ĐBQH ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn, trừ điểm bằng lái

Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thống nhất cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết: Hầu hết các ý kiến đại biểu đều nhất trí quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội và tuổi thọ của giống nòi. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Đối với các ý kiến góp ý liên quan đến bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông, UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu, có tham khảo, chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

Việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô (ghế trẻ em sơ sinh, ghế trẻ em nhỏ, đệm nâng) phải phù hợp với độ tuổi, thể trạng thực tế của trẻ em Việt Nam.

Về đấu giá biển số xe, UBTVQH nhận thấy, sau thời gian bước đầu thực hiện thí điểm đấu giá biển số xe ô tô đã đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng được nhu cầu của người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Việc này cũng đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, quản lý biển số xe ô tô, được dư luận xã hội rất quan tâm và đồng tình, ủng hộ.

Do đó, việc luật hóa quy định vào dự thảo Luật TTATGT đường bộ là rất cần thiết. Kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số.

“Việc mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là phù hợp với nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân muốn có biển số xe theo ý thích”, ông Tới nói.

Quốc hội thảo luận Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại hội trường.

Quốc hội thảo luận Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại hội trường.

Quy định trừ điểm GPLX là biện pháp quản lý văn minh, hiện đại

UBTVQH cũng cho biết, một số ĐBQH đề nghị quy định chi tiết về hạng giấy phép lái xe (GPLX) trong Luật, không giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời, đề nghị quy định cho phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng quy định các hạng GPLX tại khoản 1 Điều 57 theo hướng kế thừa các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, phân hạng bảo đảm phù hợp với quy định của Công ước viên 1968 về giao thông đường bộ.

Đồng thời, bổ sung điều khoản chuyển tiếp quy định các loại GPLX đã cấp còn thời hạn thì vẫn có hiệu lực; trường hợp phải cấp lại, mới cấp theo quy định của Luật này, nên không làm xáo trộn và ảnh hưởng đến quyền lợi của người đã được cấp GPLX.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH cũng đã chỉ đạo xây dựng Điều 58 về điểm của GPLC. Việc bổ sung quy định điểm, trừ điểm GPLX là một biện pháp quản lý văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của nước ta.

Quy định này sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Người lái xe vi phạm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị trừ điểm GPLX. Trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm khi đang còn điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.

"Trường hợp bị trừ hết điểm, người được cấp GPLX phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT, đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. Việc này sẽ giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm bị trừ điểm GPLX, thẩm quyền trừ điểm, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi GPLX", báo cáo UBTVQH nêu.

Chỉ cảnh sát giao thông mới được dừng xe, xử lý vi phạm

Liên quan đến việc tuần tra, kiểm soát TTATGT đường bộ, đa số các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Luật.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT đường bộ của lực lượng thanh tra giao thông, UBTVQH thấy rằng, quy định chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Đảng.

Dự thảo Luật quy định, lực lượng cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT đường bộ.

Dự thảo Luật quy định, lực lượng cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT đường bộ.

Luật TTATGT đường bộ quy định hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm TTATGT đường bộ giao cho lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) chịu trách nhiệm; còn Luật Đường bộ quy định thanh tra giao thông thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về kết cấu hạ tầng đường bộ.

Về ý kiến đề nghị bổ sung lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tham gia tuần tra, kiểm soát trên tuyến giao thông, UBTVQH thấy rằng, theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, lực lượng này có nhiệm vụ hỗ trợ công an cấp xã hướng dẫn, phân luồng, giải quyết ùn tắc giao thông khi được huy động. Lực lượng này không có nhiệm vụ tham gia phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát giao thông.

Đề xuất lập Quỹ giảm thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ

Liên quan việc giải quyết tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thành lập Quỹ giảm thiệt hại TNGT đường bộ.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung Điều 85 trong dự thảo Luật, bảo đảm nguyên tắc: không vì mục đích lợi nhuận; được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; không được chi trùng với ngân sách Nhà nước.

Việc thành lập Quỹ này phù hợp với nhu cầu thực tiễn khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do TNGT gây ra cho con người và xã hội.

Nguồn kinh phí của Quỹ chủ yếu từ xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực và phát huy sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội nhằm hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho nạn nhân TNGT, thân nhân của người bị tai nạn để họ nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Nên giao Bộ GTVT sát hạch người bị trừ hết điểm bằng lái

Góp ý về dự thảo Luật TTATGT đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre ) cho rằng, quy định trích một phần tiền xử phạt vi phạm giao thông để phục vụ công tác đảm bảo TTATGT, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng CSGT là chưa thực sự hợp lý.

Đại biểu chỉ ra công tác xử phạt hành chính trong nhiều ngành, lĩnh vực đều phải tuân thủ theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, vậy tại sao ở lĩnh vực này lại có quy định riêng về trích phần trăm tiền thu phạt?

“Quy định này một mặt không thống nhất với các quy định hiện hành, mặt khác vô tình làm cho CSGT chịu điều tiếng không hay”, đại biểu Nhi nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre).

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre).

Góp ý vào quy định về trừ điểm GPLX, đại biểu Yến Nhi đánh giá đây là điểm mới, một số nước đang có quy định theo hướng này.

Hiện nay, khi bị tước GPLX có thời hạn, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, gây ảnh hưởng đến đời sống. Việc trừ điểm GPLX sẽ hạn chế việc tước GPLX, tài xế vẫn có thể điều khiển phương tiện giao thông.

Song, ở khoản 3 điều này có quy định nếu GPLX bị trừ hết điểm, người được cấp GPLX phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức.

Theo đại biểu, việc này nên giao cho Bộ GTVT vì theo khoản 8 điều 60, khoản 7 điều 61 của Luật Đường bộ, Bộ GTVT quy định hình thức, nội dung, chương trình, quy trình đào tạo lái xe và sát hạch để cấp GPLX.

Bị trừ hết điểm, GPLX có còn hiệu lực?

Quan tâm nội dung trừ điểm GPLX, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị cần làm rõ , đây là biện pháp xử phạt hành chính hay biện pháp bổ sung xử phạt hành chính.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum).

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum).

Cá nhân đại biểu cho rằng đây là biện pháp bổ sung xử phạt hành chính. Nếu như vậy thì cần bổ sung vào khoản 2 theo hướng người có hành vi vi phạm giao thông vừa phải chịu xử phạt hành chính kèm theo bị trừ điểm GPLX.

Đối với trường hợp GPLX bị trừ hết điểm, theo quy định tại dự thảo Luật thì phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật và khi có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ điểm.

"Vậy trong thời gian chờ kiểm tra hoặc kiểm tra không đạt yêu cầu thì GPLX này có còn hiệu lực hay không? Cần quy định rõ theo hướng nếu bị trừ hết điểm thì GPLX đó hết hiệu lực và khi được phục hồi đủ hai điểm thì sẽ có hiệu lực trở lại", đại biểu Tám đề xuất.

Trừ điểm bằng lái sẽ ngăn tình trạng tài xế đối phó

Đồng tình với nhiều đại biểu đã góp ý, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn tỉnh Bắc Ninh) cho rằng quy định trừ điểm GPLX là phù hợp và cần thiết. Đây là biện pháp quản lý Nhà nước, vừa có tính giáo dục răn đe, giúp cho lái xe chú ý hơn, cẩn thận hơn, chấp hành tốt hơn.

Ngoài ra, giúp cơ quan Nhà nước quản lý được người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn tỉnh Bắc Ninh).

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn tỉnh Bắc Ninh).

Để đảm bảo khi Luật thông qua được triển khai có hiệu quả, đại biểu Vân đề nghị Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm và trừ bao nhiêu điểm cụ thể đối với từng lỗi vi phạm.

Cần ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống dữ liệu khi làm thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm GPLX để đảm bảo đơn giản, phù hợp, tránh thiệt hại cho người dân; đồng thời tránh phát sinh tiêu cực do không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm.

“Trừ điểm bằng lái là giải pháp quản lý công khai, minh bạch, hiện đại, quản lý được cả quá trình chấp hành pháp luật của lái xe thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ và hướng tới xây dựng thói quen, văn hóa tham gia giao thông thay vì tình trạng chấp hành pháp luật TTATGT còn có sự đối phó như hiện nay”, bà Vân nhìn nhận.

Góp ý thêm về quy định trừ điểm GPLX, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn tỉnh Lai Châu) cho rằng cần quy định chặt chẽ và có tính răn đe cao hơn đối với những người vi phạm liên tục cùng một lỗi, tránh trường hợp GPLX đã bị trừ hết điểm và kiểm tra lại được tham gia giao thông.

Do đó, đại biểu Khánh đề nghị quy định thêm vào khoản 3 Điều 5 tình tiết tăng nặng, vi phạm 2 năm liên tục có thể tạm thời tước GPLX.

ĐBQH thay đổi quan điểm cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Quan tâm đến quy định nồng độ cồn khi lái xe trong dự thảo Luật lần này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nêu rõ, tại kỳ họp thứ 6 trong phiên thảo luận tổ, ông đã đề nghị không nên quy định cứng nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe vì cho rằng, chúng ta nên quy định cùng xu hướng của các nước trên thế giới.

“Nhưng mới đây, khi tham gia tiệc cưới ở quê nhà, tôi thấy việc cấm nồng độ cồn bằng 0 lại đúng. Vì một bộ phận người dân vẫn còn nể nang nhau hơn là tôn trọng pháp luật”, ông Huân nói.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương).

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương).

Về hai luồng ý kiến khác nhau liên quan đến quy định nồng độ cồn bằng 0, đại biểu Huân đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục để Luật thông qua sẽ thấu tình đạt lý, đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân

Không uống rượu bia vẫn có cồn trong máu, xử lý thế nào?

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn tỉnh Thái Bình) quan tâm tới quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Đại biểu cho biết, trong hồ sơ trình tại kỳ họp đã có báo cáo đánh giá tác động, kết quả điều tra xã hội học và bổ sung số liệu minh chứng cũng như kinh nghiệm quốc tế để đề xuất tiếp tục kế thừa quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia là cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn tỉnh Thái Bình).

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn tỉnh Thái Bình).

Đại biểu Thu khẳng định đồng thuận với đề xuất này nhưng để đồng thuận và thống nhất, đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật định lượng ethanol máu, có quy định cụ thể về diễn giải kết quả và giá trị tham chiếu đối với những trường hợp tham gia giao thông cần định lượng nồng độ cồn.

Trong nhận định kết quả, cần có quy định đối với trường hợp dưới ngưỡng phát hiện của máy xét nghiệm nhưng cao hơn 0 để phân biệt các trường hợp bình thường không uống rượu vẫn có nồng độ cồn trong máu.

Đại biểu chỉ ra thực tế, hiện nay nồng độ cồn trong máu người bình thường, không uống rượu khoảng đo được đã là 10-20 mg/dL tương đương 0,01 - 0,02%. Và đây chính là hạn chế của hầu hết máy xét nghiệm hiện nay.

Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp tử vong, hay tai nạn đa chấn thương nặng, khi sốc dẫn đến toan chuyển hóa, thì khả năng gây sai lệch kết quả cao nếu xét nghiệm bằng phương pháp hóa sinh miễn dịch. Do vậy đại biểu đề nghị quy định sử dụng phương pháp hóa sinh sắc ký trong tình trạng này.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang).

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang).

Cũng góp ý về nội dung trên, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) băn khoăn: "Liệu quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe đã thực sự đầy đủ, chặt chẽ hay chưa, có dẫn đến việc có trường hợp bị xử lý oan hay không? Vì thực tế có những người trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh, không phải do họ sử dụng rượu, bia?".

Dẫn báo cáo của UBTVQH: "Về nồng độ cồn nội sinh đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng và thực tiễn phát hiện là rất hiếm, có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu nhằm không làm sai lệch kết quả xử lý", ông Tuấn cho rằng, việc xác định nồng độ cồn nội sinh là "chưa có căn cứ rõ ràng", chứ không phải là không có căn cứ.

"Tài xế có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại qua xét nghiệm máu, nhưng kết quả xét nghiệm máu có thực sự chính xác hay không? Trường hợp nào thì cần kiểm tra lại qua xét nghiệm máu?", ông Tuấn đặt vấn đề và đề nghị, nội dung này cần được quy định chặt chẽ trong Luật, tránh việc xử lý oan.

Đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Khoản 2, Điều 10 của dự thảo Luật về hành vi bị nghiêm cấm theo hướng: "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trừ trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh".

Đồng thời cần bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tránh việc xử lý oan đối với các trường hợp này.

"Nhiều cử tri mong có ngưỡng nồng độ cồn với tài xế xe máy"

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), trên thế giới chỉ có 23 quốc gia (trong đó có Việt Nam) quy định nồng độ cồn trong hơi thở bằng 0 khi tham gia giao thông.

Số liệu phân tích cho thấy, 90% TNGT xảy ra do ý thức, nhận thức của con người. Trong khi thực tế, chúng ta thấy có những người uống một chút rượu bia nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, tỉnh táo để điều khiển phương tiện. Nếu quy định nồng độ cồn bằng 0 thì họ không thể điều khiển phương tiện, mà thu nhập của nhiều người dân Việt Nam không đủ điều kiện để thuê xe dịch vụ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp).

Từ đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nên cho phép ngưỡng nồng độ cồn khi tham gia giao thông đối với người đi xe gắn máy.

Đối với quy định thành lập Quỹ giảm thiệt hại TNGT đường bộ, đại biểu cho rằng đây là quy định nhân văn, giúp đỡ người bị TNGT bớt khó khăn.

"Nhưng quỹ này chỉ chi cho trường hợp bị thương, tử vong do TNGT gây ra, không sử dụng để tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông, dễ dẫn tới lạm dụng quỹ", ông Hòa nói.

Về tiền trích lại tiền phạt cho CSGT, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình với quy định này nhưng cũng đề nghị quy định tỷ lệ phần trăm cụ thể, không nên quy định "một phần" như dự thảo luật.

Quy định rõ việc phạt nguội từ hình ảnh người dân cung cấp

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của người điều khiển giao thông đường bộ chủ động dừng lại nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Bởi thực tế, xảy ra nhiều vụ tai nạn xảy ra cả ở nơi có vạch chỉ đường dành cho người đi bộ và nơi không có vạch chỉ đường dành cho người đi bộ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình).

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình).

Cùng với đó, nghiên cứu bổ sung quy định về cung cấp thông tin vi phạm lĩnh vực TTATGT. Trên thực tế, việc phạt nguội vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát cũng như từ thông tin, hình ảnh người dân cung cấp đã được triển khai.

"Cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của người dân cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm. Trong đó giao Bộ Công an quy định chi tiết, cụ thể về việc cung cấp thông tin và tiếp nhận, xử lý", đại biểu góp ý.

Đề xuất chủ xe thay đổi địa chỉ không phải đổi đăng ký xe

Quan tâm tới quy định về việc cấp, thu đổi, thu hồi chứng nhận đăng ký xe và biển số xe cơ giới, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội) cho biết, Điều 37 dự thảo Luật quy định biển số xe được quản lý theo mã định danh của chủ xe là cá nhân, tổ chức, trừ biển số xe quân sự.

"Đây là bước thay đổi căn bản trong công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ, chuyển từ quản lý phương tiện theo địa bàn, đơn vị hành chính cấp tỉnh sang quản lý phương tiện gắn trực tiếp với chủ sở hữu phương tiện.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội).

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn TP Hà Nội).

Tuy nhiên, để quy định này phát huy hiệu quả, đề nghị tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính liên quan để bảo đảm chặt chẽ, đầy đủ, phù hợp với phương thức quản lý mới.

Cần cải cách, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp", đại biểu Thủy nói và đề nghị chỉnh lý quy định tại điểm b khoản 3 Điều 39 dự thảo Luật theo hướng chủ xe thay đổi địa chỉ không phải đổi giấy đăng ký xe.

Theo đại biểu, nếu đã thực hiện việc quản lý theo mã định danh, thì giấy tờ chứng nhận đăng ký xe đã được tích hợp trên ứng dụng VNeID. Các thông tin về nơi cư trú của chủ xe nên được cơ quan chức năng tự động tích hợp, không cần yêu cầu chủ xe phải thực hiện thủ tục này.

Cần quy định rõ về tín hiệu đèn vàng

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cho biết, trong dự thảo Luật quy định khi có đèn tín hiệu vàng, người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định).

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định).

Nhưng trên thực tế, khi người tham gia giao thông đi đến đường giao nhau có bố trí đèn, có thể xảy ra tình huống: Với đèn có hiển thị thời gian thì người tham gia giao thông có thể chủ động dừng lại trước khi đèn vàng bật sáng.

Nhưng có đèn không hiển thị thời gian, dù người điều khiển phương tiện đã giảm tốc độ, nếu vừa chớm qua vạch dừng thấy đèn vàng bật sáng, thì cũng rất khó xử lý.

Trường hợp này, tài xế đi tiếp không được vì quy định đèn vàng phải dừng lại. Đứng im cũng không ổn vì luật quy định phải dừng trước vạch trong khi xe đã vượt qua vạch. Còn lùi lại về trước vạch dừng cũng không xong vì luật quy định không được lùi xe ở nơi giao nhau hoặc có thể có xe ở ngay phía sau và không thể lùi.

Đại biểu cho rằng, trong trường hợp này, tài xế không có lỗi vì mặc dù đã giảm tốc độ nhưng không biết lúc nào đèn vàng bật sáng. Do đó, xử phạt hành chính trong trường hợp này sẽ vi phạm nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, không thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Do đó, ông Dũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc để quy định về đèn vàng hợp lý để giải quyết tất cả các tình huống giao thông như phân tích nêu trên.

Về quy định tín hiệu đèn vàng, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị giữ nguyên quy định trong Luật Giao thông đường bộ 2018: Trường hợp đèn tín hiệu vàng bật khi người tham gia giao thông đã bị quá vạch dừng thì được đi tiếp.

Quy định như vậy vừa thống nhất với Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước về Biển báo – Tín hiệu đường bộ (Công ước Viên) mà Việt Nam là thành viên và đúng với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia.

"Quy định như hiện nay phù hợp với thực tế và không gây khó khăn cho người tham gia giao thông", bà Nga nói.

Cần thiết cấm trẻ em dưới 10 tuổi ngồi hàng ghế trước ô tô

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đề nghị bổ sung nội dung "không được để trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ xe chỉ có một hàng ghế"; và bỏ nội dung "mà không có người lớn ngồi cùng" tại khoản 3 Điều 11.

Nêu lý do đề xuất, ông Trí cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tất cả trẻ em, bất kể độ tuổi hay chiều cao, nên được ngồi ở ghế sau của xe ô tô khi tham gia giao thông.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội).

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội).

"Ngồi sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ em, giảm nguy cơ bị thương so với để trẻ ngồi ở vị trí cùng hàng ghế với người lái xe. Khi dùng thiết bị an toàn, nguy cơ chấn thương cho trẻ ngồi ghế sau giảm 14% so với trẻ ngồi ghế trước", ông Trí nói.

Ông Trí cho biết, vị trí ngồi cùng hàng với người lái là vị trí nguy hiểm nhất trên xe ô tô. Đặc biệt, ngay khi túi khí bung ra, cũng có thể gây thương tích nghiêm trọng ở đầu và cổ cho trẻ em, kể cả khi trẻ ngồi trong thiết bị an toàn quay mặt về phía sau.

Nhiều hãng xe cũng thường xuyên khuyến cáo về việc không nên cho trẻ em ngồi ở hàng người lái. Đến năm 2023, 115 nước đã có luật cấm trẻ ngồi ghế trước, trong đó 70 nước cấm hoàn toàn và 45 nước cấm trẻ em ngồi ghế trước nếu không ngồi trong thiết bị an toàn trên xe ô tô.

Về lý do cần bỏ nội dung "mà không có người lớn ngồi cùng" với trẻ em được chở trên xe ô tô và trên xe máy, đại biểu chỉ rõ, cách viết này sẽ gây hiểu lầm rằng dây đai an toàn/thiết bị an toàn sẽ không cần dùng nếu có người lớn ngồi cùng trẻ. Mà trẻ em được chở trên xe ô tô hoặc xe máy nghĩa là có ít nhất người lái xe (người lớn) ở cùng trên xe.

"Luật không nên dùng từ mập mờ, cách hiểu khác nhau. Người lớn ngồi cùng không thể thay thế thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô vì dây đai an toàn chỉ phù hợp với kích thước của người lớn và trẻ em từ 10 tuổi và cao 1,35 mét trở lên. Khi xảy ra va chạm, lực quán tính và tình huống bất ngờ có thể khiến người lớn không thể giữ chặt trẻ dẫn tới việc trẻ bị văng khỏi ghế, va đập và bị thương nghiêm trọng", ông Trí nói.

Có cần chi tiền để quảng cáo về đấu giá biển số xe?

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) đồng tình với dự thảo Luật quy định trích một phần tiền thu được từ xử phạt vi phạm giao thông để tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa lực lượng cảnh sát giao thông, nhưng cần quản lý và thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước.

Về quy định đấu giá biển số xe, đại biểu Khánh cho rằng, việc bổ sung đấu giá biển số xe mô tô, xe gắn máy là cần thiết.

“Với số tiền khởi điểm đấu giá biển số xe máy là 5 triệu đồng, dự báo là sẽ có rất nhiều người tham gia đấu giá”, ông Khánh nhìn nhận và đề nghị thủ tục đấu giá đơn giản, gọn nhẹ hơn để tạo thuận lợi cho nhiều người dân tham gia.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu).

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu).

Về số tiền thu được từ đấu giá biển số xe, đại biểu Khánh băn khoăn với nội dung “chi cho quảng cáo” quy định khoản 8 trong dự thảo Luật.

“Tôi đề nghị làm rõ hoạt động đấu giá biển số xe ô tô có phải quảng cáo hay không? Và những chi phí khác là những kinh phí nào, từ đó đảm bảo minh bạch, công khai”, đại biểu Khánh nói.

Đại biểu Khánh cũng đồng tình với quy định cần thiết thành lập Quỹ giảm thiểu thiệt hạiTNGT đường bộ để phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa rõ quỹ này trực thuộc cơ quan chủ quản nào. Bởi liên quan đến lĩnh vực TTATGT đường bộ có 3 cơ quan, đơn vị gồm: Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Hơn nữa, về nguyên tắc hoạt động quỹ có quy định: hỗ trợ các hoạt động đảm bảo TTATGT đường bộ khi ngân sách Nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng.

Đại biểu Khánh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ nội dung này, bởi dự thảo Luật không nêu chi cho đầu tư, nhưng trong nguyên tắc lại quy định hỗ trợ khi Nhà nước chưa đầu tư.

Tiếp thu, giải trình thấu đáo để hoàn thiện dự thảo Luật

Phát biểu giải trình, làm rõ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo của Chính phủ để tham mưu cho UBTVQH tiếp thu, giải trình thấu đáo, đầy đủ dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Làm rõ vấn đề về nồng độ cồn, ông Lê Tấn Tới cho biết thêm, theo báo cáo của Bộ Công an thì từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023 thì số người chết, bị thương vì TNGT đường bộ liên quan đến rượu bia chiếm 20% tổng số người chết, bị thương vì TNGT đường bộ. Trong số đó 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra.

Ông Tới cũng dẫn thêm các số liệu báo cáo mới nhất của Bộ Y tế về các thương vong, chấn thương, tỉ lệ nạn nhân chấn thương sọ não vì TNGT đường bộ… và khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến ĐBQH và phối hợp với các cơ quan hữu quan để khảo sát, thu thập số liệu và đánh giá thêm vấn đề này.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết phiên thảo luận đã có 28 lượt đại biểu phát biểu và 1 ý kiến tranh luận.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, các ý kiến đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp để gửi đến các ĐBQH và chuyển cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Phùng Đô

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dbqh-ung-ho-cam-tuyet-doi-nong-do-con-tru-diem-bang-lai-192240522123737205.htm