'Trùm cao tốc' VEC đau đầu vì lỗ

Tính đến hết năm 2018, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có khoản nợ phải trả lên tới 87.000 tỷ đồng, cao gấp 9 lần so với mức 9.556 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Theo báo cáo tài chính riêng lẻ kiểm toán năm 2018 vừa được Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) công bố, năm vừa qua, VEC ghi nhận 3.209 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với năm 2017.

Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của VEC đạt 2.561 tỷ đồng, tăng tới 60%.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC quản lý.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC quản lý.

Trong năm, "trùm cao tốc" này cũng ghi nhận 389 tỷ đồng doanh thu tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay), tăng 86%.

Về chi phí, VEC ghi nhận tới 2.887 tỷ đồng chi phí tài chính, gấp 3,4 lần năm 2017. Phần lớn trong số này là lỗ chênh lệch tỷ giá với 2.151 tỷ đồng (tăng gấp 5,9 lần), bên cạnh đó là lãi tiền vay, phí cam kết với 619 tỷ đồng và lãi trái phiếu phát hành với 116 tỷ đồng.

Cùng với đó, VEC cũng ghi nhận 62 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng 47%.

Kết thúc năm 2018, lợi nhuận trước thuế của VEC chỉ vỏn vẹn 892 triệu đồng, giảm tới 99,9% so với con số 931 tỷ đồng của năm 2017.

Tính đến hết ngày 31/12/2018, tổng tài sản của VEC đạt 96.452 tỷ đồng, tăng 8,3% sau một năm. Phần lớn tài sản của VEC là tài sản cố định với 63.228 tỷ đồng, kế đến là tài sản dở dang dài hạn với 13.591 tỷ đồng (tập trung nhiều nhất ở dự án Bến Lức - Long Thành với trên 13.000 tỷ), các khoản phải thu ngắn hạn với 12.134 tỷ đồng (tập trung ở dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án Bến Lức - Long Thành và dự án TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây) và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn với 6.733 tỷ đồng (tập trung ở VietinBank, Agribank và BIDV).

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của VEC đến hết ngày 31/12/2018 ở mức 9.517 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,7% sau một năm. Nợ phải trả lên đến 86.935 tỷ đồng, tăng 9,7% và gấp 9 lần vốn chủ sở hữu.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, nợ phải trả của VEC tính đến cuối năm ngoái đã vượt hơn 87.000 tỷ đồng, tăng 7.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy tổng nợ đang chiếm 90% cơ cấu nguồn vốn và phần lớn hình thành từ các khoản vay tài chính dài hạn.

Chủ nợ lớn nhất của VEC là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ABD) với tổng dư nợ cuối kỳ hơn 31.200 tỷ đồng. Ngoài ra, VEC còn nợ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản 28.960 tỷ đồng và Ngân hàng Thế giới với hơn 5.400 tỷ đồng. Hầu hết các hợp đồng vay được thực hiện để tài trợ vốn cho các dự án cao tốc như Nội Bài – Lào Cai, Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi... với thời hạn thanh toán dao động từ 16 đến 40 năm.

Các khoản vay trên thường có thời hạn dài, từ 20-30 năm và có lãi suất khá thấp. Vì lượng vay ngoại tệ rất lớn bằng Yên Nhật và USD để đầu tư các dự án nên biến động tỷ giá tác động rất mạnh đến kết quả kinh doanh của VEC.

Năm ngoái VEC ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 2.100 tỷ đồng. Khoản lỗ này là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế giảm 390 lần so với năm trước, đạt chưa đến 3 tỷ đồng trong khi doanh thu thu phí cao tốc và lãi tiền gửi ngân hàng đều tăng.

Về các chỉ tiêu tài chính năm 2019, VEC đặt kế hoạch tổng doanh thu 3.837 tỷ đồng, trong khi kế hoạch lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 900 triệu đồng. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2019 dự kiến ở mức rất thấp, chỉ 0,01%.

Nha Trang

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/trum-cao-toc-vec-dau-dau-vi-lo-154002.html