công ăn việc làm, có thu nhập cũng sống rất chật vật.

Ông nói: “Một trong những vấn nạn lớn mà chúng ta phải giải quyết trong thập niên tới là làm sao để mức thu nhập của người dân được gia tăng bền vững hầu làm giảm đi ít nhất 50% số người nghèo khó hiện nay trong 6 năm tới”.

Thách thức thứ hai là kinh tế Nga, vừa ra khỏi hai năm suy thoái, đang phải đối đầu với nguy cơ trì trệ.

Trong những năm đầu thập niên 2000, ông Putin theo chính sách tự do, cải cách để kích thích kinh tế. Nhưng khi vật giá leo thang thì chống lạm phát được xem là ưu tiên với các biện pháp tăng thu, giảm chi, tích trữ ngoại tệ phòng ngừa tình trạng nhiên liệu giảm giá kéo dài và lệ thuộc vào phương Tây.

RFI dẫn nhận định của một chuyên gia của Quỹ Đầu tư Nga Renaissanse Capital cho rằng hệ quả là kinh tế Nga không mạnh lên được, nạn nghèo khó tăng lên.

Chuyên gia Pháp Cyrille Bret, Trường Chính trị Paris, liệt kê một số nguyên nhân chính: “Tăng trưởng kinh tế Nga rất khiêm tốn, chỉ độ 1,5%, trong khi tăng trưởng trung bình trên toàn cầu là từ 3,5-4%.

Tình trạng nghèo khó ở Nga có liên quan nhân quả với tình trạng tài sản quốc gia tập trung trong tay một thiểu số đặc quyền đặc lợi. Tình trạng này đào sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo, một căn bệnh trầm kha của Nga từ khi Liên Xô tan rã”.

Sự kiện dầu mỏ xuống giá trong hai năm 2015-2016 cũng làm cho ngân sách Nga bị thiếu hụt bởi vì 50% nguồn thu nhập của Nga lệ thuộc vào các công ty nhà nước xuất khẩu nhiên liệu.

Cũng theo chuyên gia này, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, các biện pháp trừng phạt của phương Tây làm hàng hóa nhập khẩu đắt đỏ vì khan hiếm.

Tiếp theo đó, các biện pháp trả đũa của Nga, không mua hàng hóa phương Tây, càng làm cho vật giá trong nước leo thang. Thêm vào đó, chính quyền Nga phá giá liên tục làm đồng rúp rơi tự do.

RFI nêu ra một nguyên nhân nữa làm nước Nga lâm vào tình trạng nghèo khó là hệ thống phân phối lợi nhuận trên toàn xã hội ít hiệu quả.

Ví dụ như ở châu Âu và ở châu Phi có rất nhiều xí nghiệp nhỏ, đó là phương tiện sản xuất cốt lõi trong xã hội, tạo ra tài sản cho gia đình người làm chủ.

Trong khi ở nước Nga thì khu vực này lại không phát triển. Thủ phạm là cấu trúc kinh tế lạc hậu.

RFI kể ra thách thức thứ ba là bế tắc trong chính sách đối ngoại, đồng thời “dự đoán” rằng nếu không được giải tỏa trong nhiệm kỳ 6 năm tới, sẽ tác động đến tình hình nội bộ.

Những người ủng hộ tập trung ăn mừng chiến thắng của ông Putin đêm 18/3 tại Moscow

Vẫn là chuyên gia người Pháp Cyrille Bret đề xuất, nếu muốn cải thiện đời sống dân chúng, thì nước Nga phải hòa thuận với Tây phương trước khi quá trễ. Theo ông này, trước hết Nga phải ngưng đổ lỗi cho phương Tây gây ra trì trệ kinh tế.

Thị trường tài chính quốc tế có thể giúp Nga tài trợ các dự án đầu tư với lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất chỉ đạo 10% của ngân hàng trung ương Nga. Nga cũng không được tiếp cận với công nghệ thế giới vì trừng phạt.

Với một nền kinh tế được đánh giá là không có nguồn vốn và công nghệ mới, RFI đặt câu hỏi hoài nghi về tương lai của nước Nga trong 10 năm tới.

Vẫn một chữ nếu

Trước đó, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Putin tái đắc cử, hãng tin AFP của Pháp đã dẫn ra 5 thách thức kinh tế mà nhà lãnh đạo Nga phải đối mặt, liên quan tới thiếu hụt nguồn nhân lực, tuổi nghỉ hưu, thu hút đầu tư, đa dạng hóa và tăng năng suất.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Putin đã vài lần đề cập đến một vấn đề quan trọng, đó là chính sách nhân khẩu. Với dân số hiện tại là 146,9 triệu người, Nga đã bị "hao hụt" hơn 5 triệu dân kể từ năm 1991.

Thế hệ đầu tiên được sinh ra trong thời hậu Xô viết, thời kỳ tỷ lệ sinh sụt giảm, hiện là lực lượng tham gia thị trường lao động. Thị trường này đang phải chứng kiến tình trạng thiếu nhân lực có tay nghề và hậu quả kéo theo là tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin mới đây đã nói: "Trong vòng 10-15 năm tới, chúng ta sẽ có ít người trẻ tuổi hơn, vì vậy, một chuyên gia trẻ với các kỹ năng mới sẽ vô cùng có giá trị".

Máy bay Su-35 của Nga hạ cánh tại Latakia, Syria

Tuổi nghỉ hưu ở Nga - 55 đối với nữ và 60 tuổi đối với nam - là một trong những mức thấp nhất trên thế giới. Mặc dù lương hưu khá thấp, cùng với sự sụt giảm nhân khẩu học, song hệ thống lương hưu vẫn là một gánh nặng đang ngày càng lớn đối với ngân sách liên bang.

Liên quan tới vấn đề thu hút đầu tư, Nga thường "chào mời" các nhà đầu tư nước ngoài tại các hội nghị kinh tế, hứa hẹn sẽ cải thiện môi trường kinh doanh.

Các chuyên gia phương Tây cho rằng chính nhu cầu đầu tư nước ngoài là lý do khiến Kremlin không trả đũa các biện pháp trừng phạt gia tăng gần đây của Mỹ. Nga không muốn gây thêm khó dễ cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Nga.

Về vấn đề đa dạng hóa, Nga đang hướng tới giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ năng lượng và xuất khẩu nguyên liệu thô.

Trên thực tế, chưa cần tới sự “nhắc nhở” của các chuyên gia phương Tây, Tổng thống Putin trong thông điệp liên bang hôm 1/3 đã đề ra hướng đi cho nền kinh tế Nga trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 mà người Nga chắc chắn có đủ năng lực để tiến hành.

Thách thức kinh tế thứ 5 đối với nước Nga, theo AFP, là việc tăng năng suất. Hãng tin Pháp dẫn lời giới chuyên gia cho rằng:

"Nền kinh tế của Nga rất kém hiệu quả. Một phần đây là di sản của hệ thống Xô viết, một phần vì tăng trưởng quá dễ dàng nhờ được lợi từ dầu lửa giai đoạn 2000-2013…nếu tình trạng này được khắc phục, tăng trưởng sẽ được thúc đẩy".

Theo Đất việt

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/vu-khi/phuong-tay-thich-ke-thach-thuc-cua-putin/151194.htm