'Trúc trắc' ứng dụng công nghệ trong nghệ thuật biểu diễn

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) không chỉ là phương tiện, công cụ cần thiết để nâng hình thức sân khấu lên tầm hiện đại mà mang đến những sáng tạo mới, hấp dẫn, lôi cuốn khán giả đến gần hơn với nghệ thuật.

 Ứng dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn là xu thế không thể thay đổi. Ảnh minh họa.

Ứng dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn là xu thế không thể thay đổi. Ảnh minh họa.

Hiện nay cả nước có khoảng 78 nhà hát và công trình có chức năng tương đương đang hoạt động. Tuy nhiên, việc áp dụng những thành tựu của CMCN 4.0 tại các nhà hát hiện nay vẫn chưa nhiều bởi không phải nghệ sĩ nào cũng có khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào các vở diễn, tác phẩm sân khấu.

Tại Hội thảo khoa học “Tác động của CMCN 4.0 vào lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật”, tổ chức ngày 11/9, tại Hà Nội, TS. Từ Mạnh Lương, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTT&DL) nhận xét đội ngũ biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống chủ yếu phát huy thế mạnh nghệ thuật, tinh hoa loại hình truyền thống đó mà ít có điều kiện để nghiên cứu công nghệ để phát huy giá trị nghệ thuật đó trong hoạt động biểu diễn.

Về cơ bản thì đội ngũ nghệ sĩ chưa trang bị kiến thức ứng dụng công nghệ một cách bài bản, đồng bộ. Nhân lực công nghệ ở các thiết chế văn hóa của nhà nước đang thiếu về số lượng và chưa đạt yêu cầu chất lượng.

Trong lĩnh vực âm nhạc, CMCN 4.0 tạo điều kiện thuận lợi trong việc tìm hiểu, giao lưu, học hỏi tiếp cận với âm nhạc thế giới. Các sản phẩm âm nhạc được tạo ra nhiều hơn và cùng một sản phẩm như nhau khi có sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số thì chất lượng sẽ cao hơn. Đối với công việc dàn dựng biểu diễn, CMCN 4.0 tạo ra thuận lợi lớn với những ứng dụng âm thanh, hình ảnh sống động, phong phú.

Theo ThS.Vũ Nhật Tân, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, hầu hết các trường đại học và học viện âm nhạc trên thế giới hiện nay đều đã thiết lập và xây dựng xong hệ thống phòng thu âm nhạc điện tử và khoa âm nhạc điện tử, tập trung vào đào tạo và thử nghiệm ứng dụng các yếu tố mới nhất trong công nghệ vào quá trình sáng tạo, sản xuất và biểu diễn. Tuy nhiên, hệ thống này ở Việt Nam chưa hề có nên chưa thể chủ động nắm bắt và đào tạo ứng dụng công nghệ vào âm nhạc.

CMCN 4.0 không chỉ là phương tiện, công cụ cần thiết để nâng hình thức sân khấu lên tầm hiện đại mà còn là những sáng tạo mới, hấp dẫn, lôi cuốn khán giả đến gần hơn với nghệ thuật.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho hay, trong lĩnh vực nghệ thuật xiếc, việc ứng dụng công nghệ vào các tiết mục vẫn còn hạn chế, đòi hỏi các nghệ sĩ phải tiếp cận, nâng cao kiến thức, làm chủ công nghệ để kết hợp hiệu quả với các thiết bị hỗ trợ trong biểu diễn. Tuy nhiên, theo ông Thắng, trong nghệ thuật xiếc, ứng dụng công nghệ trên sân khấu sẽ tạo nên sự hấp dẫn cho người xem nhưng yếu tố quan trọng nhất là người nghệ sĩ phải tương tác và biểu diễn, đòi hỏi người nghệ sĩ làm chủ công nghệ. Nếu lạm dụng quá nhiều khi sử dụng công cụ trình chiếu mà không có sự tương tác giữa khán giả và nghệ sĩ thì tiết mục đó sẽ khó để lại dấu ấn với khán giả.

Tại hội thảo, các nghệ sĩ, các đơn vị quản lý nghệ thuật cho rằng để việc ứng dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn được khả thi và thực sự có hiệu quả trong những năm tới cần phải có sự quan tâm của Nhà nước, các bộ, ngành và đặc biệt là cách tiếp cận từ các nhà quản lý, đơn vị nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần có chiến lược đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu ở trong và ngoài nước, đầu tư đồng độ để các thành tựu công nghệ có điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/truc-trac-ung-dung-cong-nghe-trong-nghe-thuat-bieu-dien/374932.vgp