Trực tuyến vs ngoại tuyến: Ngành bán lẻ chạm 'điểm uốn'

'5 năm nữa từ thời điểm này, chúng ta sẽ không tranh cãi liệu thương mại điện tử có đang chiếm thị phần từ các nhà bán lẻ truyền thống không nữa bởi vì lúc đó, tất cả đều giống nhau'.

Khi Warby Parker, một thương hiệu Mỹ chuyên bán các sản phẩm kính mắt, được thành lập vào năm 2010, thông điệp đưa ra là khá đơn giản: Đừng mua kính mắt thiết kế đắt tiền trong các cửa hàng, hãy mua những thứ rẻ hơn trên Internet.

Thương mại điện tử là một sân chơi tốt, đồng thời, cần thiết về mặt tài chính bởi nhiều người khởi nghiệp không thể huy động được nguồn vốn bên ngoài và việc xây dựng một thương hiệu trực tuyến rẻ hơn rất nhiều so với việc mở một cửa hàng tại các trung tâm mua sắm.

Tuy nhiên, vào năm 2013, khi Warby Parker ăn nên làm ra trong mảng bán lẻ trực tuyến, những người sáng lập của hãng đã có một ý tưởng: trở lại với cách bán hàng truyền thống bằng việc xây dựng một đến hai cửa hàng.

Trong vòng một năm, có 8 cửa hàng Warby Parker trên toàn nước Mỹ. Vào cuối năm nay, con số này sẽ tăng lên khoảng 65 cửa hàng.

Như vậy, liệu rằng Warby Parker vẫn là một "nhà bán lẻ trực tuyến"? Rõ ràng là không. Bởi hơn một nửa doanh thu của Công ty hiện giờ đến từ hoạt động kinh doanh của các cửa hàng thực tế. Nhưng câu trả lời cũng là 'có': bởi người sáng lập Dave Gilboa cho biết "khoảng 75% khách hàng đã ghé thăm trang web của chúng tôi trước khi đến mua sắm tại các cửa hàng".

Thành công của Warby Parker thật phi thường. Tuy nhiên, những câu chuyện như thế này hiện đang trở nên khá phổ biến. Mua sắm trực tuyến đang có một giai đoạn 'ngoại tuyến', vì nhiều công ty thương mại điện tử như RentTheRunway và Bonobos, đầu tư vào những cửa hàng thực tế mà họ từng tưởng như đã lỗi thời. Dẫn đầu xu hướng này là Amazon, công ty mua sắm trực tuyến khổng lồ đã chi 14 tỷ USD để mua Whole Foods và gần 500 địa điểm cửa hàng truyền thống.

Nói tóm lại, ngành bán lẻ đang ở điểm uốn, nơi mà một số công ty brick-and-mortar (những công ty hoạt động trong cửa hàng truyền thống) có mạng lưới rộng đang gặp khó khăn trong khi các công ty thương mại điện tử vốn yêu thích những công cụ tiếp thị đơn giản lại đang dần nhận ra được giá trị của các cửa hàng truyền thống.

Thực tế, Amazon đang cho thấy một xu hướng mua sắm trực tuyến ở các khu vực mở cửa hàng thực tế. "5 năm nữa từ thời điểm này, chúng ta sẽ không tranh cãi liệu thương mại điện tử có đang chiếm thị phần từ các nhà bán lẻ truyền thống không nữa bởi vì lúc đó, tất cả đều giống nhau", các nhà phân tích của Citi Research nhận định.

Vào dịp đại lễ mua sắm 'Ngày độc thân' vừa qua, Alibaba cũng tung ra chiến lược tương tự khi nhà sáng lập, tỷ phú Jack Ma đã đẩy mạnh một kế hoạch "bán lẻ mới" để khôi phục lại tình hình kinh doanh của các cửa hàng truyền thống hiện có.

Alibaba đã đầu tư trực tiếp vào hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại, trang bị cho họ những công nghệ mới để quản lý khoảng không quảng cáo và trở thành trung tâm phân phối cho người mua sắm trực tuyến.

Khoảng 600.000 cửa hàng tiện lợi hiện đang sử dụng ứng dụng di động Linge Shou Tong của Alibaba để mua hàng và khoảng 100.000 điểm bán lẻ đang được chuyển đổi thành những cửa hàng thông minh. Chương trình đã thu hút 1.000 nhãn hàng, từ Levi's đến L'Oreal, cho phép khách hàng theo dõi các sản phẩm có sẵn và đặt hàng chúng.

Những xu hướng này ngày càng phổ biến trong giới phân tích bán lẻ. Tuy nhiên, ít người lại quan tâm đến việc liệu điểm uốn này trong ngành bán lẻ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các nền kinh tế hay sự bất bình đẳng giữa các khu vực.

Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản

Linh Lan

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/truc-tuyen-vs-ngoai-tuyen-nganh-ban-le-cham-diem-uon-20171120101155718.htm