Trump bất ngờ đổi giọng: Hòa dịu với EU, cứng rắn với Nga

Dù vậy, không nhiều người bên cạnh tổng thống Mỹ tin rằng ông đã thay đổi. Họ nghĩ ông vẫn sẽ tiếp tục chỉ trích các đồng minh lâu năm, đồng thời cố gắng thân thiết với Putin.

Chỉ trong 11 ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chỗ gọi Liên minh Châu Âu (EU) là "kẻ thù" và công khai bày tỏ sự nghi ngờ với chính đội ngũ tình báo của mình, cuối cùng đã đứng chung với một quan chức hàng đầu của EU trong Vườn Hồng của Nhà Trắng cũng như lên lịch họp với các cố vấn cấp cao để thảo luận về vấn đề an ninh bầu cử.

Đó là sự chuyển biến đầy bất ngờ, cho thấy ông Trump đang chịu áp lực ngày càng lớn từ phía đảng Cộng hòa trong việc phải cứng rắn hơn khi phát biểu công khai về Nga và hạn chế hệ lụy từ những cuộc chiến thương mại đang leo thang trên toàn cầu.

Không nhiều người ở cạnh tổng thống Mỹ tin rằng ông đã thay đổi nhiều và họ nghĩ ông Trump vẫn sẽ tiếp tục chỉ trích các đồng minh lâu năm của Washington đồng thời cố gắng thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin mỗi khi có cơ hội. Dù vậy, những tuyên bố về vấn đề thương mại và Nga dường như đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ sau một tuần hỗn loạn, rằng ông Trump "cùng phe" với đảng của mình và rằng Nhà Trắng nhạy cảm với những chỉ trích càng ngày càng nhiều.

Thắng lợi của EU

Sự xuất hiện của ông Trump bên cạnh Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại Vườn Hồng hoàn toàn đối lập với những gì diễn ra tại hội nghị NATO hồi tháng này, nơi mà ông Trump đã liên tục lên án các nhà lãnh đạo châu Âu.

Và đây là ví dụ khác về sự vô cùng khó đoán của ông Trump trên sân khấu quốc tế. Dù không công khai, các nhà lãnh đạo châu Âu từ lâu đã phàn nàn rằng họ không bao giờ biết được Tổng thống Trump là người như thế nào: một gã đầu gấu ghét NATO, tẩy chay EU, thích áp đặt thuế quan hay một nhà đàm phán dễ tính.

Ông Trump và ông Juncker trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 25/7. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp này để mang lại lợi ích cho nhân dân Mỹ cũng như châu Âu", ông Trump nói hôm 25/7, trong lúc các nghị sĩ Cộng hòa, bao gồm một số chỉ trích ông, đang lắng nghe. Các nghị sĩ vỗ tay khi ông Trump công bố chi tiết về thỏa thuận với EU.

Ông Trump nói Mỹ sẽ tạm dừng kế hoạch áp đặt thuế quan với EU và nỗ lực giải quyết những bất đồng về thương mại nhằm tránh một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện.

Tuyên bố này dường như được hoàn thiện vội vàng vào phút chót. Thông thường, những tuyên bố được đưa ra tại Vườn Hồng đi sâu vào chi tiết với hàng chục người ngồi ở những hàng ghế bên dưới lắng nghe tổng thống Mỹ.

Trái lại, hôm 25/7, các phóng viên vội vã chạy đến Vườn Hồng để tham dự sự kiện không nằm trong lịch trình mà gần như không được báo trước. Vườn Hồng không có ai, ngoài vài chục nhà báo đến nghe phát biểu của ông Trump và ông Juncker. Các nhân viên Nhà Trắng và các nghị sĩ đứng nhìn từ hàng hiên Nhà Trắng.

Dù nằm trong kế hoạch hay không, tuyên bố trên đã tạo ra tác động ngắn hạn trong việc xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu, và tin tức về một thỏa thuận trong vấn đề thương mại đã đẩy giá cổ phiếu tăng vọt. Tuyên bố dường như đã giải quyết được một số vấn đề gay go nhất trong cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và EU, vốn bắt đầu sau khi ông Trump quyết định đánh thuế nhôm, thép nhập khẩu với liên minh 28 nước châu Âu. EU trả đũa bằng quyết định đánh thuế hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.

Tuyên bố trên cũng đánh dấu một thắng lợi rất cần thiết cho ông Juncker, người đang đối mặt với những nghi vấn mới về việc sử dụng chất có cồn sau sự xuất hiện của đoạn video cho thấy ông không thể tự đi lại trong sự kiện gần đây của NATO.

Cả quan chức EU lẫn Nhà Trắng đều không công bố nhiều chi tiết về thỏa thuận mà họ đạt được trong vấn đề thương mại. Về cơ bản, đó dường như là một thỏa thuận mang tính biểu tượng giúp hai bên tạm thời tránh được việc bị áp đặt thuế quan trong lúc tiếp tục đàm phán.

Thỏa thuận, về cơ bản để ngăn chặn chiến tranh thương mại leo thang hơn là chấm dứt các biện pháp thuế quan trả đũa lẫn nhau, là thắng lợi quan trọng cho EU, đặc biệt là cho Đức, nước lớn nhất và giàu nhất trong khối. Ông Trump đặc biệt không thích Đức và Berlin đã sẵn sàng cho việc ông sẽ áp đặt thuế mới nhằm tấn công ngành công nghiệp ôtô của nước này. Một số quan chức Đức từng kêu gọi EU không tiếp tục khiêu khích vị tổng thống dễ khích động.

Nhiều điều khoản trong thỏa thuận trên phù hợp với các ưu tiên của EU và không cần nhiều hành động từ Brussels hay chính phủ các nước trong khối. Lượng nhập khẩu đậu nành Mỹ đã được dự báo tăng mạnh vì cuộc chiến thương mại khốc liệt hơn, phạm vi rộng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Và EU từ lâu đã hy vọng sẽ xóa bỏ được gần như mọi khoản thuế đối với hàng sản xuất và từng ra sức đàm phán với chính quyền Obama nhưng không thành.

Ông Trump và các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị ở Bỉ hôm 11/7. Ảnh: New York Times.

Tóm lại, việc loại bỏ được thuế đánh vào xe hơi EU đã giúp Đức tạm thời không phải lo lắng vì ông Trump và giúp EU dễ thở hơn trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới.

Hơn nữa, tuyên bố dường như đã làm vui lòng các nhà lập pháp đảng Cộng hòa, đặc biệt là những người đến từ các bang nông nghiệp phải đối mặt với những hệ lụy nặng nề nhất vì các biện pháp thuế quan.

"Ôi lạy Chúa, nếu chúng ta có thể xuất khẩu nhiều đậu nành hơn sang EU, đó là một thỏa thuận lớn", thượng nghị sĩ Joni Ernst của bang Iowa, người từng nhiều lần bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của các biện pháp thuế quan, nói với Politico. "Một ngày tuyệt vời".

Cứng rắn với Nga

Sáng sớm 25/7, chính quyền Trump dường như cũng cố gắng cho thấy lập trường cứng rắn hơn với Nga. Ông Trump dự định chủ trì một cuộc họp đầy đủ với Hội đồng An ninh Quốc gia vào cuối tuần này để thảo luận về an ninh bầu cử. Cuộc họp dự kiến thảo luận chi tiết về những nỗ lực của Nga nhằm vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra tại Mỹ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi Nga chấm dứt việc sáp nhập Crimea trong một tuyên bố được công bố cùng ngày. Dù tuyên bố chỉ tái khẳng định quan điểm lâu nay của Mỹ, thời điểm đưa ra tuyên bố là điều đáng chú ý, sau khi ông Trump thể hiện sự ủng hộ ông Putin tại hội nghị ở Phần Lan mới đây.

Ông Trump và ông Putin trong cuộc họp báo tại Helsinki, Phần Lan, hôm 16/7. Ảnh: AFP.

Nhà Trắng cũng thông báo rằng cuộc gặp thứ hai theo kế hoạch giữa ông Putin và ông Trump sẽ bị trì hoãn cho đến năm 2019. Quyết định này sẽ giúp hạn chế, ít nhất là hiện nay, những chỉ trích nhằm vào tổng thống Mỹ. Song động thái này có lẽ không phải là một phần trong chiến lược lớn nào đó nhằm tách ông Trump ra khỏi ông Putin, vì Điện Kremlin được cho là đã nhận lời mời một cách miễn cưỡng.

Các cố vấn của ông Trump bất đồng về hệ quả chính trị dài hạn xuất phát từ các bình luận về Nga của tổng thống. Một mặt, nhiều người thừa nhận rằng tuần trước là thời điểm đen tối của ông Trump tại Nhà Trắng, với những phát biểu mâu thuẫn của tổng thống việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Song những người khác thân cận với tổng thống cho rằng có những cơ hội chính trị trong cơn bão Nga. Một số cố vấn của ông Trump tin rằng việc tổng thống thường xuyên chỉ trích các vấn đề như cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller là những thắng lợi với những người ủng hộ ông Trump.

90s: Trump, Putin và cuộc khủng hoảng của Mỹ ở Helsinki Tuần qua là dịp hiếm hoi hai đảng ở Mỹ cùng kịch liệt lên án Tổng thống Donald Trump vì "hạ mình" trước người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại thủ đô Phần Lan hồi đầu tuần.

Đông Phong
Theo Politico

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trump-bat-ngo-doi-giong-hoa-diu-voi-eu-cung-ran-voi-nga-post863504.html