'Trúc trắc' vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng

Sau khi nghị án kéo dài, vừa qua, TAND TP HCM vẫn chưa thể tuyên án vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Cty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn (Cty TNHH GrabTaxi Việt Nam).

Theo đó, HĐXX bất ngờ quay lại phần xét hỏi để làm rõ về yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vinasun. Vị chủ tọa đặt câu hỏi, năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Vinasun có bao nhiêu xe phải nằm bãi? Đại diện Vinasun đáp, có 2.777 xe.

Tiếp đó, tòa đề nghị Vinasun cho con số, trong số xe này, có bao nhiêu xe do phía bị đơn gây ra. Phía Vinasun cho hay, từ khi Grab tham gia thị trường cùng với tăng đầu xe của Grab và các hành vi vi phạm pháp luật, hành khách bỏ đi và lôi kéo tài xế nghỉ việc.

Trong khi kinh doanh taxi yếu tố quyết định là số đầu xe và giá cả. Vinasun khởi kiện căn cứ vào báo cáo kiểm toán để chứng minh. Trước đây, tốc độ tăng trưởng của Vinasun là 2 con số, tới 2015 chỉ còn 5% và sau đó giảm dần.

Các bên tại một phiên tòa được mở trước đó.

Về thiệt hại, đại diện Vinasun cho hay, phía Cty CP Kiểm định Cửu Long căn cứ vào 3 loại chi phí: khấu hao (xe không hoạt động cũng tính), vay ngân hàng, cố định (kiểm định, đường bộ, chi phí khác.

“Vinasun cho rằng giá trị cổ phiếu sụt giảm là do Grab gây ra, vậy căn cứ nào để khẳng định điều này?”, trả lời câu hỏi này, đại diện Vinasun nói, kết quả giám định độc lập có cơ sở rõ ràng, hoạt động của Grab khiến hoạt động của Vinasun sụt giảm, thị trường không còn tin vào khả năng tồn tại của DN.

Sự phát triển nhanh chóng của Grab, sự chiếm lĩnh thị trường của Grab khiến cho các DN lo ngại về sự tồn tại, cụ thể là Vinasun. Không đồng tình, đại diện Grab cho rằng, tính thiệt hại giá trị của cổ phiếu là không chính xác vì cổ phiếu không phải là sở hữu của Vinasun mà là sở hữu của cổ đông. Vinasun không chỉ ra được quan hệ nhân quả, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại do hành vi nào.

Cho rằng, việc giám định thiệt hại trong lĩnh vực này rất phức tạp và giám định không có mặt tại tòa. Trường hợp này tòa không có quyền ra quyết định dẫn giải giám định viên, chỉ có thể yêu cầu giải thích làm sáng tỏ những con số 2 bên đưa ra.

Do đó, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu liên quan đến việc giám định thiệt hại của phía Vinasun, từ đó mới giải quyết được vụ án và sẽ mở lại vào ngày 22-11.

Trước đó, đại diện VKSND nhận định, theo đơn khởi kiện của nguyên đơn thì đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được nguyên đơn chứng minh trong quá trình xét hỏi và đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.

Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi tràn lan, phá giá…gây ảnh hưởng và thiệt hại cho taxi truyền thống như Vinasun. Vinasun nêu, trong khi việc khuyến mãi phải được đăng ký trước với Sở Công thương thì Grab lại khuyến mãi tràn lan quanh năm.

Theo Nghị định 37/2006 quy định rõ về việc khuyến mại không quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày, nhưng Grab tổ chức khuyến mại tràn lan, vượt quá quy định.

Nguyên đơn cũng cung cấp cho tòa nhiều chứng cứ để chứng minh Grab kinh doanh vi phạm pháp luật tại Việt Nam gồm văn bản, hình ảnh và khoảng hơn 20 video. Vinasun cũng yêu cầu tòa án buộc bị đơn phải kinh doanh dựa trên pháp luật về cạnh tranh công bằng và yêu cầu đòi bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.

Hoa Đỗ - Trinh Phan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/truc-trac-vu-vinasun-kien-grab-doi-boi-thuong-412-ty-dong-126516.html