Trùm ma túy Escobar và bóng đá

Colombia là một đất nước của bóng đá, đồng thời cũng là quê hương của trùm ma túy nổi tiếng thế giới Pablo Escobar. Ông trùm nổi tiếng là sát nhân máu lạnh này đã xây dựng cả một đế chế khổng lồ dựa trên ma túy và máu của những kẻ chống đối. Tuy nhiên trùm ma túy số một thế giới cũng là một người đặc biệt say mê bóng đá, đặc biệt là lợi dụng bóng đá để rửa tiền.

Phía sau sự hào phóng

“Tiền bạc hay là đạn” – đó là nguyên tắc chính của ông trùm Escobar. Kẻ thù vừa khinh thường vừa run sợ trước nhân vật “máu lạnh” này. Trong khi các quan chức chính phủ và hành pháp Colombia hoặc tìm mọi cách tiêu diệt, hoặc lại làm giàu từ chính những khoản tiền hối lộ hào phóng của Escobar.

Xuất thân từ một gia đình nghèo khổ, một trong không nhiều niềm vui để giúp Escobar quên đi những nhọc nhằn trong cuộc sống chính là bóng đá. Ngay cả khi đã trở thành trùm ma túy hàng đầu thế giới, Escobar vẫn không thể quên tình yêu đối với trái bóng tròn.

Pablo Escobar trong một trận bóng đá.

Tại nông trại của mình, hắn thường xuyên tổ chức những trận đấu giao hữu, chủ yếu là những trận đấu sân nhỏ với các tay chân vốn là những sát thủ máu lạnh của mình. Nhưng cũng có nhiều lúc Escobar tổ chức những trận đấu có mời cả các cầu thủ chuyên nghiệp từ khắp Colombia. Một điều đặc biệt, trùm ma túy luôn thể hiện thái độ rất tôn trọng đối với những cầu thủ bóng đá.

Để xây dựng hình ảnh, Escobar cho mở nhiều bệnh viện, trường học tại các khu dân cư nghèo. Những khoản tiền thu được từ ma túy cũng được đầu tư để xây nhiều sân bóng, được đích thân Escobar long trọng khánh thành chẳng khác gì một thị trưởng thành phố. Đây chính là nơi không ít các ngôi sao tương lai của đội tuyển Colombia đã tập luyện và trau dồi các kỹ năng của mình.

“Có không ít ý kiến về người đã bỏ tiền xây dựng sân bóng. Ông ta bị chỉ trích vì chuyện buôn bán ma túy. Nhưng chúng tôi đơn giản chỉ cảm thấy may mắn vì có được chỗ để chơi bóng” – cựu tuyển thủ quốc gia Leonel Alvarez nhớ lại. Chính Alvarez đã có 101 trận khoác áo đội tuyển quốc gia, hồi giữa những năm 1980 là tiền vệ trụ cột của “Atletico Nacional”, câu lạc bộ có ông chủ bí mật là Escobar.

Bóng đá là công cụ rửa tiền

Nắm giữ hành lang ma túy tới tận Florida, Escobar đã có thời gian làm nước Mỹ tràn ngập cocaine và kèm theo đó là những khoản siêu lợi nhuận. Tính ra, cocaine mang lại cho hắn trung bình khoảng 220 triệu đôla mỗi tuần. Do tiền mặt thu được quá nhiều, Escobar phải chôn bớt xuống những nhà kho bí mật dưới lòng đất, vung tay mua nhiều siêu xe đắt tiền, biệt thự và những buổi tiệc tùng bất tận.

Tất nhiên một số tiền không nhỏ cũng được chi ra đỡ đầu cho các đội bóng. Tiền thu được từ cocaine cần phải rửa, trong khi chuyển nhượng cầu thủ luôn là một trong những phương pháp tốt nhất được hắn lựa chọn để hợp thức hóa những khoản tiền này. Nếu như Escobar có câu lạc bộ địa phương “Atletico Nacional” thì chiến hữu của hắn – trùm ma túy Gonzalo Gacha còn có biệt danh là “El Mexicano” – lại nắm trong tay câu lạc bộ “Millonarios” ngay giữa thủ đô. Tập đoàn đối thủ từ thành phố Cali cũng sở hữu câu lạc bộ “America”.

Nguồn tiền dồi dào từ các ông trùm ma túy đã giúp cho bóng đá Colombia trở nên mạnh hơn – mua thêm cầu thủ nước ngoài, tăng lương để giữ chân các ngôi sao bản địa của mình. Cụ thể là tiền của Escobar đã giúp Atletico Nacional đạt được những thành công đáng ghi nhận.

Câu lạc bộ Atletico Nacional đã giành chiếc cúp Libertadores nhờ những khoản tiền đầu tư của Escobar.

“Trình độ thi đấu được nâng lên rõ rệt. Mọi người thấy được điều gì đang diễn ra và nói tới ảnh hưởng của Escobar. Nhưng chứng minh cụ thể vai trò này thì họ không thể” – Huấn luyện viên nổi tiếng Francisco Maturana đã nhận xét như vậy về thời kỳ vàng son của đội bóng. Tại một đất nước luôn bị giằng xé bởi những xung đột nội bộ giữa quân chính phủ, các tập đoàn buôn lậu ma túy và cả lực lượng bán quân sự như Colombia, bóng đá luôn là một trong không nhiều niềm vui của tất cả mọi người. Ngay cả khi biết được những gì đang thực sự giật dây ở phía sau, người dân Colombia vẫn sẵn sàng làm ngơ.

Năm 1989, “Atletico Nacional” với nguồn tiền dồi dào của Escobar lần đầu tiên đạt được thành công trên bình diện quốc tế. Cả Colombia khi đó đã say mê theo dõi từng bước trên hành trình chiến thắng của họ tại Cup Libertadores (giải vô địch các câu lạc bộ bóng đá Nam Mỹ).

Tại vòng bảng - phải đối đầu với các câu lạc bộ “Deportivo Kito” và “Emelec” của Ecuador, cũng như những người đồng hương từ “Milonariosarios” – Nacional tạm hài lòng với vị trí nhì bảng để lọt vào vòng sau. Ở vòng hai, các cầu thủ từ Medellin đã có một trận đấu kiên cường, vượt qua đối thủ tầm cỡ là “Racing” của Argentina với tổng tỉ số 3-2 sau hai lượt trận. Tại tứ kết, số phận lại an bài cho họ gặp lại đội bóng đồng hương “Milonariosarios”. Kết quả là Nacional được đi tiếp sau thắng lợi tối thiểu trên sân nhà và một trận hòa trên sân khách.

Đến bán kết, đối thủ của tiếp theo của họ là những cầu thủ đến từ Uruguay trong câu lạc bộ Danubio. Sau lượt đi kết thúc bằng trận hòa không bàn thắng, đến lượt về tại sân nhà Atletico Nacional đã dễ dàng (nhưng cũng rất đáng ngờ) đè bẹp đối thủ với tỉ số 6-0. Tổ trọng tài người Argentina trước trận đầu đã được người của Escobar ghé thăm. Họ được đề nghị nhận tiền để tạo ra kết quả có lợi cho chủ nhà, còn nếu không triển vọng sẽ phải ở lại Colombia mãi mãi. Theo một vài nguồn tin, các trọng tài đã không dám nhận tiền, còn các cầu thủ đã giúp họ tránh khỏi cái chết.

Trong trận chung kết lượt đi với đối thủ Olympia từ Uruguay, đội bóng của Escobar nhận thất bại hai bàn không gỡ. Trận lượt về do lo ngại ảnh hưởng của ông trùm ma túy, ban tổ chức đã quyết định chuyển sân đăng cai từ Medellin tới Bogota. Nhưng dù ở đâu, cánh tay của Escobar vẫn tìm được cách tác động đến đội ngũ cầm còi.

Ngay trong bữa ăn tối trước trận đấu cùng các cộng sự, trọng tài Juan Carlos của Argentina cũng nhận được một cặp tiền đầy cùng với đề nghị giúp đỡ. Sau khi không thể thuyết phục được trọng tài, nhân vật này tức giận bỏ đi với lời đe dọa: “Ngày mai hoặc Nacional thắng, hoặc ông sẽ về nhà trong quan tài!”.

Không biết có phải vì chuyện này hay không mà các cầu thủ Nacional lại cứu các trọng tài một lần nữa. Họ ghi được hai bàn thắng, đưa trận đấu đến loạt sút luân lưu và giành chiến thắng nghẹt thở với tỉ số 5:4. Pha ghi bàn cuối cùng ấn định thắng lợi chính là thủ môn Rene Higuita, người sau này đã nổi tiếng toàn thế giới với cú đá chổng ngược kiểu “con bọ cạp”.

Ma túy, súng đạn và sân cỏ

Những bí mật liên quan đến trận chung kết cúp Libertadores cho thấy, Escobar là người sẵn sàng bằng mọi giá để giành vinh quang cho đội bóng con cưng của mình. Nếu như đối với Gonzalo Gacha, câu lạc bộ “Millonarios” dù được yêu thích nhưng cũng chỉ dừng ở mức độ một công cụ để giải trí, thì Escobar lại trái ngược hoàn toàn.

“Bác tôi không bao giờ giết người chỉ vì chiến thắng trong một trận bóng đá – cháu của thủ lĩnh tập đoàn buôn lậu ma túy Cali nhớ lại – Nhưng Pablo Escobar sẵn sàng giết bất cứ người nào để đạt được kết quả. Chính vì vậy, ông ta đã đạt được điều mà cả cha và bác tôi không làm được – đó là chung kết cúp Libertadores”.

Có tin đồn về việc Escobar đã thẳng tay sát hại một trọng tài sau trận thua cay đắng trước câu lạc bộ “America” của tập đoàn buôn lậu ma túy kình địch Cali trong giải vô địch quốc gia. Cho rằng kết quả trên là do tay trọng tài bị phe Cali giật dây, ông ta đã giao cho tay chân của mình phải xử lý. Kết quả là chỉ vài ngày sau, viên trọng tài điều khiển trận bóng trên bị bắn chết.

Lòng đam mê bóng đá của Escobar không bao giờ nguội lạnh, ngay cả khi hoạt động của tập đoàn buôn lậu ma túy Medellin của hắn ngày một khó khăn. Nhằm tránh nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ, hắn ta đã nghĩ ra chiêu đầu hàng chính quyền, tự xây một nhà tù nghỉ dưỡng của riêng mình có tên La Catedral, trong đó đáng chú ý có cả một sân bóng đá. Theo ngôi sao bóng đá Diego Maradona, ông còn nhận được lời mời cùng Escobar đá quả bóng nhân dịp khánh thành sân bóng này.

Những tin đồn về các vụ sát hại và những âm mưu đen tối đằng sau những bức tường của La Catedral đã khiến chính quyền Colombia quyết định chuyển Escobar về một nhà tù thông thường. Escobar chạy trốn chỉ một thời gian ngắn sau đó. Ngay cả khi phải lẩn trốn trước sự truy nã gắt gao của chính quyền, Escobar vẫn thường xuyên nghe đài để theo dõi những kết quả từ đội bóng con cưng của mình.

Thậm chí khi bị bắn hạ, Escobar vẫn đang đi một đôi giày bóng đá. Hình ảnh thi thể trùm ma túy đã được truyền đi khắp thế giới vào tháng 12-1993. Một năm sau tại World Cup năm 1994, một hậu vệ có tên Andres Escobar (cũng mang họ Escobar) đã có một bàn phản lưới nhà trong trận gặp tuyển Mỹ. Hậu quả khiến tuyển Colombia thua 1:2 và phải sớm xách vali về nước.

Cũng như “truyền thống” trước đây của tay trùm ma túy, Andres đã phải nhận “món quà” là những viên đạn sau khi trở về quê hương.

Kim Lai (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/trum-ma-tuy-escobar-va-bong-da-506820/